Thành tựu lập pháp mới của Tổng thống Mỹ

- Thứ Năm, 18/08/2022, 05:32 - Chia sẻ

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký phê chuẩn Đạo luật Giảm lạm phát, mà theo nhiều nhà phân tích đây là một trong những văn bản pháp lý quan trọng không chỉ đánh dấu chiến thắng lớn cho chính quyền đương nhiệm và đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa kỳ, mà còn có khả năng làm nên di sản của ông trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng.

Chiến thắng lịch sử

Phát biểu trong lễ ký kết, Tổng thống Joe Biden gọi Đạo luật Giảm lạm phát là “một trong những đạo luật quan trọng nhất trong lịch sử của chúng ta”. "Với luật này, người dân Mỹ đã thắng và các đặc quyền sẽ mất”.

Theo các nhà phân tích, ký phê chuẩn luật trên là thành tựu lập pháp lớn mới nhất của Tổng thống vào mùa Hè này sau khi ông ký phê chuẩn một số đạo luật nhằm tăng sản xuất chất bản dẫn và lợi ích cho các cựu chiến binh bị phơi nhiễm bởi các chất độc hại trong chiến tranh, như ở Afghanistan và Iraq. Trong vài tháng qua, ông Biden cũng giành được chiến thắng trên một số mặt trận khác, bao gồm dự luật cải cách súng của lưỡng đảng, ra lệnh thành công nhiệm vụ tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri, gửi hàng tỷ USD viện trợ cho Ukraine hay giúp Phần Lan và Thụy Điển bắt đầu quá trình gia nhập NATO.

Có thể nói, Đạo luật Giảm lạm phát hoàn thành một số hạng mục chính trong chương trình lập pháp của Tổng thống Biden, đại diện cho khoản đầu tư về khí hậu lớn nhất trong lịch sử đất nước cờ hoa và tạo ra những thay đổi lớn đối với chính sách y tế bằng cách lần đầu tiên trao cho Medicare quyền thương lượng giá của một số loại thuốc theo toa, đồng thời mở rộng trợ cấp chăm sóc sức khỏe sắp hết hạn cho 3 năm tới (đến năm 2025). Nó giới hạn chi phí điều trị insulin cho người thụ hưởng Medicare ở mức 35 USD mỗi tháng, đồng thời yêu cầu các công ty dược phẩm cung cấp các khoản giảm giá cho Medicare nếu họ tăng giá thuốc nhanh hơn tốc độ lạm phát.

Ngoài ra, luật sẽ giúp giảm thâm hụt, thông qua các loại thuế mới - bao gồm thuế suất doanh nghiệp tối thiểu 15% đối với các tập đoàn lớn có doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên và thuế 1% đối với việc mua lại cổ phiếu - và tăng cường khả năng thu thuế của Sở Thuế vụ. Nó sẽ tăng hơn 700 tỷ USD doanh thu của chính phủ trong 10 năm. Chưa hết, lĩnh vực quan trọng nữa được đạo luật ưu tiên là đầu tư vào an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu. Đây là lĩnh vực chiếm phần lớn ngân sách của đạo luật, với khoảng 370 tỷ USD, nhằm giúp thúc đẩy các chương trình năng lượng, giúp Mỹ cắt giảm 40% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính vào cuối thập kỷ này. Bên cạnh đó, luật còn mở rộng trợ cấp cho bảo hiểm y tế theo Đạo luật Chăm sóc giá cả phải chăng và sử dụng phần còn lại của doanh thu mới để giảm thâm hụt.

Mặc dù Đạo luật Giảm lạm phát có quy mô nhỏ hơn so với dự luật về khí hậu và mục tiêu Xây lại Tốt hơn (Build Back Better) mà đảng Dân chủ và Tổng thống Biden từng hy vọng được thông qua, nhưng đây vẫn được xem là một thắng lợi lớn, khi mang tới những khoản đầu tư khổng lồ cho các lĩnh vực quan trọng nói trên. Luật mới mà Tổng thống Biden vừa ký phê chuẩn không bao gồm một số điều khoản đã từng được đề xuất trước đó như một phần trong kế hoạch của Tổng thống, bao gồm nghỉ phép gia đình và nghỉ ốm hưởng lương, phổ cập mẫu giáo, gia hạn tín dụng thuế trẻ em nâng cao, cũng như các điều khoản để giảm chi phí tại các trường đại học…

Nguồn: Getty Images
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký phê chuẩn Đạo luật Giảm lạm phát
Nguồn: Getty Images

Lợi thế cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ?

