Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ:

Có đẩy nhanh tiến trình giải quyết thủ tục hành chính?

- Thứ Sáu, 28/01/2022, 06:18 - Chia sẻ
Đây là câu hỏi được đưa ra bởi nhiều đại biểu tham dự Hội thảo góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ do Ủy ban Pháp luật tổ chức mới đây, khi xem xét các quy định điều chỉnh về giải quyết đơn đăng ký sở hữu trí tuệ với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu.
	Quy trình, thủ tục đăng ký sáng chế hiện hành
Quy trình, thủ tục đăng ký sáng chế hiện hành

Một số quy định có nguy cơ vênh nhau

Để thực hiện cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ xử lý đơn xin cấp bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, tại Điều 60, dự thảo Luật bổ sung quy định để làm rõ cách đánh giá tính mới của sáng chế; bổ sung vào Điều 96, Điều 100 quy định về tài liệu thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gene hoặc tri thức truyền thống về nguồn gene trong đơn đăng ký sáng chế; hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế nếu không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác nguồn gene hoặc tri thức truyền thống về nguồn gene.

Đánh giá về những sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật so với quy định hiện hành, nguyên Trưởng phòng Pháp chế chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Thị Thanh Hà cho rằng, việc Điều 60 được bổ sung nguyên tắc “đơn đăng ký sáng chế có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó” để đánh giá tính mới của sáng chế. Bởi, với nguyên tắc này sẽ giúp đơn giản hóa và đẩy nhanh tiến trình xử lý đơn, có thể chấp nhận được trong bối cảnh đơn vị tồn đọng nhiều.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà cũng lưu ý, sửa đổi Điều 60 Luật hiện hành theo hướng được Ban soạn thảo đề xuất sẽ làm thay đổi chính sách về cách áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên - chỉ cấp bằng cho đơn nộp đầu tiên, từ chối tất cả các đơn nộp muộn hơn kể cả trong tình huống đơn nộp đầu tiên bị từ chối. Nói cách khác, các đơn của nhiều người khác nhau đăng ký cho sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau không còn được xếp hàng để chờ cơ hội đơn sớm hơn không đáp ứng điều kiện cấp bằng (các điều kiện về hình thức, thủ tục). Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hà chỉ rõ, tại Điều 90 Luật hiện hành quy định “với nhiều sáng chế chỉ những đơn nộp sớm nhất khi đáp ứng điều kiện bảo hộ”, làm phát sinh tình trạng xếp hàng, chờ mình trở thành đơn sớm nhất nếu đơn nộp trước không đáp ứng các điều kiện về thủ tục, hình thức.

Như vậy, nếu Ban soạn thảo chỉ sửa đổi Điều 60 của Luật hiện hành theo hướng đề xuất, không xem xét sửa đổi quy định liên quan sẽ khiến hai quy định vênh nhau (Điều 60 và Điều 90). Do vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho rằng, cần thiết phải sửa khoản 1 Điều 90 một cách tương thích, tức là xóa bỏ yếu tố “trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ” đối với sáng chế. Mặt khác, nội dung được bổ sung tại Điều 60 về bản chất chính là nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, nếu không sửa đổi quy định liên quan sẽ tạo ra sự trùng lặp quy định trong văn bản luật.

Thậm chí, nhiều luật sư, chuyên gia lập pháp cũng lưu ý, không chỉ thay đổi chính sách với sáng chế, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thay đổi chính sách xử lý đơn với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, bởi tình trạng đơn tồn đọng của các đối tượng này cũng không khá hơn nhiều so với sáng chế. Ngoài ra, nếu chỉ đưa chính sách mới với sáng chế sẽ là sự không thỏa đáng đối với những người nộp đơn muộn hơn nhưng đáp ứng điều kiện cấp văn bằng, đặc biệt là đối với nhãn hiệu. Hiện nay, khi đơn đầu tiên bị từ chối vì lý do hình thức, thủ tục có nghĩa là nhãn hiệu chưa có chủ, song người nộp đơn muộn hơn vẫn phải nộp lại đơn khác cho dù vẫn có thể đăng ký nhãn hiệu đó. Luật sư Nguyễn Thanh Hồng nhận định “đây là đòi hỏi vô lý với đăng ký nhãn hiệu”.

Chế độ bảo hộ rộng có thỏa đáng?

Một vấn đề khác trong vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ tại dự thảo Luật được nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo quan tâm là việc bổ sung đối tượng bảo hộ sở hữu trí tuệ với kiểu dáng công nghiệp của “bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh”… “và nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm hoàn chỉnh” (theo điểm được bổ sung tại khoản 13, Điều 4 dự thảo Luật).

Các điều kiện bảo hộ đối với bộ phận sản phẩm của dự thảo Luật không trái với quy định tại Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Song, luật sư Nguyễn Hồng Thanh lưu ý, với sửa đổi tại dự thảo Luật sẽ không bao gồm điều kiện “có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập” đang có trong quy định hiện hành. Điều kiện này về bản chất là chỉ bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của những bộ phận cũng là sản phẩm, nhưng cấu thành một sản phẩm phức hợp khác.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho rằng, việc xóa bỏ điều kiện nêu trên dẫn đến việc mở rộng đối tượng bảo hộ cho mọi chi tiết có thể tháo rời của một sản phẩm phức hợp, bất kể chi tiết đó có thể lưu thông độc lập hay không. Vấn đề cần được thuyết minh là tính thỏa đáng của chế độ bảo hộ rộng như vậy như thế nào? Liệu việc bảo hộ có quá mức, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí tác động ngược đối với hoạt động sáng tạo hay không?

Dù phạm vi bảo hộ sở hữu trí tuệ với kiểu dáng công nghiệp tại dự thảo Luật sẽ mở rộng hơn quy định hiện hành, song luật sư Nguyễn Hồng Thanh tán thành với điều chỉnh này. Bởi, với điều kiện hiện nay của nước ta, cần tăng cường, tận dụng tối đa việc bảo hộ chi tiết của một sản phẩm phức hợp. Các công ty sản xuất công nghiệp lớn ở nước ta hiện chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước chỉ tham gia thực hiện cung ứng bộ phận, thiết bị nhỏ trong một sản phẩm phức hợp. Nếu không bảo hộ sở hữu trí tuệ với kiểu dáng công nghiệp của thiết bị sẽ gây khó cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Thanh lưu ý, tại EVFTA không loại trừ quá nhiều điều kiện được bảo bộ như định nghĩa tại khoản 13, Điều 4 dự thảo Luật.

Có thể thấy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là dự Luật khó, chuyên môn sâu. Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được Ủy ban Pháp luật - cơ quan chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện, tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, bám sát và kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Những ý kiến góp ý của các chuyên gia, đối tượng chịu tác động của luật trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật giúp cơ quan của Quốc hội đánh giá kỹ lưỡng hơn một số vấn đề thuộc chuyên môn sâu nêu trên. Như khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, thì việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến các bên để có một dự thảo Luật trình ra Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Ba có chất lượng tốt nhất.

Thanh Hải