Tản mạn

Á quân không giày

- Thứ Bảy, 26/08/2017, 07:06 - Chia sẻ
Thể thao Việt Nam là vậy, khi không ai để ý thì tự nhiên mạnh mẽ, kể cả chạy chân không. Còn xúm vào động viên thì lắm khi lại “xôi hỏng bỏng không”.

Một hình ảnh xúc động: Phạm Thị Huệ với đôi chân trần, đã về đích thứ nhì trong kỳ SEA Games thứ hai mà cô tham gia, ở nội dung 10.000m. Chạy 10 cây số mà không cần giày là một bất lợi, nhưng cô lại coi đó là thuận lợi. Chân cô thỉnh thoảng bị rộp, cô lấy băng dán vào là xong.

Thể thao là câu chuyện của những sự vươn lên như thế. Những năm tháng đầu tiên trong đời, Usain Bolt toàn chạy chân trần. Đi đá bóng ở những sân có đường piste, thỉnh thoảng tôi thấy những cô gái của đội điền kinh thành phố, phân nửa họ đều chạy chân đất.

Những đôi chân đất ấy làm tôi nghĩ về các nữ cầu thủ Việt Nam tại SEA Games 29. Họ như những bông hoa dại, ít được quan tâm, nhưng vẫn vươn lên mạnh mẽ. Sức đề kháng của họ tốt hơn, họ bụi bặm hơn, can trường hơn. Không phải ngẫu nhiên mà bóng đá ngày nay vẫn hoài nhớ bóng đá đường phố. Những người lớn lên từ đường phố, khởi đầu từ những khu ổ chuột có sức sống mãnh liệt, và không biết sợ hãi là gì. Từ đó ta có Mike Tyson, Usain Bolt, Garrincha hay Zlatan Ibrahimovic...

“Tiền thưởng cho đội nữ ít hơn đội nam. Tại nữ vô địch nhiều rồi, nam chưa vô địch nên cần động viên”, HLV Mai Đức Chung trả lời phóng viên như thế. Chân thật, dễ thương. Mà có khi chính sự thiếu công bằng đó lại khiến đội tuyển nữ phát triển tự nhiên hơn. Họ cứ thế mà đá và cứ thế mà thắng.

 Điền kinh là môn thể thao chủ lực của Olympics. Ta mải buồn đội U22 nam mà quên mất một mùa bội thu của điền kinh và bơi lội. Nào Lê Tú Chinh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh, Dương Văn Thái, Bùi Văn Đông, Dương Thị Việt Anh cho đến cái tên cũ Ánh Viên. Sự vươn lên của một nền thể thao chính là từ điền kinh và bơi lội mà ra, chứ không phải bóng đá.

Thể thao Việt Nam là vậy, khi không ai để ý thì tự nhiên mạnh mẽ, kể cả chạy chân không. Còn xúm vào động viên thì lắm khi lại “xôi hỏng bỏng không”. Bao nhiêu môn thể thao, có môn nào ngán Thái Lan đâu! Bây giờ có khi bỏ mặc đi một thời gian lại hay. Thương nhiều rồi, phải cho roi cho vọt thôi!

Trần Minh