Xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn

- Thứ Năm, 07/07/2022, 06:29 - Chia sẻ

Việt Nam đang khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Trong bối cảnh như vậy, kinh nghiệm của Nhật Bản, đặc biệt là mô hình 3R - giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế - là hết sức quý báu.

Công cụ phục hồi nền kinh tế

Ngày 6.7, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm và đề xuất chính sách của Nhật Bản cho công tác xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.

Kinh tế tuần hoàn được định nghĩa là một giải pháp có hệ thống giúp giải quyết các khủng hoảng toàn cầu như biến đổi khí hậu, chất thải nhựa và ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, dưới tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế tuần hoàn sẽ là công cụ mạnh mẽ để phục hồi kinh tế - xã hội theo hướng thân thiện với môi trường.

Ở Việt Nam, vấn đề kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Luật Bảo vệ môi trường đã thể chế hóa, có 1 điều riêng về kinh tế tuần hoàn và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể về việc thực hiện nền kinh tế tuần hoàn và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam để trình Thủ tướng ban hành; xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; ban hành khung hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn.

Các bộ, UBND tỉnh cũng đang xây dựng kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn. Tổ chức áp dụng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải theo kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn; tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật; quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu thực hiện kinh tế tuần hoàn và tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Lựa chọn lĩnh vực ưu tiên

Theo ông Mai Thế Toản, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Nhật Bản là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực xử lý các vấn đề môi trường. Từ năm 1999, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng chính sách tầm nhìn về kinh tế tuần hoàn, cập nhật lần thứ 2 vào năm 2020. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành đạo luật cơ bản về thiết lập xã hội tuần hoàn - vật chất an toàn vào năm 2000 và phát triển các kế hoạch cơ bản để thiết lập xã hội tuần hoàn - vật chất an toàn. “Kinh nghiệm của Nhật Bản, đặc biệt là mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) hết sức quý báu với Việt Nam”, ông Toản nhấn mạnh.

Ông Tomoyuki Hosono, đại diện nhóm nghiên cứu JICA/Nippon Koei, cho biết, Nhật Bản đã tối đa hóa tài nguyên và hiệu quả năng lượng (giảm thiểu đầu vào của tài nguyên và phát thải chất thải); tăng cường quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng và Chính phủ (tối đa hóa lợi ích cho toàn xã hội); thiết lập hệ thống công nghệ định hướng tái chế; thúc đẩy các ngành liên quan đến môi trường (phát triển các loại hình công nghiệp mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp).

Theo ông Adachi, chuyên gia của JICA, để xây dựng Kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân và cần lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên đưa vào kế hoạch hành động. Đặc biệt, việc tổ chức các cuộc đối thoại giữa khối công và tư là rất cần thiết để thúc đẩy việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong tất cả các hoạt động của đời sống. 

Gợi ý về chiến lược tuần hoàn tài nguyên cho ngành nhựa, ông Ichiro Adachi cho rằng Việt Nam cần giảm việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần; có hệ thống tái chế bền vững, thúc đẩy nhựa sinh học; ngăn chặn rác thải nhựa trong môi trường; thúc đẩy đổi mới và đầu tư theo hướng các giải pháp tuần hoàn.

Quang Khánh