ADB hạ dự báo tăng trưởng các nước đang phát triển tại khu vực châu Á

- Thứ Năm, 23/09/2021, 04:27 - Chia sẻ
Ngân hàng Phát triển châu Á đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của các nước đang phát triển tại khu vực châu Á, đồng thời cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ để lại những tổn thất nặng nề và làm chậm lại tiến độ phát triển.
Nguồn: Asian Development Bank

Theo báo cáo triển vọng kinh tế khu vực mới công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á năm 2021 là 7,1%, giảm 0,2 điểm % so với dự báo đưa ra hồi tháng 4, đồng thời nhận định triển vọng phục hồi kinh tế tại khu vực vẫn chưa chắc chắn. ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển tại châu Á dựa trên thực trạng tốc độ tiêm phòng tại các quốc gia này chậm, số ca bệnh Covid-19 tiếp tục tăng và các biện pháp phong tỏa vẫn tiếp tục được gia hạn.  

Đối với các nước trong khu vực có tỷ lệ tiêm phòng thuộc nhóm cao nhất khu vực và đã nhanh chóng kiểm soát các đợt bùng phát dịch bệnh, được dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 7,6% trong năm 2021, tăng nhẹ so với mức 7,4% đưa ra trong dự báo hồi tháng 4. ADB hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, cụ thể tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á trong dự báo mới của ADB là 3,1% trong năm 2021, giảm so với mức 4,4% được đưa ra trong các dự báo trước đó. Khu vực Thái Bình Dương sẽ suy giảm 0,6%, thay vì tăng trưởng 1,4% như dự báo.

Hiện nay, tình trạng thiếu vaccine vốn đã cản trở các nỗ lực tiêm phòng diện rộng tại các quốc gia này, và tình hình còn trầm trọng hơn khi nhiều nước phát triển bắt đầu cân nhắc việc tiêm mũi tăng cường sau khi nhận thấy tác dụng vaccine đối với virus SARS-CoV-2 giảm dần theo thời gian. Tính đến hết tháng 8 vừa qua, chưa tới 1/3 dân số khu vực được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ. Trong khi đó, tỷ lệ này tại Mỹ là hơn 50% và tại Liên minh châu Âu (EU) là gần 60%. ADB cảnh báo thêm, các chương trình tiêm phòng bị trì hoãn và sự xuất hiện của các biến thể mới là những nguy cơ lớn đe dọa đến sự phát triển kinh tế khu vực, cũng như để lại những hậu quả lâu dài về kinh tế và tác động đa chiều tới các nền kinh tế khu vực.

Hậu quả trước mắt có thể thấy, tiến bộ trong giảm nghèo đói ở các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á đang bị chậm ít nhất 2 năm, cùng với đó là các biện pháp đóng cửa trường học kéo dài có thể dẫn tới những tổn thất về giáo dục và thu nhập nghiêm trọng hơn dự kiến. Mặc dù dự báo nền kinh tế khu vực vẫn sẽ tăng trưởng trong năm 2021 và 2022, song ADB nhấn mạnh rằng, triển vọng phục hồi vẫn không được chắc chắn và ổn định trong nửa đầu năm 2021 khi biến thể Delta siêu lây nhiễm vẫn hoành hành tại một số nước.

Như Ý