Ai sẽ viết lịch sử khác đi?

Bảo Nhi
Theo FP
15/01/2012 12:39

Chúng ta liệu có được chứng kiến những yếu tố đột phá trong ngoại giao quốc tế năm 2012? Những yếu tố có khả năng làm xoay chuyển cục diện chiến lược, tạo ra những đột phá trong chính trị quốc tế và buộc các bên liên quan xem xét lại lập trường của mình.

Đó là những yếu tố mà Michael Handel từng phân tích trong cuốn sách của ông: Ngoại giao Bất ngờ: Hitler, Nixon, Sadat. Ông tìm tới nguồn cơn khiến các nhà lãnh đạo đi đến những quyết định gây chấn động thế giới hoặc giải thích những duyên cớ khiến họ phá bung được những khuôn khổ, nguyên tắc hay lập trường cố hữu để tạo nên những đột phá ngoại giao. Đó là việc Richard Nixon vượt qua “đại dương của 25 năm vắng bóng đối thoại” để bắt tay Mao Trạch Đông năm 1972. Đó là sự xuất hiện bất ngờ của Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat trước Nghị viện Israel để nói về hòa bình, 4 năm sau cuộc chiến Yom Kuppur; hoặc kém tích cực hơn, đó là cái bắt tay bất ngờ giữa Liên Xô và Đức trong Hiệp ước Molotov-Ribbentrop, từng là duyên cớ đưa đến cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II. Chúng ta, vì thế, có nên hy vọng vào những khả năng phá rào mà các nhà lãnh đạo thế giới có thể tạo ra trong nền ngoại giao đương đại?

1. Mỹ loại trừ giải pháp quân sự với Iran

“Mọi lựa chọn, kể cả quân sự, đều để ngỏ”. Trong suốt một thập kỷ qua, không một nhà lãnh đạo nào của Mỹ nói khác đi. Tất nhiên, khi Mỹ có mọi lựa chọn, họ có quyền sử dụng chúng. Tuy nhiên, việc liên tục giơ ra cây gậy có vẻ không phải là cách hữu hiệu để gây dựng lòng tin, đặc biệt với một đất nước chưa bao giờ có thiện cảm với Mỹ. Tai hại hơn, nó còn trở thành lý do thuyết phục nhất để buộc Iran phải nhanh chóng trang bị phương tiện để chống đỡ bất kỳ cây gậy nào giáng xuống đầu họ, như vũ khí hạt nhân chẳng hạn.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Chính quyền Obama đột ngột tuyên bố, giải pháp quân sự vĩnh viễn được rút khỏi các giải pháp? Điều này không có nghĩa rằng Mỹ sẽ không ra lệnh cho các chiến đấu cơ cất cánh để bảo vệ đồng minh hay trả đũa các cuộc tấn công quân sự trực tiếp nhằm vào Mỹ, nhưng điều này mang thông điệp rõ ràng rằng, Mỹ không dự tính bất kỳ cuộc tấn công phòng ngừa nào nhằm vào Iran. Một tuyên bố như vậy có thể sẽ không ngay lập tức khiến mối quan hệ Mỹ - Iran tan băng, nhưng nó sẽ giúp phá đi lớp sương mù dày đặc giữa hai nước và thúc đẩy Iran tiến tới suy nghĩ, việc họ vượt quá giới hạn hạt nhân cho phép có thể không nằm trong lợi ích của họ.

Tất nhiên, những kẻ thực tế đều không tin Obama có thể đưa ra bất kỳ tuyên bố nào như vậy từ nay đến tháng 11.2012, thậm chí là sau đó. Và cũng chẳng có kẻ lạc quan nào nghĩ rằng, sẽ có một ứng cử viên của đảng Cộng hòa sẵn lòng làm điều này. Nhưng giả thuyết trên đã cho thấy, các lãnh đạo của chúng ta có thể khiến lịch sử khác đi, nếu họ tiếp cận vấn đề từ một phía khác.

Ai sẽ viết lịch sử khác đi? ảnh 22. Hamas viết lại Điều lệ

Nếu ai đó chưa từng đọc Điều lệ của Phong trào Hamas, thì nên lướt qua một chút, chắc chắn nó sẽ khiến người ta không khỏi sửng sốt. Nhiều chuyên gia cho rằng, một số điều khoản trong Điều lệ của Hamas (bao gồm cả việc không công nhận tính hợp pháp của Nhà nước Israel...) không thực sự phản ánh bản chất của Phong trào này. Nhưng ngay cả như vậy, bản Điều lệ vẫn còn rất nhiều điểm mang tính khiêu khích và không liên quan đến bản chất cuộc xung đột Israel -Palestine. Ví dụ như việc Hamas lên án âm mưu thôn tính toàn cầu của Chủ nghĩa phục quốc Do Thái hay viện dẫn tài liệu giả mạo “Mật thư của các trưởng lão Do Thái”. Có thể thấy rõ điều này qua các điểm 22, 28 và 32 trong Điều lệ.

Nhưng hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Hamas tuyên bố loại bỏ các điều khoản mang tính khiêu khích nhất trong Điều lệ hiện tại. Với việc đưa ra một tín hiệu không thể chối cãi về xu hướng ôn hòa, một quyết định sửa đổi Điều lệ và bỏ đi những điều khoản đầy tính khiêu khích sẽ mở ra cho Hamas cơ hội tham gia tiến trình chính trị và tiến trình hòa bình - một tiến trình mà nếu vắng Hamas, chắc chắn, sẽ không bao giờ thành công. Khi đó, chính Hamas sẽ là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi lớn ở Trung Đông.

