Ai thảo tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh?

- Thứ Tư, 30/04/2008, 00:00 - Chia sẻ
Ông Bàng Nguyên Thất, chiến sỹ thông tin liên lạc thuộc Đại đội 70, Tiểu đoàn 68, Trung đoàn 59, là một trong 2 người có mặt vào thời khắc lịch sử trưa ngày 30.4.1975 tại Dinh Độc lập, chứng kiến Tổng thống và Thủ tướng Ngụy quyền Sài Gòn đầu hàng quân giải phóng. Hồi ức của ông mà chúng tôi ghi lại được, hy vọng sẽ làm sáng tỏ thêm một phần lịch sử…

      Trận quyết tử cuối cùng ở cầu Sài Gòn
      Sinh năm 1954, tại Hà Nội, sau khi vào làm công nhân tại nhà máy ở Đống Đa, không lâu, ông Thất được điều động nhập ngũ. Tháng 9.1972, ông lên Tân Lạc, Hòa Bình huấn luyện để trở thành lính thông tin, bổ sung vào Đại đội 70, Tiểu đoàn 68, Trung đoàn 59, Bộ Tư lệnh Thủ đô. Tháng 12.1972, ông và đồng đội cùng ngày nhập ngũ được lệnh lên đường đi B. Ký ức về những giây phút chiến đấu khốc liệt ở cửa ngõ Sài Gòn, ông Thất nhớ lại: 
      Đêm 29, rạng ngày 30.4.1975, Tiểu đoàn chúng tôi từ rừng cao su Long Khánh rẽ ra đường đi Vũng Tàu tiến ra xa lộ Biên Hòa, hành quân về Sài Gòn khoảng hơn 6 giờ sáng, buộc phải dừng lại vì gặp phải hỏa lực cực mạnh của địch. Đó là 2 chiếc xe tăng nằm ngay giữa cầu Sài Gòn, bắn đạn xối xả. Phía dưới sông, hai tàu yểm trợ cũng bắn phá không ngừng. Cuộc chiến đấu ác liệt nhất từ khi bắt đầu hành quân về Sài Gòn, giữa xe tăng của ta với xe tăng, tàu chiến của địch. Trung đoàn Trưởng Nguyễn Xuân Văn yêu cầu mang DKZ lên bắn tăng, đồng thời điều cả bộ binh dùng B40, B41 lên hỗ trợ. Sau 1 giờ đồng hồ, lực lượng của ta mới bắn cháy 2 xe tăng và tiếp tục tiến lên. Trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Văn, cử đồng chí Phạm Xuân Thệ, Đại úy, Trung đoàn phó, Trung đoàn 66 tiếp tục chỉ huy mũi thọc sâu, tiến thẳng vào Dinh Độc lập. Tuy nhiên, vào đến cầu Thị Nghè lại gặp ổ đề kháng của địch. Nhưng thế quân địch đã tàn, ta lại có xe tăng, nên thị uy vài quả đạn là địch bỏ chạy. Khoảng 9 giờ sáng 30.4.1975, hai chiếc xe tăng 390 và 843 tiến vào cổng Dinh Độc lập. Chiếc xe tăng 842 húc vào cổng phụ rồi khựng lại. Xe 390 đi sau, húc vào cổng chính mở đường rồi hai chiếc xe tăng lao qua bùng binh, vào đỗ trước cửa dinh. Tôi ngồi trên xe Jeep (xe này là chiến lợi phẩm thu được tại Đà Nẵng) cùng với Phạm Xuân Thệ, Nguyễn Văn Nhu (Trợ lý tham mưu), Phùng Bá Đam, Nguyễn Huy Hoàng (chiến sỹ thông tin truyền đạt) cùng có mặt tại sảnh Dinh. 
      Khi xe tăng và xe Jeep của ta đã vào tới sảnh Dinh, các lính gác tự động buông súng. Tại tiền sảnh, Chuẩn tướng Ngụy quân Nguyễn Hữu Hạnh nói rằng, mời các ông lên tầng hai, Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đang chờ ở đó. Chúng tôi đi lên tầng 2, rẽ tay trái gặp Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, đằng sau họ là toàn bộ nội các Ngụy quyền đang đứng chờ. Một bầu không khí im lặng đến bất ngờ ngự trị khắp khán phòng...  

