AI không thể biến giáo viên có năng lực trung bình thành xuất sắc

AI không thể biến giáo viên có năng lực trung bình thành xuất sắc

Tiến sĩ Kim Mạnh Tuấn, Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) dù giúp ích cho giáo viên rất nhiều nhưng một trong những vấn đề quan trọng nhất vẫn là kiến thức chuyên môn của giáo viên.

Đây là nhấn mạnh của Tiến sĩ Kim Mạnh Tuấn tại Hội thảo quốc tế “Hạnh phúc trong giáo dục”, do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức ngày 23.11-24.11.

“AI sẽ không thay thế bạn, nhưng người sử dụng AI sẽ thay thế bạn”

Theo TS Kim Mạnh Tuấn, trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra một cuộc cách mạng mang tính chất toàn diện trong lĩnh vực giáo dục. Nhờ AI, chúng ta làm được rất nhiều việc trong cùng một khoảng thời gian. Năng suất lao động giữa một người ứng dụng thành thục công nghệ thông tin, AI với một người không ứng dụng thậm chí có thể chênh lệch đến 5-10 lần.

“AI sẽ không thay thế bạn, nhưng người sử dụng AI sẽ thay thế bạn”, TS Kim Mạnh Tuấn nói.

img-1711-1.jpg
TS Kim Mạnh Tuấn, Trường Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Hạnh phúc trong giáo dục” (Ảnh: Nguyễn Liên)

Chuyên gia này nhấn mạnh, điều tuyệt vời nhất mà giáo dục 4.0 hay trí tuệ nhân tạo mang lại cho ngành giáo dục chính là vấn đề dạy học hay học tập cá nhân hóa. Trước đây, chúng ta hay nhắc đến cụm từ này, nhưng để làm được tương đối khó. Ngày nay, với sự giúp đỡ của trí tuệ nhân tạo, thậm chí chúng ta có thể tạo ra những khóa học dành riêng cho học sinh, sinh viên; phù hợp với nhu cầu, năng lực, sở thích của các em chỉ bằng một cú nhấp chuột.

Trong nền giáo dục 4.0, vai trò của giáo viên đã thực sự thay đổi. Trước nay, các thầy cô thường có bản năng suy nghĩ đến việc hôm nay lên lớp sẽ dạy gì. Tuy nhiên, trong bối cảnh học sinh có thể dễ dàng tìm kiếm kiến thức nhờ trí tuệ nhân tạo, vai trò của giáo viên lúc này không chỉ là người mang tính chất dạy học, giảng dạy mà còn là người tư vấn, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên; giúp các em học tập hiệu quả hơn, sáng tạo hơn, học được rất nhiều nội dung trong khoảng thời gian ngắn hơn.

TS Kim Mạnh Tuấn cho rằng, AI giống như một cuộc cách mạng tác động đến hầu như mọi mặt liên quan về quản trị nhà trường hay vấn đề dạy học của giáo viên.

Theo đó, AI có thể giúp đỡ giáo viên rất nhiều công việc liên quan đến tiến trình dạy học như tạo các kế hoạch bài giảng, nghiên cứu bài giảng, tạo các học hiệu, vấn đề kiểm tra, đánh giá, tổ chức hoạt động giảng dạy, học tập trên lớp.

AI cũng giúp nâng cao hiệu quả hành chính và giảm khối lượng công việc của giáo viên; cung cấp thông tin dựa trên dữ liệu theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định giảng dạy; cá nhân hóa học tập và tăng tính dễ dàng trong phân hóa giáo dục. Bên cạnh đó, giúp chuyển đổi mối quan hệ giáo viên - học sinh theo hướng hỗ trợ và cố vấn; tăng thời gian cho các tương tác chất lượng và phát triển kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và hợp tác. Từ đó, khuyến khích học sinh phát triển kỹ năng tự học và các kỹ năng quan trọng khác như giải quyết vấn đề, sáng tạo,...

“AI đang hỗ trợ đắc lực cho giáo viên. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng AI về bản chất cũng chỉ là công cụ, do vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ứng dụng AI một cách hiệu quả trong việc giảng dạy. Với các nhà trường, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ứng dụng AI đạt được các mục tiêu giáo dục và triết lý giáo dục của chính nhà trường đó”, TS Kim Mạnh Tuấn cho hay.

Ông nhấn mạnh, AI không thể biến một giáo viên có năng lực, trình độ trung bình trở thành một giáo viên xuất sắc. Bởi dù trí tuệ nhân tạo giúp ích cho giáo viên rất nhiều nhưng một trong những vấn đề quan trọng nhất vẫn là kiến thức chuyên môn của giáo viên. Một người có kiến thức chuyên môn sâu mới biết cách sử dụng câu lệnh, đặt câu hỏi cho AI chính xác; biết điều khiển, điều chỉnh dữ liệu đầu vào hay điều chỉnh chất lượng đầu ra.

“Với giáo viên hay bất kỳ ngành nghề nào, tôi cho rằng phần liên quan đến kiến thức chuyên môn sâu vẫn luôn quan trọng và mãi quan trọng, kể cả có AI hay không có AI”, TS Kim Mạnh Tuấn nhìn nhận.

hoc-lap-trinh-tri-tue.jpg
AI giống như một cuộc cách mạng tác động đến hầu như mọi mặt liên quan về quản trị nhà trường hay vấn đề dạy học của giáo viên (Hình minh họa)

Ứng dụng AI trong giáo dục thế nào?

