Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục của Luật Thống kê

Bức tranh kinh tế số sẽ được phản ánh rõ hơn

- Thứ Tư, 29/12/2021, 06:21 - Chia sẻ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê - sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 tới. Với việc bổ sung trên 20 chỉ tiêu đo lường về kinh tế số, nhất là chỉ số tỷ trọng của kinh tế số trong GDP, nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng sẽ phản ánh chính xác bức tranh của nền kinh tế số nước ta, giúp đánh giá khách quan và toàn diện về chính sách hiện hành đối với kinh tế số.

Tác động đến nhiều chủ thể

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia được Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu đánh giá là "linh hồn" của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Với ý nghĩa quan trọng của nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan. 

Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung từ 20 thành 21 nhóm chỉ tiêu thống kê; từ 222 chỉ tiêu thành 230 chỉ tiêu (bổ sung 10 chỉ tiêu, trong đó đã bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh về chất lượng; bỏ 4 chỉ tiêu và tách 2 chỉ tiêu thành các chỉ tiêu độc lập). Hơn nữa, mỗi chỉ tiêu cụ thể, nội dung chỉ tiêu sẽ được chuẩn hóa theo 5 tiêu chí gồm: khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố; nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp, góp phần tăng chất lượng số liệu được thông báo.

	Sẽ tính toán giá trị của kinh tế số trong GDP Nguồn: ITN
Sẽ tính toán giá trị của kinh tế số trong GDP
Nguồn: ITN

Với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật hiện nay, theo Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu, việc chuẩn hóa phương thức tính, nguồn số liệu của mỗi chỉ tiêu thống kê, phân tổ chủ yếu… sẽ giúp phản ánh chính xác thực trạng, đưa ra đánh giá khách quan và toàn diện về mỗi ngành, lĩnh vực. Việc cung cấp số liệu thống kê có chất lượng như vậy sẽ giúp ích nhiều cho công tác hoạch định chính sách. Bởi, nguồn số liệu đầy đủ cùng với phương pháp tính được chuẩn hóa sẽ giúp xác định chính xác hiệu quả của chính sách, giúp cơ quan chức năng có những điều chỉnh phù hợp. “Số liệu thống kê có vai trò rất quan trọng. Số liệu tốt sẽ giúp đưa ra chính sách hiệu quả”, đại biểu Phan Đức Hiếu nói.

Bên cạnh tác động nêu trên, một số ý kiến cũng cho rằng, bản thân xã hội, các bên có liên quan, doanh nghiệp, người dân, nhà nghiên cứu cũng được hưởng lợi khi chất lượng số liệu thống kê được tiếp tục nâng cao hơn nữa. Ví dụ như, doanh nghiệp trước khi đầu tư thường tìm kiếm số liệu để đánh giá tiềm năng của thị trường, mà các số liệu được cơ quan thống kê công bố là nguồn dữ liệu đáng tin cậy, cho đánh giá toàn diện về tình hình của ngành, lĩnh vực. Nói cách khác, theo đại biểu Phan Đức Hiếu, việc sửa đổi, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê lần này có nhiều tác động, không chỉ tác động đến hệ thống cơ quan thống kê, cơ quan hoạch định chính sách, sẽ tác động đến người dân và doanh nghiệp.

Đo lường đóng góp của kinh tế số trong GDP 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho rằng, các chỉ tiêu thống kê quốc gia được sửa đổi, bổ sung đã bảo đảm cung cấp thông tin kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô; giúp phản ánh và đánh giá việc thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; phản ánh chính sách phát triển bền vững, thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4… Trong đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đánh giá cao việc Luật đã bổ sung chỉ tiêu về sự đóng góp của kinh tế số trong GDP, vì sẽ giúp cho thấy rõ bức tranh của kinh tế số, giúp đánh giá việc thực hiện một số mục tiêu liên quan được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định (đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP, đến năm 2030, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê đã quy định 22 chỉ tiêu kinh tế số gồm: các chỉ tiêu về tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP; tỷ lệ người 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; doanh thu dịch vụ viễn thông; doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin; doanh thu dịch vụ nền tảng số và kinh doanh trực tuyến; tỷ lệ người dùng internet; chi cho chuyển đổi số… Ông Nguyễn Đình Khuyến, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê, Tổng cục Thống kê, cho biết đây là những chỉ tiêu cốt lõi, phản ánh toàn diện nhất về kinh tế số ở tầm vĩ mô; tạo cơ sở cho việc xây dựng, lồng ghép các chỉ tiêu thống kê về kinh tế số trong các cuộc điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê và sử dụng hồ sơ hành chính cho mục đích thống kê. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, việc đo lường chỉ tiêu tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP sẽ có khó khăn trong việc xác định phạm vi để đo lường quy mô kinh tế số (lõi, hẹp, rộng); thiếu thông tin, dữ liệu để biên soạn; khó khăn trong việc xác định đóng góp của kỹ thuật số trong các ngành kinh tế tương ứng (theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2018)… Lưu ý vấn đề này, Vụ trưởng Nguyễn Đình Khuyến cũng cho biết, trước mắt, sẽ tập trung biên soạn và công bố chính thức quy mô kinh tế số theo phạm vi lõi bao gồm giá trị gia tăng của ngành công nghệ thông thông tin - truyền thông và tổng số việc làm trong ngành này. Đồng thời, nghiên cứu và xác định nguồn thông tin để tính kinh tế số theo phạm vi hẹp, phạm vi rộng, quy mô kinh tế số được xác định thông qua giá trị gia tăng của các “giao dịch số” và đóng góp của công nghệ thông tin - truyền thông vào giá trị gia tăng (không dừng ở doanh thu) của các ngành, lĩnh vực kinh tế số. Thậm chí, trong các cuộc điều tra hiện hành, cơ quan thống kê cũng sẽ lồng ghép việc thu thập các chỉ tiêu thống kê kinh tế số vào.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê được ban hành nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, đúng và đủ về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn mới. Từ đó, giúp phân tích, hoạch định, điều hành chính sách vĩ mô, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý để cập nhật các chỉ tiêu thống kê quốc gia và bảo đảm yêu cầu so sánh quốc tế trong các lĩnh vực. Tất nhiên, với những chỉ tiêu thống kê mới và phức tạp trong thực hiện đo lường như chỉ tiêu về tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP, thì cơ quan chức năng phải nhanh chóng cụ thể hóa để sớm thực hiện được yêu cầu của Luật. 

Lê Bình