Đây là giả thuyết của Chủ tịch Hội đồng giáo dục Times School, TS. Giáp Văn Dương tại tọa đàm AI Summit 2024 “Sóng thần công nghệ - Trí tuệ nhân tạo, quyền lực và thách thức lớn nhất thế kỷ XXI” chiều 15.3.
Theo TS. Giáp Văn Dương, khi AI tự tổ chức được đời sống cá nhân, nó sẽ cạnh tranh với con người trên mọi phương diện. "Robot có thể đi lại, nấu ăn, múa hát… cho đến lập kế hoạch đời sống. Con người sẽ phải đối diện với nhiều mối lo ngại lớn. Tôi không dám chắc ngưỡng thời điểm đó có xảy ra hay không nhưng không có nghĩa là chúng ta tránh được".
Cho rằng AI ảnh hưởng đến các ngành nghề, trong đó có giáo dục và đào tạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, TS. Nguyễn Xuân Phong cũng tính đến lúc AI có thể khiến các trường phải thay đổi, từ quản trị đến cách thức đào tạo. Có những ngành mới mở nhưng đã bị lỗi thời trước sự xuất hiện của AI. Sự chuyển đổi công nghệ cũng là cơ hội chuyển mình của người dạy và người học, rộng hơn là của hệ thống giáo dục, đào tạo.
Vì thế, "chúng ta có thể chủ động đưa AI vào các trường phổ thông để các trường giáo dục cho học sinh hiểu, tiếp cận AI một cách tích cực", TS. Nguyễn Xuân Phong nói.
Con người đang xem AI là khách thể, tuy nhiên cần nhìn nó như một chủ thể, mà ở đó vấn đề cần quan tâm là khung pháp lý nhằm ngăn chặn sự sai lệch trong đối xử với rbot, trong đó có giá trị, tiêu chuẩn đạo đức khi sử dụng AI.
Có khá nhiều cuốn sách liên quan đến AI, vai trò và cơ hội được tạo ra bởi AI đến các hoạt động kinh doanh và xã hội, trong đó có "Sóng thần công nghệ" (The Coming Wave) của chuyên gia AI Mustafa Suleyman. Cuốn sách là bản hướng dẫn về làn sóng công nghệ sắp tới và tác động của nó đối với nhân loại. Một mặt, lợi ích, tiềm năng của công nghệ mới vô cùng rộng lớn và sâu sắc. Mặt khác, mối nguy tiềm tàng của những công nghệ này cũng không kém phần to lớn và nghiêm trọng.
Theo TS. Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo, điểm khác biệt là "Sóng thần công nghệ" đã nêu ra các thách thức và làm thế nào con người có thể kiềm chế những thách thức đó. Qua cuốn sách, tác giả đã nhìn thấy góc độ sâu hơn: có sự chênh lệch quyền kiểm soát về công nghệ, sự mất cân xứng giữa công chúng, đa số người dân với số ít những người làm công nghệ. Công nghệ được lan truyền có đồng đều hay không, hay tạo ra một xã hội loài người trong tương lai với 2 tầng lớp, một là nắm được công nghệ, làm chủ công nghệ và bên kia là không có kiểm soát việc này. Sự khác biệt này sẽ rất sâu sắc về mặt chính trị, văn hóa, lịch sử…
Cuốn sách thể hiện tầm nhìn của Mustafa Suleyman về việc kiềm tỏa công nghệ - nhiệm vụ duy trì sự kiểm soát đối với các công nghệ mạnh mẽ - như là thách thức cần thiết của thời đại chúng ta.
"Sóng thần công nghệ" được phát hành tháng 4 tới, mở đầu cho Tủ sách Công nghệ của Công ty Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời Đại (TIMES).