Dự án Luật Cảnh sát cơ động:

Nên quy định cụ thể về biện pháp vũ trang của cảnh sát cơ động?

- Thứ Tư, 16/02/2022, 05:57 - Chia sẻ

Thạc sĩ Đoàn Phúc Thịnh,
Phó Vụ trưởng Vụ Quốc phòng và An ninh, VPQH

Điều 3 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) năm 2013 quy định về vị trí, chức năng của CSCĐ “là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật”.

Khoản 1 Điều 2 (Giải thích từ ngữ) dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV quy định “Biện pháp vũ trang là một biện pháp của lực lượng Công an nhân dân, sử dụng sức mạnh thể chất và sức mạnh của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”. Nội dung giải thích khái niệm này cần được cân nhắc, nghiên cứu kỹ với những lý do sau:

Một là, dự thảo Luật chỉ quy định biện pháp vũ trang là một biện pháp của lực lượng Công an nhân dân sẽ gây khó khăn cho các cơ quan chuyên trách khác bảo vệ an ninh quốc gia không thuộc Công an nhân dân áp dụng; trong khi theo Điều 15 Luật An ninh quốc gia năm 2004 (có thể coi là luật chuyên ngành về an ninh quốc gia) quy định các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được áp dụng các biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia bao gồm vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang và nội dung, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và trách nhiệm áp dụng các biện pháp này do pháp luật quy định (có thể hiểu là Luật giao Chính phủ quy định). Tuy nhiên, đến nay một số nội dung của Điều này chưa được văn bản quy phạm pháp luật nào quy định chi tiết, trong đó có về biện pháp vũ trang.

Hai là, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017 đã quy định cụ thể về khái niệm, đối tượng được trang bị, nguyên tắc và trường hợp, quy trình sử dụng đối với từng loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Khoản 15 Điều 16 Luật Công an nhân dân quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vũ lực, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện khác để tấn công, truy bắt tội phạm, ngăn chặn người đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác và để phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.

Ba là, nội hàm khái niệm “phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ” chưa thống nhất tại một số luật, như: Luật Cảnh vệ năm 2017 quy định về “phương tiện nghiệp vụ chuyên dùng” (Điểm d khoản 2 Điều 14); “phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ” (Điểm b khoản 2 Điều 20) hoặc chỉ có “phương tiện” và giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm trang bị phương tiện chung cho lực lượng cảnh vệ thuộc mỗi Bộ. Trong khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Luật Biên phòng Việt Nam giao Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát biển Việt Nam và của Bộ đội Biên phòng.

Bốn là, qua thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị cân nhắc việc giải thích khái niệm biện pháp vũ trang tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật CSCĐ.

Từ những lý do trên, cần nghiên cứu chỉnh lý dự thảo Luật CSCĐ theo hướng: chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc chung là CSCĐ được thực hiện các biện pháp công tác theo quy định của pháp luật (tương tự như khoản 1 Điều 12 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 và khoản 1 Điều 20 Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020), trong đó biện pháp vũ trang là chủ yếu. Đồng thời, thời gian tới cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật An ninh quốc gia, trong đó bổ sung quy định cụ thể về biện pháp vũ trang với đầy đủ nội dung, (không nên giao thẩm quyền này cho Chính phủ), vì nội dung này liên quan trực tiếp đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân để bảo đảm thực hiện đúng khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013).

Trường hợp do đặc thù của CSCĐ là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội để kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong khi chưa sửa Luật An ninh quốc gia thì dự thảo Luật nên xây dựng một điều quy định cụ thể về biện pháp vũ trang của lực lượng CSCĐ; theo đó thu hút, chỉnh lý lại nội dung khoản 1 Điều 2 cho đầy đủ, rõ ràng; đồng thời quy định cụ thể về nguyên tắc, trình tự thực hiện biện pháp này để lực lượng CSCĐ dễ thực hiện.