3. Israel chấp nhận kế hoạch hòa bình của Liên đoàn Ảrập

Vào năm 2002, Ảrập Xêút đưa ra một sáng kiến hòa bình, theo đó, toàn bộ Liên đoàn Ảrập sẽ thừa nhận Nhà nước Do Thái. Đổi lại, Israel phải chấp nhận việc thành lập Nhà nước Palestine với đường biên giới trước năm 1967. Đây không phải thỏa thuận về quy chế cuối cùng nhưng nó đưa ra những nguyên tắc then chốt trong giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, Israel đã bác bỏ những điều khoản quan trọng như việc lấy Đông Jerusalem làm thủ đô hay quyền hồi hương của người tị nạn Palestine.

Những người chỉ trích Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, chưa bao giờ ông thực sự quan tâm tới giải pháp hai nhà nước, và rằng tất cả những lời hoa mỹ của ông về đàm phán, thực chất chỉ là lớp màn khói nhằm đánh lừa dư luận và kéo dài thời gian cho các kế hoạch xây dựng khu định cư. Thế nhưng, hòa bình Trung Đông sẽ rẽ theo hướng nào nếu đột nhiên một ngày, ông Netanyahu đứng trước Knesset (Nghị viện) tuyên bố chấp nhận Kế hoạch hòa bình của Liên đoàn Ảrập và sẵn sàng đàm phán những điểm cơ bản nhất trong đề xuất của họ? Chắc chắn, ông sẽ được ghi vào lịch sử thế giới đương đại, không phải với dòng chú thích “kẻ đã hy sinh lợi ích sống còn của Israel” mà với dòng chú thích “người đã khai thông tiến trình hòa bình Trung Đông”. Cùng với việc Hamas viết lại Điều lệ của mình, có thể đảng Likud cũng sẽ viết lại Điều lệ.

4. Mỹ chủ động đề nghị cắt giảm kho vũ khí hạt nhân

Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga đã được giảm đáng kể từ sau Chiến tranh Lạnh nhưng vẫn là con số khổng lồ so với bất kỳ quốc gia nào. Trong khi đó, mối nguy an ninh lớn nhất hiện nay không đến từ chiến tranh hạt nhân mà là nguy cơ những nhóm khủng bố một ngày nào đó có thể sở hữu loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ thông báo: “Này, chúng tôi sẵn sàng vứt đi 50 tới 80% đầu đạn nếu các bạn cũng làm như vậy. Thậm chí vì chúng tôi có kho vũ khí lớn nhất nên chúng tôi sẽ tự nguyện cắt giảm nhiều hơn các nước khác”.

Tất nhiên, đề xuất này có thể không ngay lập tức đưa đến tiến trình giải trừ quân bị. Nhưng rõ ràng, một tuyên bố như thế từ Nhà Trắng hoặc Lầu Năm Góc sẽ là một lời kêu gọi nghiêm túc nhất buộc các cường quốc hạt nhân phải xem về khả năng cắt giảm kho vũ khí của mình. Khi đó, các cường quốc có thể yên tâm chở các đầu đạn ra bãi phế thải bởi vì Mỹ sẽ còn vứt đi nhiều hơn họ.

Ý tưởng này dựa trên hai thực tế quan trọng. Thứ nhất, kho vũ khí thông thường của Mỹ đã quá mạnh đến mức họ không cần tới một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ để được an toàn. Thứ hai, các nước không cần tích trữ hàng nghìn quả bom để bảo đảm hiệu quả răn đe trong khi chỉ một quả bom cũng có thể thổi bay một thành phố. Một đề nghị như thế này có vẻ không tưởng, nhưng nếu một nhà lãnh đạo nào nào đó của Mỹ dám làm như vậy, họ sẽ nhận ra rằng họ được nhiều hơn mất.

5. Trung Quốc chấp nhận đàm phán đa phương về vấn đề biển Đông

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn bác bỏ mọi lời kêu gọi đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Thay vào đó, giới hữu trách Bắc Kinh tái khẳng định lập trường “thương thuyết tay đôi” để giải quyết tranh chấp này với từng nước một. Không nghi ngờ gì, đây là phương pháp duy nhất để tối đa hóa lợi thế của một cường quốc khu vực trong đàm phán với các nước nhỏ khác. Tuy nhiên, có một thực tế là cách tiếp cận thiếu thiện chí của họ đang đẩy những nước láng giềng xích lại gần với Mỹ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc, trong một tầm nhìn dài hơi hơn, đột nhiên tuyên bố rằng, một cách tiếp cận thiện chí sẽ giúp Trung Quốc củng cố vị thế và giúp duy trì cân bằng quyền lực ở khu vực? Nói một cách khác, điều gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh đột nhiên thông báo, họ muốn bắt đầu các cuộc đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp biển Đông và sẵn sàng đệå trình vấn đề này lên Tòa án quốc tế về Luật Biển nếu đàm phán thất bại? Có thể mọi thứ sẽ kết thúc bằng việc Trung Quốc sẽ được chia một miếng bánh nhỏ hơn là thứ họ đang khao khát có được, nhưng những lợi ích về ngoại giao từ một chính sách hòa giải sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Còn rất nhiều “cuộc chơi” khác cần tới những “yếu tố thay đổi” như cuộc khủng hoảng nợ của khu vực euro, tranh chấp khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan, hay dai dẳng hơn, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Chúng ta có thể sẽ thấy cánh cửa ở tất cả những bức tường gạch này nếu các nhà lãnh đạo của chúng ta đủ sáng tạo để nghĩ tới một cách tiếp cận khác và đủ can đảm để thử nó. Bằng cách đó, lịch sử đương đại của chúng ta, biết đâu, sẽ được viết khác đi.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ai sẽ viết lịch sử khác đi?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO