Sự cố đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc:

Thị trường năng lượng đối mặt thách thức mới

- Thứ Bảy, 01/10/2022, 05:51 - Chia sẻ

Nhà điều hành đường ống của Đức - Nord Stream AG đã xác nhận xảy ra tình trạng giảm áp suất đột ngột ở các tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2. Sự cố này được đánh giá chưa từng xảy ra và hiện rất khó để ước tính được thời gian khắc phục. Điều này khiến cho các chính trị gia và chính phủ châu Âu không còn lạc quan về một thị trường khí đốt tự nhiên ít biến động hơn trong mùa đông 2022 - 2023.

Sự cố bất ổn

Nhà điều hành đường ống Nord Stream AG cho biết, nguyên nhân của sự cố này rất có thể là do rò rỉ, áp suất trong đường ống dẫn khí dưới biển đã giảm từ 105 xuống 7 bar trong đêm. Theo tờ Guardian, kể từ khi Nga - Ukraine xảy ra xung đột vào tháng 2, đường ống này là một trong những tiêu điểm của cuộc chiến năng lượng đang leo thang giữa châu Âu và Nga, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các nền kinh tế phương Tây và khiến giá khí đốt tăng vọt.

Theo kế hoạch, đường ống Nord Stream 2 (NS2) thuộc sở hữu của Nga sẽ giúp tăng gấp đôi lượng cung cấp khí đốt từ Vyborg (Nga) đi dưới biển Baltic đến Đức. NS2 đã được hoàn thành và có sức chứa đầy 300m khối khí đốt, khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz quyết định hủy bỏ dự án không lâu trước khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Các nước thuộc EU đã phản đối các lời kêu gọi của Nga cho phép Nord Stream 2 hoạt động và cáo buộc Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí, tuy nhiên Nga đã phủ nhận việc này.

Với sự cố rò rỉ đường ống, Bộ Kinh tế Đức cho biết, hiện vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân và sự thật chính xác là gì, và họ đang liên hệ với các cơ quan chức năng liên quan để làm rõ sự việc. Nhà điều hành Nord Stream 2 có trụ sở tại Thụy Sĩ cho biết, họ đã thông báo cho tất cả các đơn vị có liên quan về sự rò rỉ, sự cố này không thể xảy ra tại điểm tiếp đất ở Lubmin - miền bắc nước Đức, vì nếu việc này xảy ra ở Lubmin, sẽ nghe thấy tiếng động. Đức đã thông báo cho các nhà chức trách Đan Mạch về vụ việc và đang cố gắng xác định xem liệu sự sụt giảm áp suất có xảy ra trong vùng biển của Đức hay không. Các nhà chức trách Đan Mạch cũng đã yêu cầu các tàu thuyền tránh xa bán kính năm hải lý ngoài khơi đảo Bornholm của nước này.

Nguồn: Reuters
Nguồn: Reuters

Những rủi ro đang chờ phía trước

Nhật báo Der Tagesspiegel dẫn các nguồn tin trong Chính phủ Đức cho biết, các cơ quan an ninh nước này lo ngại rằng cả hai nhánh của tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ vĩnh viễn không sử dụng sau các vụ rò rỉ khí đốt nghiêm trọng vừa qua. Giới chức Đức cảnh báo, nếu không được sửa chữa nhanh chóng, nước muối sẽ xâm nhập vào bên trong các đường ống nằm dưới đáy biển Baltic và dẫn đến tình trạng ăn mòn, khiến chúng không thể phục hồi. Theo các chuyên gia của Bộ Ngoại giao Đức, một số bộ liên bang và Văn phòng Thủ tướng Đức đang thảo luận về hậu quả của vụ việc. Bước đầu tiên, cảnh sát liên bang sẽ tăng cường kiểm soát lãnh hải Đức, theo đó các tàu của Đức sẽ giám sát chặt chẽ hơn các tuyến cơ sở hạ tầng quan trọng. Ngoài ra, các vùng của Đức cần tăng cường bảo vệ các khu vực ven biển ở phía Bắc và biển Baltic.

