Quyết định đột phá và những điều còn bỏ ngỏ

- Thứ Năm, 24/11/2022, 06:32 - Chia sẻ

Hội nghị cấp cao lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) kết thúc với thỏa thuận mang tính lịch sử. Đó là quyết định thành lập Quỹ “Tổn thất và thiệt hại” nhằm giúp đỡ các quốc gia nghèo bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hiện tượng biến đổi khí hậu. Mặc dù điều này có lẽ là chưa đủ, nhưng đây là một tín hiệu chính trị rất cần thiết để xây dựng lại niềm tin giữa các quốc gia.

Những quyết định và cam kết mang tính lịch sử

Sau hơn hai tuần làm việc căng thẳng, các nhà đàm phán đã nhất trí thông qua thỏa thuận khí hậu của COP27 tại phiên bế mạc. Ý tưởng thành lập Quỹ đã được hình thành từ đầu những năm 1990, do Liên minh các quốc đảo nhỏ kêu gọi. Kể từ đó, ý tưởng này luôn là một phần của Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hàng năm của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, ý tưởng này lại thường chỉ được đề cập bên lề các cuộc đàm phán, trong khi các quốc gia đang phát triển và các nhà hoạt động môi trường thúc đẩy ý tưởng này thì nhiều quốc gia "giàu có" tìm cách né tránh. Và lần đầu tiên, tại COP27, vấn đề này đã được đưa vào chương trình nghị sự và trở thành trung tâm của các cuộc thảo luận. Do đó, việc các bên thống nhất thành lập một quỹ đặc biệt để bù đắp tổn thất và thiệt hại mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của sự nóng lên toàn cầu, được đánh giá là thành tựu lịch sử.

Quỹ này đáp ứng yêu cầu của các nước đang phát triển, theo đó các nước giàu có lượng phát thải lớn phải bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà các nước đang phát triển phải gánh chịu do các hình thái thời tiết cực đoan. Quỹ sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa và các hòn đảo do mực nước biển dâng cao. Các nước phát triển không những phải thực hiện đầy đủ cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm, được đưa ra tại COP15, để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn tăng mức hỗ trợ. Tuy không thể định lượng chính xác nguồn tài chính cần cho nỗ lực giảm thiểu và thích ứng của các quốc gia đang phát triển, nhiều ý kiến cho rằng nhu cầu cần thiết có thể lên tới hơn 4.000 tỷ USD mỗi năm. COP27 xác định, quỹ ban đầu sẽ dựa vào nguồn đóng góp từ các nước phát triển, từ các nguồn công và tư, chẳng hạn như các tổ chức tài chính quốc tế lớn. Văn bản cuối cùng liên quan đến xác định và mở rộng nguồn tài trợ có ý nghĩa rằng, các quốc gia đang phát triển nhưng gây ô nhiễm cao cũng nên đóng góp vào quỹ .

Cùng với thỏa thuận quan trọng nêu trên, COP27 cũng đã ghi nhận một loạt cam kết và hành động mạnh mẽ của các quốc gia trong nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông báo hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký hiệp ước Cam kết Methane toàn cầu nhằm giảm khí methane, tăng khoảng 50 quốc gia tham gia so với thời điểm sáng kiến này được công bố tại COP26 ở Scotland vào năm ngoái. Cam kết cắt giảm 30% khí methane gây hiệu ứng nhà kính trong thập kỷ này được xem là một tiêu chí quan trọng trong số các nỗ lực toàn cầu nhằm duy trì mức tăng nhiệt của Trái đất không vượt quá 1,5 độ C - ngưỡng nhiệt độ mà các nhà khoa học khuyến nghị cần phải duy trì để tránh những tác động tiêu cực nhất do biến đổi khí hậu. Sáng kiến sẽ bao gồm việc thu thập dữ liệu rủi ro về khí hậu, tăng cường hệ thống cảnh báo sớm, tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, cũng như giúp thu hút tài chính từ khu vực tư nhân.

Những cam kết quan trọng trên tại COP27 đã tạo bước đột phá cho nhân loại trên hành trình chống biến đổi khí hậu đầy thách thức. Thành quả đạt được sau Hội nghị này càng có ý nghĩa hơn, đặc biệt trong năm nay quá nhiều quốc gia đã phải chịu tác động cực đoan từ thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra như lũ lụt tại Pakistan, hạn hán ở Somalia. Sau cam kết, cộng đồng thế giới đang mong đợi các quốc gia, nhất là những nước phát triển bắt tay ngay vào hành động để bảo vệ hành tinh xanh trước khi quá muộn.

Nguồn: The Guardian
Nguồn: The Guardian

Những điều tiếc nuối

Mặc dù COP27 đã đạt được nhiều thỏa thuận đột phá, nhưng cũng để lại không ít sự tiếc nuối về những điểm còn bỏ ngỏ. Theo Chủ tịch COP26 Alok Sharma, so với kỳ họp trước, COP27 vẫn còn thiếu nhiều cam kết không có trong văn bản như: mục tiêu lượng khí thải đạt đỉnh trước năm 2025; việc loại bỏ từng bước sử dụng than đá không được đề cập tới; một cam kết rõ ràng về việc loại bỏ dần tất cả nhiên liệu hóa thạch; và những cam kết về chuyển đổi năng lượng trở nên mờ nhạt dần.

Hơn nữa, giới phân tích cho rằng, hiệu quả về điểm sáng lớn nhất tại hội nghị COP27 dường như không chắc chắn. Mặc dù văn bản đàm phán đã công nhận nhu cầu hỗ trợ tài chính từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng vẫn chưa có quyết định nào về việc ai sẽ nộp vào quỹ, số tiền này sẽ đến từ đâu và quốc gia nào sẽ được hưởng lợi. Vấn đề này là một trong những nội dung gây tranh cãi nhất trên bàn đàm phán. Do đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh riêng với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu trong năm tới.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, Hội nghị COP27 vẫn chưa thể thúc đẩy việc giảm mạnh khẩn cấp khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề cần thiết để ứng phó với tình trạng nóng lên trên toàn cầu. Ông nhấn mạnh rằng: “hành tinh của chúng ta vẫn đang trong tình cảnh nguy cấp". Chúng ta cần giảm mạnh ngay khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và đây là vấn đề mà COP27 chưa giải quyết được. Đại diện Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ thất vọng vì thỏa thuận cuối cùng của COP27 vẫn thiếu tham vọng về giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Phát biểu tại phiên bế mạc COP27, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), phụ trách chính sách khí hậu Frans Timmermans nhấn mạnh, những nỗ lực mới của các nước giàu có và cũng là những nước có phát thải lớn vẫn là chưa đủ để tăng cường và đẩy nhanh tiến độ giảm phát thải. Điều gây thất vọng cho giới phân tích là thỏa thuận tại COP27 không đi xa hơn so với thỏa thuận đã đạt được tại COP26 năm 2021 liên quan tới các vấn đề chủ chốt. Kết quả của COP27 thiếu tham vọng giảm khí thải, điều này cũng đồng nghĩa với việc thế giới đang mất nhiều thời gian quý báu trên hành trình tiến tới giới hạn tăng nhiệt trên Trái đất ở mức 1,5 độ C.

Như Ý