Thắng lợi của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do

- Chủ Nhật, 15/01/2023, 15:12 - Chia sẻ

Nguyễn Ngọc Trân Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI.

Bước vào năm 2023 Quý Mão, cũng là dịp chuẩn bị kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, 50 năm Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại Paris ngày 27.1.1973 sau gần 5 năm đàm phán - thời điểm vỡ òa sau biết bao dồn nén, uất ức trước những tráo trở trên bàn đàm phán, cả bằng 12 ngày đêm ném bom Hà Nội, Hải Phòng! Nhưng sâu đậm nhất đối với tôi là trên Avenue Kleber nối Quảng trường Trocadéro với Quảng trường Khải Hoàn Môn, kiều bào, già trẻ, gái trai sát vai nhau, tay vẫy rợp trời cờ đỏ sao vàng và cờ xanh đỏ sao vàng. Tất cả để chúc mừng thắng lợi của đồng bào trong nước, của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do.

Thắng lợi của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do

Vào giữa năm 1968, khi được phổ biến Paris được Đảng và Chính phủ chọn là nơi sẽ diễn ra Hội nghị về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, phong trào Việt kiều tại Pháp cảm nhận thấy đây là một vinh dự to lớn; đồng thời, là một trách nhiệm nặng nề đặt lên vai mình. Phong trào tự đặt cho mình 3 nhiệm vụ: Đáp ứng mọi yêu cầu trong nước để phục vụ tốt nhất có thể được 2 đoàn đàm phán, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong thời gian hội nghị, bất luận hội nghị kéo dài bao lâu; Đẩy mạnh công tác giải thích trong kiều bào, qua đó dội về gia đình kiều bào ở Sài Gòn và các đô thị ở miền Nam về ý nghĩa của cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam, lập trường của 2 đoàn đàm phán; Paris là một ngã tư của thế giới, một nhiệm vụ quan trọng là vận động để tiếng nói và cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam qua 2 đoàn đàm phán đến với đông đảo Nhân dân thế giới, đặc biệt đến với Nhân dân, các nhà khoa học và các nghị sĩ Hoa Kỳ bằng nhiều con đường, nhằm tiếp sức cho phong trào phản chiến, cô lập chính quyền Mỹ, yêu cầu rút quân đội Mỹ khỏi Việt Nam.

Thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi huy động tổng lực, ở Paris, ở các chi hội trên toàn nước Pháp, và cần sự hợp sức với phong trào ở Mỹ, Canada, Đức, Bỉ, Nhật Bản… Tất cả nỗ lực đó để chân lý “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” và tiếng nói của Việt Nam qua 2 đoàn đàm phán vang vọng xa nhất. Thật xúc động khi tại hội thảo quốc tế “Đạo lý trong cuộc chiến tranh Việt Nam” tổ chức ở Luân Đôn năm 1972, được nghe nhiều diễn giả là những triết gia, các giải thưởng Nobel phát biểu: “Ủng hộ và giúp Nhân dân Việt Nam là một yêu cầu của đạo lý, để đô-la và vũ khí không trở thành chân lý và văn minh của nhân loại!”.

Sau gần 5 năm đàm phán, cuối cùng Hiệp định Paris đã được ký kết ngày 27.1.1973 - thời điểm vỡ òa sau biết bao dồn nén, uất ức trước những tráo trở trên bàn đàm phán, và cả bằng 12 ngày đêm ném bom Hà Nội, Hải Phòng! Nhưng sâu đậm nhất đối với tôi là trên Avenue Kleber nối Quảng trường Trocadéro với Quảng trường Khải Hoàn Môn, kiều bào, già trẻ, gái trai sát vai nhau, tay vẫy rợp trời cờ đỏ sao vàng và cờ xanh đỏ sao vàng. Tất cả để chúc mừng thắng lợi của đồng bào trong nước, của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do; để nói với thế giới rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam không phải là cuộc chiến giữa người Việt Nam mà xuất phát từ chính sách hiếu chiến và can thiệp của bốn đời Tổng thống Hoa Kỳ.    

Đóng góp trực tiếp nhất, tích lũy kinh nghiệm quý báu nhất

Trong lịch sử 100 năm của mình, gần 10 năm từ năm 1968 đến năm 1977 là khoảng thời gian Phong trào Việt kiều ở Pháp hoạt động sôi nổi nhất, đóng góp với đất nước trực tiếp nhất và tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý báu nhất.

Trong tiếng súng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã ra đời Ban Liên lạc Trí thức Việt Nam tại Pháp, tiến tới Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Trí thức Việt Nam tại Pháp tháng 11.1968, 6 tháng sau khi Hội nghị Paris bắt đầu. Kế tiếp là các Hội Liên hiệp Phụ lão, Liên hiệp Công nhân, Liên hiệp Công Thương Việt Nam tại Pháp lần lượt ra đời. Hội Liên hiệp Sinh viên đã được thành lập từ năm 1965, tháng 5.1969 Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp đã được thành lập trở lại sau 10 năm bị cấm hoạt động.

