Dự án Luật Cảnh sát cơ động

Tránh chồng lấn về thẩm quyền, trách nhiệm

- Thứ Tư, 27/10/2021, 05:52 - Chia sẻ
Thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động tại phiên họp sáng qua, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí ban hành Luật Cảnh sát cơ động nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng về nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động, tránh lạm quyền, trùng lặp, chồng chéo phạm vi hoạt động với các lực lượng khác .
ĐBQH Trần Đình Chung phát biểu tại điểm cầu TP Đà Nẵng

Chặt chẽ về quyền hạn, trách nhiệm

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động trình Quốc hội cho ý kiến đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của cảnh sát cơ động (Điều 9), trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, đồng thời bổ sung 2 nhóm nhiệm vụ cho cảnh sát cơ động. Theo Ban soạn thảo, đây là các nhiệm vụ trên thực tế cảnh sát cơ động đang thực hiện và cần được luật hóa để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, ĐBQH Trần Đình Văn (Lâm Đồng) đề nghị, các quy định trong dự thảo Luật cần được rà soát kỹ, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật với bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Trong đó, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh sát cơ động cần được cân nhắc và quy định cụ thể, chặt chẽ về quyền hạn, trách nhiệm, thủ tục, trình tự thực hiện quyền, trách nhiệm pháp lý của từng chủ thể khi vượt quá giới hạn công vụ. Nếu không quy định chặt chẽ sẽ có nguy cơ lạm quyền, vi phạm quyền con người, quyền công dân.

Đơn cử như quy định nội dung vũ trang cho cảnh sát cơ động, giải tán các vụ tập trung đông người, gây rối an ninh, trật tự, biểu tình trái pháp luật tại Điểm c, Khoản 2, Điều 9 cần chi tiết hơn về các trường hợp và mức độ trang bị vũ khí cho cảnh sát cơ động. Bởi việc tập trung đông người và biểu tình thường là những hoạt động đông người tham gia, thường diễn ra nơi công cộng. Việc trang bị, sử dụng vũ khí không phù hợp, dễ đưa đến tình trạng người dân hoang mang và dễ bị kích động theo tâm lý đám đông. "Vì vậy, nên có quy định chi tiết các mức độ trang bị vũ khí cho các trường hợp trên ngay trong luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho cảnh sát cơ động thi hành nhiệm vụ trong trường hợp này", đại biểu Trần Đình Văn nhấn mạnh. 

Liên quan đến quy định tại Điều 9, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng lưu ý, dự thảo Luật chưa quy định rõ ở phạm vi địa bàn nào thì cảnh sát cơ động ở đó là lực lượng chủ trì, còn ở địa bàn nào là lực lượng phối hợp thực hiện. Theo ông, quy định như vậy sẽ khó tránh khỏi sự chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Cùng quan điểm này, nêu rõ thực tế, lực lượng cảnh sát cơ động ở Trung ương và địa phương được tổ chức theo mô hình đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung; vị trí đóng quân được bố trí tại các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước, ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang) đề nghị, bổ sung quy định cụ thể về phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động để không xảy ra trùng lặp hoặc chồng chéo phạm vi hoạt động giữa các đơn vị cảnh sát cơ động và giữa cảnh sát cơ động với các lực lượng khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cân nhắc việc trang bị phương tiện tàu bay, tàu biển

Một vấn đề được các ĐBQH quan tâm trong Phiên thảo luận trực tuyến sáng qua là việc trang bị phương tiện tàu bay, tàu biển cho cảnh sát cơ động. ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, đây là một chính sách lớn, cần có báo cáo đánh giá tác động cụ thể và cân nhắc cẩn trọng. Bởi vì, các luật hiện hành đã quy định cụ thể về phạm vi hoạt động của công an nhân dân, trong đó có cảnh sát cơ động, quân đội nhân dân Việt Nam, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển.

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, về cơ chế phối hợp giữa quân đội nhân dân, các đơn vị quân đội, trong đó có bộ đội biên phòng, cảnh sát biển với công an nhân dân, trong đó có việc phối hợp, huy động phương tiện đã được các cấp có thẩm quyền quy định và đang thực hiện, vận hành tốt. Trong khi thực tế thực hiện nhiệm vụ, cảnh sát cơ động cần phải sử dụng tàu bay, tàu thuyền không nhiều và không thường xuyên. Mặt khác, trong các tình huống cụ thể đã có cơ chế để các đơn vị quân đội cũng như các lực lượng khác phối hợp bảo đảm hoặc huy động phương tiện, thiết bị theo quy định của dự thảo Luật này.

Hiện nay, tàu bay của Quân đội nhân dân Việt Nam, tàu thuyền của bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và các lực lượng liên quan khác đang bố trí ở các khu vực tác chiến có thể huy động nhanh; có thể phối hợp với cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống và bất cứ nơi nào theo yêu cầu quy định. Còn nếu vướng quy định pháp luật trong huy động, sử dụng thì xem xét trình Quốc hội điều chỉnh, bổ sung. 

Nêu vấn đề việc trang bị tàu bay cho cảnh sát cơ động có làm phát sinh xung đột với việc quản lý bay, làm phức tạp thêm hoạt động quản lý vùng trời của lực lượng phòng không hay không, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị, Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ vấn đề này để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cũng lưu ý, đây là lực lượng mới nên cần phải đào tạo, huấn luyện thật kỹ, chi phí ban đầu và bảo quản, bảo dưỡng rất lớn nên đề nghị Quốc hội xem xét quyết định. 

Ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, theo Công ước về các quyền dân sự và chính trị cũng như theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Luật Biển quốc tế và Công ước về vấn đề xung đột vũ trang thì trong mọi trường hợp, khi có những vấn đề gây hấn về dân sự, tức là có xung đột về dân sự ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của mỗi quốc gia thì không bao giờ được phép sử dụng lực lượng quân đội để thực hiện hành vi trấn áp để bảo đảm an ninh quốc gia mà lúc đó phải sử dụng lực lượng cảnh sát. Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, nếu như không trang bị sớm cho họ những loại phương tiện này để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia theo đúng tinh thần pháp luật của quốc gia cũng như quốc tế thì rất khó khăn.

Trung Thành