OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu thô

Thị trường năng lượng toàn cầu sẽ biến động như thế nào?

- Thứ Năm, 13/10/2022, 06:19 - Chia sẻ

24 nước thành viên OPEC+ mới đây đã nhất trí cắt giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày cho đến ngày 23.12.2023 và đây là đợt cắt giảm sản lượng lớn nhất của OPEC kể từ tháng 4.2020 đến nay. Quyết định trên sẽ khiến thị trường năng lượng có những ảnh hưởng đến giá xăng dầu và lạm phát.

Vì sao OPEC+ cắt giảm sản lượng?

Hãng tin (AP) đưa tin, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết, liên minh đang chủ động điều chỉnh nguồn cung để đối phó khả năng suy giảm kinh tế toàn cầu do ngành du lịch và công nghiệp sa sút. Ông cho rằng, các nước đang trải qua một thời kỳ đầy bất ổn và vai trò của OPEC+ là một lực lượng điều tiết để mang lại sự ổn định. Suốt mùa hè vừa qua, giá dầu đã giảm sau ngưỡng cao. Giờ đây, sau quyết định hôm 5.10, OPEC+ đang hướng tới mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3. Thêm vào đó, tất cả các nước thành viên OPEC+ cũng nhất trí gia hạn hiệp định hợp tác vốn sẽ hết hạn vào cuối năm 2022 tới hết năm 2023. Họ cũng nhất trí rằng ủy ban giám sát của nhóm sẽ họp định kỳ hai tháng một lần còn các nước thành viên OPEC+ sẽ họp 6 tháng một lần.

Một lý do lớn khác cho sự cắt giảm là lo ngại phần lớn nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái do giá năng lượng như dầu, khí đốt và điện tăng cao, dẫn đến lạm phát và làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Hơn nữa, mức giá cao nhất trong mùa hè xuất hiện do lo ngại phần lớn sản lượng dầu của Nga sẽ không xuất hiện trên thị trường do xung đột ở Ukraine. Các nhà sản xuất dầu đang cảnh giác về sự giảm giá đột ngột nếu nền kinh tế toàn cầu lao dốc nhanh hơn dự kiến. Đó là những gì đã xảy ra trong đại dịch Covid-19 vào năm 2020 và trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009.

Bên cạnh đó, Ảrập Xêút là nước đưa ra chủ trương cắt giảm sản lượng của khối OPEC+ và cho rằng các yếu tố thị trường căn bản đang mang lại lợi thế đáng kể cho nhóm và tạo điều kiện phù hợp để đưa ra mức giá cao hơn. Quốc gia này cũng đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về tình trạng dư thừa cung ngắn hạn. Quan điểm này cũng tương đồng với nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) có trụ sở tại Paris trong Báo cáo Thị trường Dầu lửa số ra tháng 9.2022 rằng thị trường dầu lửa sẽ thừa cung khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày vào sáu tháng cuối năm 2022. Hơn nữa, trữ lượng dầu toàn cầu còn lại khá hạn chế bởi các nước thành viên OPEC+ trừ Ảrập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Kuwait, đều không thể khai thác đủ sản lượng mục tiêu đã đề ra.

Iran và Nga còn nhiều dầu nhưng các lệnh cấm vận lại hạn chế họ xuất khẩu dầu. Do đó, Ảrập Xêút không muốn duy trì sản lượng sản xuất hiện tại chứ chưa nói đến tăng sản lượng bởi nước này muốn để dành dầu trong trường hợp xảy ra khủng hoảng trong tương lai, chẳng hạn như dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm sau khi quyết định áp giá trần của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có hiệu lực vào tháng 12 tới. Quốc gia này cũng tính toán rằng cần phải dự trữ một lượng dầu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Trung Quốc khi nước này nới lỏng các chính sách "không Covid". Ảrập Xêút là nước có quyền quyết định các quyết sách của OPEC+, cho rằng những quốc gia kêu gọi sản xuất tăng thêm sản lượng dầu chỉ nhìn vào vấn đề giá cả mà không quan sát bức tranh toàn thể của thị trường dầu khí. Một trong những lý do khiến quốc gia này và OPEC+ có được lợi thế để cắt giảm sản lượng, cũng như đẩy giá lên là bởi Mỹ khó có thể ứng phó ngay với tình hình bằng cách tăng nhanh sản lượng dầu đá phiến.

Nguồn: Reuters
Nguồn: Reuters

Thị trường năng lượng toàn cầu sẽ thế nào?

Việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ khiến tác động của quyết định áp giá trần mà G7 định đưa ra đối với dầu khí của Nga càng trở nên quan trọng hơn. Có thể, giá trần của G7 sẽ khiến một số nước khách hàng của Nga không mua số lượng lớn trên mức giá trần nữa, ngoài Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng nếu Nga mất thị trường và buộc phải cắt giảm sản lượng thì điều đó sẽ dẫn tới tình hình sản lượng dầu toàn cầu bị cắt giảm nhiều hơn cả mức mà OPEC+ đã nhất trí và như vậy giá sẽ càng bị đẩy lên cao hơn. Trong khi đó chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden khó có thể giảm thiểu tác động của quyết định cắt giảm sản lượng dầu mà OPEC+ vừa đưa ra đối với việc giá xăng dầu đang ngày càng tăng ở Mỹ trước khi cuộc bầu cử Tổng thống giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11 tới.

Mặc dù Bộ Năng lượng Mỹ liên tục được yêu cầu đưa ra những đánh giá tác động của việc hạn chế xuất dầu thô và các sản phẩm hóa dầu của Mỹ, việc cấm xuất khẩu dầu sẽ chỉ khiến Nhà Trắng hứng chịu thêm nhiều chỉ trích từ phía Đảng Cộng hòa về chính sách năng lượng và cả chỉ trích của Liên minh châu Âu (EU) vì như vậy càng khiến cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu thêm trầm trọng. Hơn nữa, việc cấm xuất khẩu như vậy cũng chỉ tác động rất nhỏ tới giá xăng dầu trong nước Mỹ (và rất có thể lại đẩy giá lên cao hơn) bởi các nhà máy lọc dầu phải giảm sản lượng vì họ không xuất được dầu diesel nữa, các nhà máy lọc dầu thường tối đa hóa sản lượng xăng và dầu diesel của họ khi họ có nhiều lựa chọn thị trường khác nhau.

Tại Mỹ, giá xăng dầu đã giảm từ tháng 6 - 9.2022 nhưng bắt đầu tăng trở lại gần đây. Hôm 3.10, Hiệp hội ô tô của Mỹ cho biết giá xăng ở các bang Alaska, Arizona, California, Oregon, Nevada và Washington đã tăng hơn 35% mỗi gallon (tương đương 3,7 lít) trong tuần vừa qua. Với tình trạng hiện nay, có thể Mỹ sẽ phải cân nhắc mở bán thêm từ Kho dầu Dự trữ Chiến lược nhưng nỗ lực đó cũng chỉ có thể tác động tạm thời đối với giá. Trong năm nay, Kho Dự trữ Dầu Chiến lược của Mỹ đã đưa vào thị trường gần 180 triệu thùng, tương đương 1/3 trữ lượng kho và hiện tại kho chỉ còn khoảng 422,5 triệu thùng, mức dự trữ thấp nhất kể từ thời chính quyền của cựu Tổng thống Ronald Reagan tới nay.

Bên cạnh đó, quyết định cắt giảm của OPEC+ được cho là chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát leo thang. Phó chủ tịch cấp cao của Rystad Energy Jorge Leon cho biết, dầu Brent sẽ đạt 100 USD/thùng vào tháng 12, mức giá này cao hơn so với dự đoán trước đó là 89 USD. Một phần của việc cắt giảm 2 triệu thùng/ngày chỉ mới trên mặt giấy do một số nước OPEC+ không thể đưa ra hạn ngạch. Do đó, khối này chỉ có thể cung cấp khoảng 1,2 triệu thùng/ngày trong điều kiện cắt giảm sản lượng thực tế, điều này vẫn sẽ có tác động không nhỏ đến giá cả. Ông nhấn mạnh thêm, giá dầu cao hơn chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát mà các ngân hàng trung ương toàn cầu đang phải đối mặt và giá dầu cao hơn sẽ là một yếu tố cần cân nhắc cho việc tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế.

Điều này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu, chủ yếu liên quan đến việc Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho hệ thống sưởi, điện và nhà máy, đồng thời sẽ đẩy giá xăng dầu toàn cầu lên cao. Khi điều đó thúc đẩy lạm phát, mọi người ngày càng chi tiêu ít hơn vào những thứ khác như thực phẩm và tiền thuê nhà. Các yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến giá dầu, bao gồm độ sâu của bất kỳ cuộc suy thoái nào có thể xảy ra ở Mỹ hoặc châu Âu và thời hạn của các hạn chế Covid-19 của Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu về nhiên liệu. 

Bên cạnh đó, theo The Guardian, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, việc các quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới cắt giảm sản lượng vào thời điểm chi phí năng lượng tăng cao là không phù hợp đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt giữa bối cảnh áp lực căng thẳng từ lạm phát tăng cao. Bà Janet Yellen cho biết, động thái của OPEC+ có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới vào cảnh suy thoái. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phản đối mạnh mẽ quyết định cắt giảm sản lượng hàng ngày 2 triệu thùng của OPEC+ và cho rằng việc này sẽ gây tổn hại đến cả các nước đang phát triển.

Như Ý