Sức mạnh để Phong trào thực hiện 3 nhiệm vụ phục vụ các đoàn đàm phán được nhân lên. Ngược lại, những năm tháng diễn ra Hội nghị là khoảng thời gian vô cùng quý báu, qua đó phong trào lớn mạnh thêm, và mỗi chúng tôi tiếp thu được những bài học trong công tác, tích lũy được một vốn sống vô giá. Ở Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Anh, Ý, Thụy Sĩ… phong trào kiều bào ủng hộ cuộc đấu tranh của Nhân dân trong nước cũng phát triển mạnh mẽ. Nguyễn Thái Bình bị giết hại vì đã hoạt động phản chiến ngay trong lòng nước Mỹ là một ví dụ và tấm gương về lòng yêu nước và dũng cảm.

Hiệp định Paris được ký kết, nhưng phong trào vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ đóng góp vào công cuộc đấu tranh để hoàn thành mục tiêu độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Ngày 30.4.1975 mở ra trang sử mới cho dân tôc Việt Nam, đặt cho Phong trào những nhiệm vụ mới. Ngày 25.4.1976, Hội Liên hiệp Việt Kiều tại Pháp được mở rộng thành Hội Người Việt Nam tại Pháp với 20 chi hội ở các địa phương, và các hội thành viên Phụ lão, Công nhân lao động, Công thương, Phụ nữ, Thanh niên và Dâu rể. Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Khoa học xã hội và Hội Y học Việt Nam tại Pháp tiếp nối Hội Liên hiệp Trí thức Việt Nam tại Pháp. Hội Liên hiệp Sinh viên tiếp nối Hội Sinh viên và Học sinh Việt Nam tại Pháp.

Khai thác thuận lợi để sát hợp hơn với bối cảnh mới

Tháng 3.1965, Hoa Kỳ đổ quân vào miền Nam. Tháng 6.1965, Hoa Kỳ bắt đầu dội bom miền Bắc. Hưởng ứng lời Kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17.7.1966, trong Phong trào, một số đồng chí gửi Tâm thư tình nguyện về nước, nhận bất cứ nhiệm vụ nào Đảng giao ở miền Bắc hoặc ở miền Nam. Ngày 29.7.1976, có điện từ trong nước đề nghị tôi thu xếp về cho kịp năm học mới 1976 - 1977. Gia đình chúng tôi lên đường về nước ngày 26.9.1976.

Cuộc sống mới của tôi bắt đầu với bốn năm giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Kế tiếp là 12 năm là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước. Tôi được chuyển về Ban Việt Kiều Trung ương từ tháng 10.1992 đến cuối năm 1995, với nhiệm vụ cùng với các bộ, ban, ngành liên quan soạn thảo chính sách đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Năm 1996, tôi được giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tổ chức Hội nghị cấp cao Pháp ngữ 7 tại Hà Nội. Tôi được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa IX năm 1992, tái cử Khóa X và Khóa XI, hoạt động chuyên trách từ năm 1997 đến khi nghỉ hưu theo chế độ năm 2008. Tôi được phân công làm Trưởng Tiểu ban Kinh tế đối ngoại, Khu vực Mỹ Latin và Khối Pháp ngữ… Từ khi về hưu, nhận thấy mình còn đủ điều kiện, tôi trở về với hoạt động khoa học, với đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục những gì chưa làm được và theo dõi những thách thức mà đất nước, đồng bằng nói riêng đang và sẽ đương đầu.

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày nay khác nhiều về số lượng, thành phần, về cơ cấu... Với sự ra đời và trưởng thành của các thế hệ tiếp nối, mối quan hệ với đất nước mang những sắc thái mới. Tuy nhiên, cội nguồn văn hóa, lòng tự hào dân tộc, tình cảm quê hương đất nước vẫn còn đó, được nuôi dưỡng qua tiếng Việt và sẵn sàng bừng sáng khi cần.

Thế và lực của đất nước ngày nay cũng khác xa so với trước. Cách đây 20 năm, Việt Nam chưa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, chỉ mới có Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ. Hiện nay, nước ta là một trong số các quốc gia hội nhập quốc tế sâu rộng nhất thế giới, với độ mở của nền kinh tế cao tương ứng. Khoa học, công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin và truyền thông, tiến rất nhanh. Khoảng cách không gian và thời gian được rút ngắn, gần như trực tiếp và tức thì. May mắn là người Việt Nam ở trong và ngoài nước có mặt trong nhiều lĩnh vực, kể cả tiên tiến nhất. Rõ ràng, mối quan hệ với quê hương, khả năng hợp tác giữa đồng nghiệp trong và ngoài nước thuận lợi hơn trước rất nhiều. Công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cần khai thác những thuận lợi đó để sát hợp hơn với bối cảnh mới.

#