      Ai thảo tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh?
      Ông Thất kể tiếp: “Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu với Tổng thống Dương Văn Minh rằng đây là cán bộ chỉ huy của quân giải phóng. Ông Dương Văn Minh giơ tay ra bắt và nói chúng tôi đang chờ các ông đến để bàn giao, nhưng đồng chí Phạm Xuân Thệ gạt đi, nói rằng bây giờ quân giải phóng đã làm chủ nội đô, các anh phải ra hàng vô điều kiện. Đồng chí Thệ nói với Dương Văn Minh, đại ý hiện nay còn một số tỉnh vẫn còn tử thủ quyết liệt, ông là Tổng thống, ông phải kêu gọi và ra lệnh cho quân đội đầu hàng. Nhưng đi tìm các sỹ quan thông tin ở các hầm thông tin phía dưới Dinh đều không thấy ai cả. Liên lạc ra Đài phát thanh, thì nhân viên đài cũng bỏ trốn hết. Đồng chí Thệ hội ý với cán bộ, chiến sỹ của ta và quyết định áp giải Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu đến Đài phát thanh để kêu gọi binh lính Ngụy quyền đầu hàng. Lúc đó là 11 giờ trưa. Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu rất sợ, họ nói rằng, chúng tôi ra đường bây giờ hỗn loạn thế này, rất khó bảo toàn tính mạng. 
      Xe đỗ ở cửa Đài phát thanh (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cách Dinh khoảng 2km), chúng tôi áp giải Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu lên phòng thu âm. Đồng chí Hoàng Trọng Tình, Chính trị viên Tiểu đoàn 8, ra gặp đồng chí Thệ nói rằng, Tiểu đoàn 8 đã làm chủ Đài phát thanh và đang bảo quản Đài phát thanh một cách nguyên vẹn. Đồng chí Thệ thay mặt lãnh đạo khen ngợi Tiểu đoàn 8 và giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Trọng Tình cử cán bộ, chiến sĩ cho lực lượng bảo vệ Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu và đi tìm nhân viên đến Đài phát thanh. 
      Đến đây đồng chí Phạm Xuân Thệ mới bắt đầu thảo lời tuyên bố đầu hàng. Dương Văn Minh hỏi: Tôi đồng ý đầu hàng, nhưng tôi nói gì? Đồng chí Thệ trả lời, ông nói theo lời mà tôi sẽ viết. Sau khi viết xong, đồng chí Thệ đưa cho Dương Văn Minh đọc để ghi âm. Nhưng, chữ viết của ông Thệ rất khó đọc, Dương Văn Minh nói rằng, “cấp chỉ huy đọc cho tôi ghi lại”. Đồng chí Thệ đọc cho ông Minh ghi lại lời tuyên bố đầu hàng. Ghi hết thì ông Minh đọc lời chuẩn để phóng viên người Đức ghi âm. Ghi âm xong, phát lại cho đồng chí Thệ nghe và giao lại cho nhân viên phát trên sóng phát thanh. Lời đầu hàng đại ý rằng: “Tôi Tổng thống nước Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh, ra lệnh toàn bộ lực lượng sỹ quan và binh lính đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng, quay trở về với quốc gia...” Lúc đó là 11h20 trưa 30.4. 
      15 phút sau, ông Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203 mới có mặt tại Đài phát thanh. Sau khi nghe lời tuyên bố đầu hàng xong, đồng chí Thệ và đồng chí Tùng bàn với nhau: Đã có lời tuyên bố đầu hàng thì phải có lời chấp nhận đầu hàng. Đồng chí Tùng là người Đà Nẵng, có giọng miền Nam, nên viết và đọc lời chấp nhận đầu hàng, đại ý rằng: “Tôi đại diện cho quân giải phóng miền Nam Việt Nam chấp nhận lời đầu hàng vô điều kiện của của Tổng thống Dương Văn Minh. Và tuyên bố miền Nam hoàn toàn giải phóng…”. 
      Sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chúng tôi lại áp giải ông ta và Vũ Văn Mẫu xuống xe Jeep trở về Dinh Độc lập, theo sau là hai xe bảo vệ. Về đến Dinh thì Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã vào đến nơi. Ông Minh và toàn bộ nội các được giao lại cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2... 

Phương Nguyên
(Ghi theo lời kể của ông Bàng Nguyên Thất)