Ai cũng có thể làm phim?

An Yên 24/08/2018 08:50

Sự phát triển của công nghệ giúp các bạn trẻ dễ dàng thỏa mãn niềm đam mê điện ảnh. Tuy đầy sôi nổi và nhiệt huyết nhưng để cho ra đời những bộ phim chất lượng, chinh phục được nhà đầu tư và khán giả, các nhà làm phim trẻ cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, vất vả của nghề.

“Nhà làm phim như chiến binh”

Không phải ai cũng có ý định làm bộ phim của riêng mình. Tuy nhiên, mọi người đều thích xem phim, đặc biệt là những bộ phim đem lại cảm xúc tốt đẹp, truyền cảm hứng, hoặc đơn giản chỉ để giải trí. Hiểu công việc làm phim sẽ giúp mọi người thưởng thức điện ảnh tốt hơn.

Trong buổi nói chuyện, truyền cảm hứng cho các nhà làm phim trẻ mới đây, nhà quay phim - NSND Lý Thái Dũng cho biết, có bộ phim bom tấn được làm bởi ê kíp lên tới hàng nghìn người, nhưng cũng có phim chỉ do một người làm, bằng chiếc điện thoại với những công cụ, ứng dụng hoàn toàn không cần phụ thuộc vào ai. Công nghệ ngày nay cho phép mọi người tiếp cận dễ dàng với việc làm phim. Từ kinh nghiệm thực tiễn, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, quan trọng là cứ làm, làm nhiều sẽ có kinh nghiệm và dần tiến đến làm những bộ phim lớn, có tiếng vang, được nhiều người biết đến và yêu thích.

Quan sát, ghi lại hình ảnh, âm thanh và biên tập thành phim, mang thông điệp riêng và do cá nhân làm, được gọi là làm phim độc lập. Và như thế, ai cũng có thể làm phim, miễn là có đam mê, chỉ cần mỗi người đi từng bước một để thực hiện và hoàn thành. “Con đường làm phim độc lập có người nói đó là sự cô đơn, nhưng tôi lại quan niệm nhà làm phim là một chiến binh. Phim độc lập giống như con chim cất được tiếng hót trong bụi mận gai. Việc chọn làm phim độc lập tôi hiểu là tự lo, tự quán xuyến, nhưng lại được tự sung sướng trong tác phẩm. Đó là điều thi vị”, đạo diễn Lương Đình Dũng nói.

Tuy nhiên, Tùy viên nghe nhìn 5 nước Đông Nam Á của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam Frédéric Alliod lưu ý rằng, làm phim là một nghề khó, để làm được một bộ phim chất lượng phải là nhà làm phim tài năng. Việc ai cũng có thể làm phim là hoàn toàn đúng, nhưng bộ phim đó có hay và chất lượng không mới là điều quan trọng. Ông Frédéric Alliod cũng cho biết, phần lớn phim tại Pháp không phải phim độc lập. Một năm Pháp có khoảng hơn 200 phim được phát hành, hầu hết được làm bởi các studio không tên tuổi. Pháp là nơi sản xuất phim nhiều thứ 3 thế giới nhưng để làm được một phim cần nhiều thủ tục pháp lý, cho dù phim độc lập nghĩa là tiền của tôi, tư duy, tình cảm của tôi, muốn gửi thông điệp thuần khiết mang tên tôi... 

Casting phim 578 của đạo diễn Lương Đình Dũng. Bộ phim được kêu gọi vốn đầu tư từ cộng đồng
Casting phim 578 của đạo diễn Lương Đình Dũng. Bộ phim được kêu gọi vốn đầu tư từ cộng đồng

Trách nhiệm với nhà đầu tư và cộng đồng

“Điện ảnh là phương tiện mạnh mẽ có thể tác động thay đổi xã hội. Xem một bộ phim có thể khiến người ta nhớ cả đời. Nghệ sĩ có thể cháy hết mình để mang đến cho khán giả cảm xúc, còn đạo diễn là người cháy hết mình để mang đến cho khán giả sự cảm nhận. Một đạo diễn “bay” hết cỡ nhưng cần nằm trong tầm kiểm soát”.

Đạo diễn Lương Đình Dũng

Một phần quan trọng đối với việc làm phim là kêu gọi nhà đầu tư. Phim cũng là một sản phẩm hàng hóa, mà đã là hàng hóa thì phải được bán, bán được và đương nhiên phải tuân thủ quy luật kinh tế thị trường. Nhà làm phim phải biết người bán, người mua và người đầu tư cho mình. Như vậy, phim độc lập hay phim không độc lập cũng đều có những yếu tố phụ thuộc. 

Vậy kêu gọi đầu tư cho phim độc lập có khó không? Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, làm phim thì phải ra phim, ở dạng nào cũng cần có tầm nhìn, không phải hay thế nào mà bộ phim sẽ đi đến đâu. Từ đó, người làm phim có thể biến thành bài thuyết trình gửi tới các nhà đầu tư. Việc xin vốn hay bất cứ điều gì khác cũng không nên quá nặng nề vấn đề kinh phí. Bởi không phải phim có kinh phí đầu tư lớn thì không bị bại trận, và có những bộ phim nhỏ lại biết cách đi đến thành công rất nhanh. Đạo diễn Lương Đình Dũng nhấn mạnh: Tầm nhìn rất quan trọng. Có tầm nhìn sẽ có trách nhiệm với khách hàng là nhà đầu tư. Khi đứng trước nhà đầu tư, không nên thể hiện mình là nghệ sĩ mà hãy biến mình thành người trách nhiệm trước kinh phí của họ, thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc với sản phẩm trong tương lai, chắc chắn thuyết phục và nhận được sự đồng ý.  

Bên cạnh đó, không nên quan niệm phim thương mại và phim nghệ thuật, mà nên quan niệm phim có khán giả và phim không có khán giả. Chỉ khi hướng đến khán giả mới mang lại thông điệp. Dự kiến cuối năm 2018 này, đạo diễn Lương Đình Dũng cùng một số thành viên tâm huyết với điện ảnh Việt sẽ ra mắt Quỹ Hình ảnh Việt Nam, với mục tiêu hỗ trợ những bạn trẻ làm phim. Quỹ đi theo con đường lựa chọn phim đầu tư không lớn nhưng có chất lượng thực sự. Đạo diễn Lương Đình Dũng khẳng định: “Đầu tư điện ảnh không chỉ trông vào vấn đề lợi nhuận, vì khi làm một bộ phim, chúng tôi gắn với trách nhiệm cộng đồng”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ai cũng có thể làm phim?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO