Ai Cập hậu Morsi

- Thứ Ba, 30/07/2013, 08:32 - Chia sẻ
Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi, cuộc khủng hoảng tại Ai Cập có xu hướng ngày càng trở nên trầm trọng hơn và tình trạng chia rẽ chính trị ở nước này cũng sâu sắc hơn. Những diễn biến hiện nay ở Ai Cập không chỉ khiến tương lai quốc gia này thêm mù mịt và rối ren, mà nó còn kéo theo những hệ lụy cho khu vực.

Nguồn: ITN
Trong những ngày qua, Ai Cập chứng kiến các cuộc biểu tình bạo lực giữa những người ủng hộ quân đội và lực lượng ủng hộ ông Morsi diễn ra trên khắp các đường phố. Tổ chức Anh em Hồi giáo cáo buộc lực lượng an ninh đã bắn chết ít nhất 72 người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi trong ngày 27.7 vừa qua. Những người biểu tình đòi chính quyền quân sự trả tự do cho ông Morsi và phục chức cho nhà lãnh đạo bị phế truất này tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình ngồi kéo dài nhiều tuần qua ở bên ngoài đền thờ Hồi giáo Rabaa al-Adawia, phía Đông thủ đô Cairo, bất kể hành động trấn áp mạnh tay của lực lượng an ninh. Bộ trưởng Ngoại giao lâm thời của Ai Cập Nabil Fahmy cảnh báo, tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc hiện nay cuối cùng cũng sẽ dẫn tới những bi kịch thảm khốc cho xứ sở kim tự tháp. Mặc dù khẳng định chính quyền quân sự vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại hòa giải với tổ chức Anh em Hồi giáo, song ông Fahmy cũng cảnh báo rằng Cairo sẵn sàng có giải pháp phù hợp nếu lực lượng này lựa chọn con đường bạo lực.

Ai Cập luôn là trung tâm của làn sóng Mùa xuân Ảrập ngay cả khi làn sóng này khởi phát tại Tunisia. Với vị trí địa lý chiến lược, đường biên giới ổn định, dân số đông và lịch sử cổ đại giàu có, Ai Cập là sức mạnh chủ yếu của thế giới Ảrập suốt hàng thế kỷ qua. Đất nước Bắc Phi này có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành của những chuyển biến trong lịch sử khu vực mà không nước nào sánh được. Nguyên Phó thủ tướng kiêm cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đức Joschka Fischer cho rằng, việc phế truất Tổng thống dân sự đầu tiên được bầu ra trong lịch sử Ai Cập không chỉ kéo theo những hệ lụy trong nước mà với cả với khu vực.

Các nước láng giềng khu vực đang nín thở dõi theo diễn biến tại Ai Cập. Noha Bakr, giáo sư nghiên cứu chính trị tại Đại học Mỹ ở Cairo cho rằng, tình trạng hỗn loạn ở Ai Cập có ảnh hưởng đến toàn khu vực, đặc biệt là Israel và dải Gaza. Giới chức Israel hiện như đang ngồi trên đống lửa trước những kịch bản khác nhau có thể xảy ra với Ai Cập trong tương lai gần. Các cuộc tấn công khủng bố trên bán đảo Sinai do các chiến binh thánh chiến Hồi giáo thực hiện nhằm gây áp lực với quân đội Ai Cập phục chức cho ông Morsi đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của nhà nước Do Thái. Các biện pháp nhằm duy trì an ninh tại bán đảo Sinai cũng làm ảnh hưởng đến lực lượng Hamas ở dải Gaza và đẩy khu vực này vào tình trạng bị cô lập hơn, do quân đội Ai Cập có thể đóng tất cả các đường hầm nối sang khu vực này và duy trì lệnh đóng cửa khẩu Rafah trong một thời gian dài. Ngay cả ở các nước láng giềng như Tunisia và Libya, nơi tổ chức Anh em Hồi giáo đang cầm quyền cũng cảm thấy bất an trước nguy cơ làn sóng bạo lực lan rộng, khi gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ám sát nhằm vào những nhân vật chống đối phe Hồi giáo ở Libya và Tunisia.

Hàng loạt câu hỏi đang đặt ra là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với xứ sở kim tự tháp? Ai Cập có tái diễn bi kịch của Algeria, khi quân đội hủy kế hoạch bầu cử để chặn đứng nguy cơ phe Hồi giáo giành lại quyền lực, dẫn tới cuộc nội chiến kéo dài 8 năm và cướp đi sinh mạng của 200.000 người, hay không? Phải chăng Ai Cập sẽ quay trở lại chế độ độc tài quân sự kéo dài hàng thập kỷ qua, khi quân đội bắt đầu nắm quyền từ những năm 1950? Hay đất nước này sẽ có một cái kết tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ với Chính phủ dân sự được giật dây bởi lực lượng quân sự đứng đằng sau? Cả ba kịch bản trên đều có thể xảy ra với Ai Cập, mặc dù khó có thể tiên đoán chính xác kịch bản nào sẽ trở thành hiện thực.

Theo ông Fischer, một điều có thể chắc chắn là sự chia sẻ quyền lực cơ bản ở Ai Cập sẽ không thay đổi. Ngay giữa lực lượng quân đội và tổ chức Anh em Hồi giáo cũng có sự phân chia quyền lực và thực chất những người có tư tưởng tự do thân phương Tây không có thực quyền trong xã hội nước này. Trong cuộc bầu cử Tổng thống tự do đầu tiên ở Ai Cập được tổ chức vào năm 2012, đối thủ chính của ông Morsi không phải là một ứng cử viên tự do nào mà lại là Ahmed Shafik, cựu tướng lĩnh quân sự kiêm Thủ tướng cuối cùng trong chính quyền của ông Mubarak. Vì vậy, cho dù chiến thắng có thuộc về phe quân sự hay phe Hồi giáo ở Ai Cập thì đó cũng sẽ không phải là chiến thắng vì một nền dân chủ.

Nhân tố mới xuất hiện và có thể làm thay đổi cục diện chính trị ở Ai Cập là tầng lớp thanh niên trung lưu thành thị. Thông qua việc lãnh đạo các cuộc nổi dậy đường phố trong suốt 2 năm qua, tầng lớp này đã khẳng định được vai trò của mình trong đời sống chính trị Ai Cập. Ông Fischer cho rằng, những thanh niên Ai Cập mong muốn có sự tiến bộ trong xã hội thay vì tìm cách giành quyền lực về tay mình. Họ mong muốn một cuộc sống tươi đẹp như những gì họ được thấy qua internet hay như ở các nước phương Tây. Nếu tầng lớp này gia nhập thể chế chính trị thì có thể họ sẽ có tác động đáng kể tới sự phân chia quyền lực hiện nay tại Ai Cập.

Tương lai của Ai Cập sẽ do ba lực lượng này quyết định. Song, cần nhớ rằng, bên cạnh yêu cầu của tầng lớp thanh niên về một tương lai ổn định và tốt đẹp hơn, tình trạng nghèo đói trên diện rộng là nguyên nhân thứ hai và không kém phần quan trọng dẫn tới các cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền Hosni Mubarak năm 2011. Đây là một trong những nhân tố giúp mang lại chiến thắng áp đảo của phe Hồi giáo trong các cuộc bầu cử tự do đầu tiên được tổ chức tại Ai Cập thời kỳ hậu Mubarak, và cũng lại là một trong những nguyên nhân dẫn tới các cuộc biểu tình đường phố phản đối Chính phủ do Tổng thống Morsi đứng đầu thời gian qua. Vì vậy, bất cứ giải pháp nào được đưa ra nhằm giải quyết khủng hoảng hiện nay ở Ai Cập cũng sẽ được đánh giá dựa trên hiệu quả giải quyết các vấn đề kinh tế của nước này, cụ thể là tình trạng thiếu việc làm trong tầng lớp thanh niên.

Thanh Chi