Ai sợ nhà báo? Nhà báo sợ ai?
Nhiều người bảo: “Nhà báo bây giờ oai lắm, sức mạnh công luận thời đại thông tin này ghê gớm lắm, còn sợ chi ai.” Phải! Đó là những điều ai cũng thấy, nhưng không phải vì thế mà không có chuyện để bàn.

Ngay trong tháng 6 này, các báo vừa đưa tin một nhà báo định tống tiền một doanh nghiệp bị bắt quả tang đã ra tòa. Ngược lại, một nhà báo khác đang tác nghiệp đã bị hành hung! Hai vụ “xuất xứ” từ hai nhà báo “đối nghịch” (một “tiêu cực” và một “tích cực”) nhưng lại có chung một nguồn cội: Đó là do một số địa phương, cơ quan, hay doanh nghiệp (sau đây gọi chung là “đơn vị”) làm ăn lèm nhèm nên sợ nhà báo rọi “ống kính” lôi ra trước công luận những khuyết tật của đơn vị mình. Để thoát khỏi nỗi sợ này, phương sách chính đáng và hữu hiệu nhất là mỗi đơn vị, mỗi người phải dám nhìn thẳng vào sự thật, xây dựng những mối quan hệ lành mạnh, minh bạch, tôn trọng pháp luật, không ngừng nâng cao đạo đức kinh doanh và thái độ phục vụ. Làm được như thế thì chẳng việc gì còn phải “sợ” nhà báo (tất nhiên là cũng chẳng còn sợ thuế vụ với công an); Mặt khác, loại nhà báo quen vòi vĩnh “kiếm ăn” cũng hết đường sống, giúp cho đội ngũ báo chí được trong sạch, xứng đáng với trọng trách của mình trước nhân dân, trước xã hội. Còn đối phó với nhà báo bằng hối lộ (được trá hình qua tặng phẩm hậu hĩnh hay chiếc “phong bì” dày) hoặc hành xử kiểu côn đồ thì chính là “anh” đã thú nhận thế yếu của mình. Đây là hạ sách, không bền và chẳng may “anh” bị bắt quả tang thì tội chồng thêm tội. “Anh” cũng quên rằng bây giờ ở mỗi địa bàn có rất nhiều nhà báo thuộc các cơ quan báo chí khác nhau. Báo chí cũng đã đưa tin một đơn vị nọ cho bảo vệ hành hung nhà báo này, nhưng lại bị nhà báo khác chụp bắt quả tang. “Anh” cũng khó hối lộ cho khắp và xin nhớ là vẫn có nhiều nhà báo luôn coi trọng danh dự và lương tâm nghề báo - một nghề mà Thomas Jefferson (1743-1826), nhân vật nổi tiếng thế giới, người khởi thảo Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, sáng lập Đại học Virginia đã viết trong một lá thư gửi bạn: “Nếu để cho tôi ra quyết định: có chính phủ mà không có báo chí, hoặc ngược lại, chỉ báo chí chứ chẳng cần chính phủ, tôi sẽ không do dự chọn lựa phương án thứ hai”.
Tất nhiên là chẳng có tình huống phải có sự lựa chọn như thế, Jefferson chỉ cốt nhấn mạnh vị thế và tầm quan trọng đặc biệt của báo chí mà thôi. Cho dù vậy, bản thân báo chí vẫn có nỗi sợ của riêng mình. Trước hết, đó là nỗi sợ báo không có người đọc, không được người đọc tin cậy nữa. Điều này xảy ra khi các nhà báo và Ban biên tập thờ ơ, lảng tránh hoặc phản ánh không trung thực những vấn đề nóng bỏng của xã hội, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thật đáng mừng là sau hơn 20 năm Đổi mới, báo chí ngày càng gắn bó với cuộc sống đang không ngừng phát triển, nhưng để luôn giành được sự tín nhiệm của bạn đọc, để có lượng độc giả ngày một nhiều hơn mà không cần tin, bài “giật gân” câu khách thì vẫn là cuộc chiến đấu gay go hàng ngày trong mỗi tòa soạn, mỗi nhà báo. Đúng là một cuộc chiến đấu, vì để có những bài báo trung thực, đặt ra được những vấn đề lớn thiết yếu của xã hội - yếu tố chính tạo nên sức hấp dẫn của báo chí, thì nhiều khi nhà báo vựợt qua nhiều sức ép, nhiều sự cám dỗ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Trên thế giới mỗi năm đã có hàng chục, có khi hàng trăm nhà báo bị sát hại. Ở Việt Nam, trong chiến tranh cũng đã có không ít nhà báo hy sinh; những năm vừa qua cũng đã có một số nhà báo và có cả tòa soạn báo bị đe dọa bằng nhiều hình thức.
Trong cuộc “chiến đấu” này, các nhà báo và các cơ quan báo chí còn một nỗi sợ nữa là sợ… bị “thổi còi” từ nhiều cấp quản lý, giám sát ngang dọc vì sai sót này nọ hoặc “vượt giới hạn cho phép” nào đó. Đây là một vấn đề “nhạy cảm” và cũng phức tạp – thì đó, ngay tiếng còi thổi phạt của các trọng tài bóng đá diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước cả vạn, cả triệu khán giả với hàng trăm ống kính nhà báo, luật lệ thì bất di bất dịch, mà nhiều khi tranh cãi “đúng-sai” không cùng, huống chi chuyện chữ nghĩa vốn co dãn, lại còn “nóng lạnh” thất thường. Kể ra, nếu được bàn luận rốt ráo chắc cũng được bạn đọc hoan nghênh, nhưng giữa ngày lễ vui vẻ, tôi cũng vui vẻ xin được dừng ở “giới hạn” này, kẻo hăng hái quá, không chừng…
Dù sao thì các nhà báo chân chính không bao giờ bỏ cuộc hoặc bẻ cong ngòi bút của mình!
Nguyễn Khắc Phê