Góp ý Dự án Luật Cảnh sát cơ động

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất

- Thứ Tư, 27/10/2021, 06:39 - Chia sẻ
Đánh giá cao việc Dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) được chuẩn bị chặt chẽ, công phu, các ĐBQH, đại diện lực lượng chức năng cũng đóng góp thêm một số ý kiến về việc xác định đúng, đủ vị trí, chức năng; làm rõ hơn thẩm quyền sử dụng biện pháp vũ trang của CSCĐ và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất khi thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng.

ĐBQH, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh quân khu 1, Bộ Quốc phòng HOÀNG VĂN HỮU:
Tránh chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ

Qua nghiên cứu hồ sơ dự thảo Luật, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, tôi hoàn toàn đồng tình và đánh giá rất cao. Dự thảo Luật được chuẩn bị chặt chẽ, công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn triển khai 7 năm thi hành Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, ý kiến tham gia của các chuyên gia, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Đây là một văn bản pháp lý quan trọng trong xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức hoạt động đối với Cảnh sát cơ động nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, cụ thể hóa các quy định liên quan của Hiến pháp; đồng thời, khắc phục một số bất cập, hạn chế trong thực hiện pháp luật hiện hành và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quan trọng để Cảnh sát cơ động hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Về bố cục, nội dung của dự thảo Luật tôi cơ bản nhất trí, các nội dung của dự thảo quy định cơ bản phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật hiện hành liên quan và sát với tình hình thực tiễn. Dự thảo Luật được xây dựng cơ bản đầy đủ, thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam và hoạt động hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, một số điều luật quy định liên quan đến vị trí, nguyên tắc hoạt động, về nhiệm vụ, quyền hạn, hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động, điều động, công tác phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với các lực lượng, các cơ quan, tổ chức... tại các Điều 7, 9, 10, 17, 19 của dự thảo Luật còn có sự trùng lặp, chồng chéo nhiệm vụ  giữa các lực lượng.

Ví dụ tại Điều 9 quy định sử dụng biện pháp vũ trang để thực hiện các nhiệm vụ như dự thảo Luật là chưa rõ, ở phạm vi địa bàn nào thì lực lượng Cảnh sát cơ động chủ trì, phạm vi địa bàn nào thì phối hợp với các lực lượng khác. Qua rà soát các quy định hiện hành cho thấy, đối với lực lượng quân đội, lực lượng công an khi thực hiện nhiệm vụ này được quy định cụ thể ở từng địa bàn khác nhau theo quy định của Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật An ninh quốc gia.

Cụ thể, khoản 2 Điều 9 quy định việc “Sử dụng biện pháp vũ trang để thực hiện các nhiệm vụ” của Cảnh sát cơ động đang trùng với nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng Bộ đội Biên phòng tại địa bàn, khu vực do lực lượng này quản lý. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, cân nhắc quy định rõ địa bàn, phạm vi của lực lượng Cảnh sát cơ động được sử dụng biện pháp vũ trang với các hoạt động phá rối an ninh, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, rà soát các quy định khác của dự thảo Luật so với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về các nội dung liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và không chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng.

ĐBQH ÂU THỊ MAI (Tuyên Quang):
Rõ hơn thẩm quyền sử dụng biện pháp vũ trang

Qua nghiên cứu Dự án Luật Cảnh sát cơ động, tôi thấy rằng quy định về vị trí, chức năng của lực lượng này tại Điều 3 còn có sự trùng lặp với các quy định của pháp luật về lực lượng Công an Nhân dân. Do vậy, cần quy định rõ hơn về vị trí, chức năng, đặc thù, thẩm quyền liên quan đến việc sử dụng biện pháp vũ trang để thể hiện vị trí, chức năng của CSCĐ là lực lượng đặc biệt, có vai trò chuyên trách, tinh nhuệ, hiện đại trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Về nhiệm vụ của CSCĐ, tại Khoản 2, Điều 9 của Dự thảo quy định CSCĐ sử dụng biện pháp vũ trang để thực hiện các nhiệm vụ chống hành vi phá rối an ninh, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm, sử dụng bạo lực, giải tán các vụ tập trung đông người, gây rối an ninh trật tự, biểu tình trái pháp luật, bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, bảo vệ, vận chuyển hàng đặc biệt. Tuy nhiên, để bảo đảm đầy đủ nhiệm vụ của CSCĐ, cần bổ sung một số nhiệm vụ như: Cứu người và phương tiện đang gặp nguy hiểm; vô hiệu hóa các vũ khí, phương tiện, vật liệu cháy, nổ đang có nguy cơ gây nguy hiểm cho người, phương tiện và môi trường; tạm giữ khẩn cấp người và phương tiện tham gia phạm pháp có dấu hiệu tội phạm đang có nguy cơ bỏ trốn khỏi hiện trường. Thực tế cho thấy, đối với các nhiệm vụ này, CSCĐ luôn là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự đầu tiên được huy động tới hiện trường.

Thượng tá NGUYỄN THUẬN, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh:
Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới

Công an tỉnh Quảng Ninh cơ bản nhất trí với những quy định mới tại Dự thảo như: CSCĐ là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện biệp pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đây là quy định kế thừa hợp lý từ Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, nhằm xác định chức năng đặc thù của CSCĐ so với các lực lượng khác trong Công an Nhân dân. Hay quy định về nguyên tắc hoạt động của CSCĐ là “Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước”.

Tham gia ý kiến vào dự thảo luật, Công an tỉnh đã có văn bản đề nghị xác định rõ cơ sở pháp lý cho CSCĐ trong quá trình hợp tác, trao đổi kinh nghiệm khi được huy động tham gia thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác đã được pháp luật quy định. Đồng thời, đề nghị bổ sung chi tiết một số quy định liên quan đến việc sử dụng biện pháp vũ trang để thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ; được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong trường hợp các phương tiện này trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ.

Duy Thông