Tín hiệu tích cực

- Thứ Năm, 07/07/2022, 06:30 - Chia sẻ

Hôm qua, 5.7, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Trưởng đoàn Trung Quốc tham gia Đối thoại kinh tế toàn diện với Mỹ, đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen theo đề nghị của phía Washington nhằm trao đổi thẳng thắn quan điểm thực tế về các chủ đề, từ tình hình kinh tế vĩ mô, sự ổn định của chuỗi cung ứng đến ngành công nghiệp toàn cầu.

Đây là một trong những cuộc hội đàm cấp cao nhất giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc thời gian qua, diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden xem xét giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao.

“Thẳng thắn, thực tế và thực chất”

Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cho hay, trong một cuộc gặp trực tuyến với Phó Thủ tướng Trung Quốc, Bộ Trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã “thẳng thắn” nêu ra những lo ngại về các chính sách kinh tế “không công bằng, phi thị trường” của Trung Quốc và cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Trong khi đó, phía Bắc Kinh bày tỏ quan tâm về vấn đề dỡ bỏ thuế quan bổ sung đối với Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt của phía Mỹ, cũng như đối xử công bằng với các doanh nghiệp nước này.

Hai bên cũng thảo luận về triển vọng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh giá hàng hóa tăng và những thách thức về an ninh lương thực. Cả hai nhất trí rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, tăng cường liên lạc và phối hợp chính sách vĩ mô giữa Trung Quốc và Mỹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ngoài ra, việc cùng nhau duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu cũng đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia và toàn thế giới.

Bộ Tài chính Mỹ mô tả cuộc hội đàm trực tuyến là “thẳng thắn và thực chất” và là một phần trong nỗ lực “duy trì các đường dây liên lạc cởi mở”. Bộ Thương mại Trung Quốc cùng quan điểm, cho rằng các cuộc đàm phán “thực tế và thẳng thắn” đã đề cập đến tình hình kinh tế vĩ mô và sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nói chung, hai bên đều nhất trí duy trì liên lạc sau cuộc hội đàm.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen

Khó lật ngược tình thế cạnh tranh chiến lược

Theo Al Jazeera, ông James Laurenson, Giám đốc Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc cho biết: “Những bình luận từ bà Yellen dường như không vượt quá những gì các quan chức Mỹ đã nói trước đây.

“Vấn đề là Mỹ sẽ làm gì ngoài việc lặp lại những cáo buộc tương tự. Nhiều học giả về luật thương mại cho rằng có phạm vi đáng kể để tìm kiếm giải pháp khắc phục tại WTO nhưng Mỹ dường như không nhiệt tình với thể chế này. Nhưng thêm nhiều hơn các biện pháp trừng phạt đơn phương sẽ không thay đổi các chính sách của Trung Quốc và chúng cũng không giúp cho Mỹ nhận được hoan nghênh ngay cả từ các đồng minh thân cận như Nhật Bản và Australia, những quốc gia vẫn cam kết với WTO và các quy trình của tổ chức này”, ông James Laurenson nói.

Cuộc đàm phán diễn ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cân nhắc khả năng nới lỏng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc như một phần trong nỗ lực kiểm soát giá tăng cao, vốn đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 40 năm.

Nội các của Tổng thống Biden được cho là đang chia rẽ về việc có nên nới lỏng thuế quan hay không, phần lớn trong số đó được kế thừa từ cựu Tổng thống Donald Trump, người đã nhắm vào điều mà ông coi là các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, trong đó có hàng rào thuế quan đối với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nhập từ đất nước gấu trúc.

Bộ trưởng Tài chính Yellen từng công khai thúc ép Tổng thống Biden giảm một số thuế quan, cho rằng chúng “không có ý nghĩa chiến lược” và “do người Mỹ trả chứ không phải người Trung Quốc”.

Đánh giá về cuộc hội đàm trực tuyến Mỹ - Trung, bà Deborah Elms, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á tại Singapore, mô tả điều tích cực là các quan chức từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiếp tục gặp gỡ.

Bà phát biểu, “sẽ không có cách nào để giải tỏa căng thẳng nếu thông tin liên lạc được xử lý thông qua phương tiện truyền thông thay vì trực tiếp, hoặc qua Zoom”. “Đường lối của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục là Trung Quốc thực hiện thương mại không công bằng. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Bộ trưởng Yellen lặp lại tuyên bố. Tất nhiên, câu hỏi lớn là có thể làm gì với nó. Hiện thực hóa các cuộc thảo luận là bước đầu tiên hữu ích, nhưng sẽ cần được theo dõi nhiều hơn là các cuộc trò chuyện ngẫu nhiên giữa các quan chức chính phủ”, bà nói thêm.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Đức vào tháng trước, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ có cuộc hội đàm trong những tuần tới. Tuy nhiên, theo ông Gary Ng, một nhà kinh tế cấp cao tại Natixis ở Hong Kong, Mỹ và Trung Quốc khó có thể vượt qua sự cạnh tranh ngày càng tăng của họ, bất chấp đối thoại hoặc cắt giảm thuế quan.

Ông cho rằng, “mặc dù có thể thấy việc lùi thuế đối với một số sản phẩm, nhưng Mỹ vẫn lo ngại về vai trò của trợ cấp chính phủ và tiến trình đạt được sự trung lập về cạnh tranh cho các công ty của mình ở Trung Quốc." "Đây là vấn đề mang tính cơ cấu về việc liệu các doanh nghiệp Mỹ có được đối xử bình đẳng so với các đối tác Trung Quốc hay không, với tác động lan tỏa không chỉ trong việc tiếp cận thị trường ở Trung Quốc mà còn cả sự cạnh tranh trên thế giới. Cuộc đối thoại có thể thúc đẩy tình cảm trong ngắn hạn, nhưng nó không phải là hành động lật ngược tình thế cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông phân tích.

Linh Anh