Có thể nói, chiến thắng của chính quyền đương nhiệm và đảng Dân chủ trong việc đưa Đạo luật Giảm lạm phát vào cuộc sống không hề dễ dàng. Tổng thống Biden đã chỉ trích dữ dội đối với các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội vì đã bỏ phiếu chống lại nó khi còn là dự luật. Ông nói, “mọi đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội đều bỏ phiếu chống giảm giá thuốc kê đơn, chống giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, chống lại hệ thống thuế công bằng. Mọi đảng viên Cộng hòa - từng người một - bỏ phiếu chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, chống lại việc giảm chi phí năng lượng của chúng ta, chống lại việc tạo ra những công việc được trả lương cao”. Ông Joe Biden nhấn mạnh, trong khi “các thành viên Dân chủ đều đứng về phía người dân Mỹ” thì “tất cả thành viên Cộng hòa đứng về phía đặc quyền”.

Về phía mình, đảng Cộng hòa chỉ trích đạo luật vì cho rằng nó không đủ sức khiến giá cả các mặt hàng giảm xuống, đồng thời chỉ trích đảng Dân chủ đẩy nền kinh tế vào mức lạm phát kỷ lục. Theo họ, Đạo luật Giảm lạm phát mà Tổng thống Biden vừa ký mang lại mức thuế cao hơn, hóa đơn năng lượng cao hơn và các cuộc thẩm duyệt tài chính gay gắt hơn.

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Joe Biden sẽ sớm tổ chức một cuộc họp nội các, trong đó tập trung vào việc thực thi luật, đồng thời ông có kế hoạch công du vòng quanh đất nước để nêu bật tác động của luật đối với người Mỹ…

Có một số ý kiến cho rằng, đạo luật mới sẽ ít hoặc không ảnh hưởng đến lạm phát trong ngắn hạn. Bản thân chính quyền Mỹ cũng thừa nhận, có thể mất thời gian để người Mỹ cảm nhận được tác dụng của luật, và tiến bộ rõ ràng chỉ có thể được nhận thấy trong “một hoặc hai hoặc ba năm... chứ nó không xảy ra trong hai, ba hay bốn tháng tới”.

Đạo luật Giảm lạm phát được ký phê chuẩn khi chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa Mỹ sẽ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ. Đảng Dân chủ hy vọng nó sẽ giúp họ giành lại lợi thế trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử, nơi cử tri sẽ quyết định cán cân quyền lực trong Quốc hội Mỹ. Đảng Cộng hòa đang có lợi thế để giành lại thế đa số ở Hạ viện và cũng có thể nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện.

Các đảng viên Dân chủ đang đấu tranh để duy trì đa số hẹp của họ trong Quốc hội. Hiện Nhà Trắng hướng tới việc tận dụng tối đa chuỗi chiến thắng - bao gồm cả việc thông qua Đạo luật Giảm lạm phát - như một phần trong quá trình gấp rút thiết lập lại hình ảnh của Tổng thống Joe Biden trước cuộc bầu cử vào tháng 11. Hôm 16.8, Tổng thống Biden đưa ra một chiến dịch quảng bá tập trung vào sự lạc quan của ông về tương lai của đất nước, nhấn mạnh ông có thể mang lại tiến bộ được mong đợi từ lâu cho người dân Mỹ.

Tuy nhiên, giờ vẫn rất khó phỏng đoán được sự ủng hộ của cử tri đối với Tổng thống và đảng Dân chủ có được cải thiện vào mùa Thu tới hay không, bởi nhiều người tỏ ý không hài lòng với tình trạng lạm phát cao ngất của Mỹ hiện nay. Cuộc thăm dò của hãng tin CNN được công bố vào cuối tháng 7 cho thấy, 75% cử tri đảng Dân chủ muốn đảng đề cử một người nào đó không phải là ông Biden ứng cử cho vị trí tổng thống vào năm 2024.

Ngược lại, theo kết quả cuộc khảo sát được Reuters/Ipsos công bố ngày 9.8, tỷ lệ ủng hộ của công chúng dành cho Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng qua sau hàng loạt thắng lợi về chính sách tại cơ quan lập pháp. Kết quả cuộc khảo sát được tiến hành trong hai ngày trên phạm vi cả nước cho thấy có 40% người Mỹ ủng hộ cách thức điều hành của ông. Song, đây vẫn là con số thấp trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ. Hồi tháng Năm là thời điểm uy tín của Tổng thống Biden giảm xuống mức thấp nhất (36%) trong nhiệm kỳ của mình, và tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm dưới 50% kể từ tháng 8.2021 - thời điểm Mỹ phải ứng phó với lạm phát cao và kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Covid-19.

Vì vậy, việc uy tín của ông Biden liên tục cải thiện trong thời gian gần đây, cùng với việc thông qua và ký phê chuẩn Đạo luật Giảm lạm phát “lịch sử” đã trấn an phần nào giúp các nghị sĩ đảng Dân chủ lạc quan hơn trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8.11 tới.

Ngọc Minh