Hện cảnh sát Đan Mạch cũng đã thông báo mở cuộc điều tra về vụ rò rỉ khí đốt trong đường ống dẫn khí từ Nga đến châu Âu dưới biển Baltic. Trước đó, Cơ quan năng lượng Đan Mạch cho biết cơ quan hàng hải của nước này đã ban hành cảnh báo hàng hải và thiết lập vùng cấm trong phạm vi 5 hải lý xung quanh khu vực rò rỉ đường ống vì gây nguy hiểm cho giao thông tàu thuyền. Tuy nhiên, Đan Mạch cho biết, có thể phải mất 1 - 2 tuần các nhà chức trách nước này mới có thể tiến hành điều tra do lo ngại về sự an toàn. EU tuyên bố sẽ phản ứng mạnh mẽ nhất có thể đối với bất kỳ cuộc tấn công nào vào cơ sở hạ tầng năng lượng đang hoạt động của khối nhưng không nêu bất kỳ nghi phạm nào trong vụ rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc. Trong khi đó, Nga coi sự cố này là một “cuộc tấn công khủng bố” và sẽ triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề này.

Bên cạnh những thiệt hại khó có thể tính toán được, các nhà chức trách cũng lo ngại về rủi ro an ninh năng lượng châu Âu sau sự cố này. Trước đó, Chính phủ Hà Lan thông báo rằng sẽ hoãn khai thác mỏ khí đốt trên đất liền lớn nhất châu Âu Groningen vì các dự báo cho thấy không cần thêm khí đốt nữa, đây là một trong số những điều lạc quan về một thị trường khí đốt. Song, với những tình hình thực tế khó đoán khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn kéo dài, cùng với các lệnh trừng phạt hướng đến Nga của Liên minh châu Âu (EU) sắp có hiệu lực, thị trường có khả năng hướng tới một viễn cảnh u ám.

Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù ở mức rất thấp nhưng khí đốt tự nhiên của Nga sẽ vẫn chảy tới châu Âu trong vài tháng tới. Đồng thời, châu Âu cũng có nguồn cung mới, không chỉ là nguồn LNG nhập khẩu mà còn cả khí đốt được vận chuyển qua đường ống dẫn khí Baltic mới vừa được mở ở Ba Lan. Tuy nhiên, sự lạc quan trên bị dội gáo nước lạnh khi xảy ra sự cố rò rỉ và nổ với đường ống Nord Stream 1 và 2. Cả hai đường ống dẫn khí đốt đã bị Nga ngừng hoạt động.

Các nhà phân tích lo ngại rằng sự cố rò rỉ và nổ trên cả hai đường ống không phải là tình cờ mà có liên quan đến sự kiện khai trương đường ống Baltic chuyển khí đốt của Na Uy đến Ba Lan. Điều khá trùng hợp là cả hai đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi của Nga đều xảy ra sự cố cùng một lúc. Những diễn biến “bất thường” này đã khiến các nhà vận hành và công ty Đan Mạch phải tăng cường an ninh.

Tuần trước, Na Uy cũng đã báo cáo phát hiện các máy bay không người lái không xác định hoạt động phía trên cơ sở hạ tầng dầu khí quan trọng ngoài khơi. Cơ quan An toàn Dầu mỏ của Na Uy (PSA) đã công khai cảnh báo về hiện diện của các máy bay không người lái không xác định gần các cơ sở dầu khí ngoài khơi. Na Uy có vị trí an ninh năng lượng và địa chính trị ngày càng tăng đối với thị trường châu Âu. Theo các chuyên gia, tình hình an ninh sản xuất năng lượng ngoài khơi, đặc biệt là ở Biển Bắc, vẫn còn rất yếu. Một nhân tố tiềm tàng có thể lợi dụng tình hình và gây thiệt hại đáng kể cho thị trường năng lượng của châu Âu trong những tháng tới.

Cơ sở hạ tầng dầu khí ngoài khơi của Na Uy là một mục tiêu chiến lược và các điểm yếu của cơ sở hạ tầng năng lượng tại đây có thể bị nhắm vào trong mùa đông này. Và không loại trừ khả năng các đường ống dẫn dầu và khí đốt khác sẽ gặp sự cố kỹ thuật bất ngờ. Gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng của Na Uy cho châu Âu có thể khiến các kho tích trữ khí đốt tự nhiên cạn kiệt nhanh hơn, nếu xảy ra, thị trường năng lượng vốn đã bất ổn sẽ càng thêm khó khăn hơn.

Như Ý