Theo TS Kim Mạnh Tuấn, gần đây, một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, 66% Hiệu trưởng các trường học được khảo sát chia sẻ, trong tương lai, họ sẽ không nhận các giáo viên vào làm việc nếu giáo viên không biết sử dụng công cụ AI. Dù đây là một nghiên cứu trên số lượng trường học nhất định, tuy nhiên cũng chỉ ra rằng việc phát triển năng lực AI dành cho giáo viên rất quan trọng ở thời điểm này.

Hầu hết môn học có thể được ứng dụng AI ở mức độ nhất định. Với một số môn học khác như các môn liên quan đến nghệ thuật có thể sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn, tuy nhiên vẫn bị ảnh hưởng một phần.

Do đó, yêu cầu phát triển năng lực AI với giáo viên là rất lớn. Nếu giáo viên không ứng dụng AI, năng suất lao động của họ so với các đồng nghiệp sẽ kém hơn. Điều rất quan trọng là hầu hết học sinh, sinh viên hiện đều có năng lực sử dụng AI. Nếu giáo viên không có năng lực này, họ sẽ không đánh giá, kiểm soát được chất lượng sản phẩm của học sinh, đồng thời cũng không phát triển được năng lực AI cho chính học sinh của mình.

“Trong tương lai, tôi nghĩ rằng có thể hầu hết giáo viên đều phải phát triển năng lực AI. Họ sử dụng AI để ứng dụng vào công việc của chính mình, giảm thiểu thời gian làm những công việc liên quan đến hành chính, viết báo cáo hay những công việc khác không phải chuyên môn. Bên cạnh đó, phát triển năng lực AI cho học sinh và phát triển năng lực tự học suốt đời, năng lực chuyên môn sâu của chính giáo viên”, TS Kim Mạnh Tuấn cho hay.

Chuyên gia này nhấn mạnh, để bản thân các giáo viên có thể trau dồi, nâng cao các năng lực số trong bối cảnh mới, ngoài việc tham gia các cuộc tập huấn của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT hay các đơn vị, giáo viên cũng có thể tham gia các cộng đồng học tập - nơi chia sẻ rất nhiều về công cụ AI cũng như hướng dẫn giáo viên sử dụng công cụ này trong tổ chức hoạt động giảng dạy trên lớp. Giáo viên có thể đồng thời tham gia các khóa tập huấn, khóa học mang tính chất trực tuyến để phát triển năng lực chuyên môn sâu.

Với các trường học, dù là trường công lập hay tư thục đều cần những chính sách, hướng dẫn về phát triển năng lực AI trong nhà trường. Đồng thời, cần đưa ra những quy định cụ thể về công cụ nào được sử dụng hay tiêu chuẩn, tiêu chí áp dụng ra sao. Bên cạnh đó, nhà trường cần tổ chức các hoạt động phát triển năng lực ứng dụng AI dành cho giáo viên và học sinh.

TS Kim Mạnh Tuấn cũng nhấn mạnh tới vấn đề điều kiện cơ sở vật chất hay nguồn lực, tài chính để triển khai, đặc biệt cần chú ý tới sự chênh lệch giữa các vùng miền khác nhau.

“Đơn cử, các trường ở thành phố lớn, có điều kiện tốt hơn có thể ứng dụng AI một cách nhanh chóng hơn, mời được chuyên gia giàu kinh nghiệm về đào tạo cho giáo viên. Nhưng các trường ở vùng sâu, vùng xa lại khó thực hiện. Tôi nghĩ rằng cần có những hỗ trợ và giúp đỡ từ Bộ GD-ĐT hay Sở GD-ĐT trong vấn đề tổ chức các khóa tập huấn cho giáo viên ở vùng có điều kiện khó khăn để họ có thể ứng dụng và phát triển năng lực AI. Từ đó, giảm thiểu các vấn đề liên quan đến chênh lệch năng lực số của giáo viên và lãnh đạo các trường học giữa các vùng miền”, TS Kim Mạnh Tuấn cho hay.

Ông nhìn nhận, việc phát triển năng lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho giáo viên phải làm một cách bài bản, để giáo viên sử dụng các công cụ này với trách nhiệm giải trình, sử dụng AI một cách có đạo đức trong giảng dạy và đánh giá, bảo vệ dữ liệu cho giáo viên và học sinh. Từ đó, chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu giáo dục và triết lý giáo dục đã đề ra.

Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm
Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện
Giáo dục

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ vị thành niên là vô cùng quan trọng. Bởi phần lớn em tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, đang học tại các trường giáo dưỡng đến từ những gia đình không hoàn thiện. Chính sự quan tâm, yêu thương là yếu tố quan trọng quan trọng để giáo dục và định hướng cho những em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện.

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)
Giáo dục

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)

Ngày 20.11, tại sân Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều) đã diễn ra buổi lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đầy cảm xúc và trang trọng. Buổi lễ không chỉ là dịp để các thế hệ học trò thể hiện lòng tri ân đối với thầy cô mà còn là không gian ấm áp, gắn kết tình cảm thầy trò.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Chiều tối nay, 20.11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024). 

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Giáo dục

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 20.11, nhiều Trường Đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đã tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng bằng khen của Bộ GD-ĐT, Đại học Đà Nẵng cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.