Nhiều bệnh dịch bủa vây châu Âu

- Thứ Ba, 11/10/2022, 06:23 - Chia sẻ

Tại Pháp, dịch sốt xuất huyết đang có nguy cơ gây bùng phát dịch lớn nhất chưa từng có, trong khi đó các quốc gia khác tại châu Âu cũng đang phải vật lộn với dịch cúm gia cầm nghiêm trọng.

Dịch bệnh nguy hiểm bùng phát

Tại tỉnh Provence, Pháp, các nhà khoa học đang phải tìm mọi cách để có thể ngăn chặn đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn nhất mà nước này từng phải đối mặt. Tình trạng muỗi vằn đang sinh sôi nhanh chóng trên khắp nước Pháp. Trong năm 2022, đã ghi nhận 63 người mắc bệnh sốt xuất huyết (đây là một loại virus cúm) trên 5 điểm lây truyền bệnh ở Pháp, vượt qua con số được ghi nhận ở nước này trong toàn thập kỷ qua. Trong khi đó cả năm 2020, nước này chỉ ghi nhận 14 ca nhiễm bệnh.

Nhà côn trùng học phụ trách kiểm soát muỗi vằn châu Á ở vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur Grégory L’Ambert cho biết, tình trạng lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết với tỷ lệ cao như vậy là chưa từng có tiền lệ tại quốc gia này. Do đó, các đợt bùng phát chứng minh một điều rằng muỗi vằn đang trở nên phổ biến hơn ở châu Âu do khí hậu đang nóng lên. Loài muỗi này trước giờ thường chỉ phổ biến ở châu Á. Cho đến năm nay, đợt bùng phát sốt xuất huyết lớn nhất đã từng được ghi nhận ở Pháp là đợt bùng dịch ở thành phố Nîmes, phía Đông Nam nước này vào năm 2015 với 8 ca bệnh. Phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận là các ca bệnh nhập khẩu từ các vùng lãnh thổ ở Tây Ấn hoặc ở Ấn Độ Dương hoặc do các du khách trở về Pháp từ châu Á và Nam Mỹ.

Tuy nhiên, vào mùa hè năm nay, cơ quan y tế của vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur đã phát hiện 31 ca nhiễm sốt xuất huyết tại địa phương. Sau đó, nước này tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp tại ổ dịch khác. Tờ The Telegraph cho biết, hiện các chuyên gia mặc đồ bảo hộ và được trang bị thuốc diệt côn trùng, ra khỏi nhà từ trước bình minh để tiến hành phun thuốc tại những điểm nóng mà muỗi sinh sôi. Họ đang nỗ lực hạn chế sự lây lan của một loại virus thường chỉ phổ biến ở châu Á và Nam Mỹ: virus sốt xuất huyết.

Trong khi đó, các quốc gia khác thuộc châu Âu cũng đang phải vật lộn với dịch cúm gia cầm nghiêm trọng chưa từng có tiền lệ. Theo hãng tin DW (Đức), dịch bệnh có thể đến từ bất cứ đâu, gió mang theo lông chim của những con vật đã nhiễm bệnh, chuột đụng phải phân chim nhiễm bệnh... tất cả những điều đơn giản như vậy đều có thể mang virus vào chuồng trại của người chăn nuôi gia cầm.

Bộ Nông nghiệp Pháp thừa nhận, nước này đang phải đối mặt với dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất từ trước đến nay và tình hình này vẫn chưa thể kiểm soát. Kể từ cuối tháng 11.2021 đến nay, Pháp đã buộc phải tiêu hủy hơn 13 triệu con gia cầm nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch bệnh, vốn được cho là do các loài chim hoang dã di cư mang tới. Số gia cầm bị tiêu hủy tăng đột biến sau khi virus gây dịch cúm xuất hiện tại các khu vực chăn nuôi gia cầm lớn nhất của nước Pháp. Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Pháp cho thấy, nước này đã ghi nhận 1.230 đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tại các trang trại chăn nuôi kể từ khi ổ dịch đầu tiên được phát hiện vào ngày cuối tháng 11.2021. Tốc độ lây nhiễm dịch bệnh trong gia cầm đã tăng hơn 10% chỉ trong vòng 8 ngày.

Sự lây lan của dịch cúm gia cầm khiến chính phủ của nhiều quốc gia lo ngại, không chỉ vì những tác động tới ngành chăn nuôi gia cầm, mà còn cả khả năng hạn chế lưu thông thương mại cũng như những rủi ro rằng căn bệnh này có thể lây truyền cho con người. Chủng virus cúm gia cầm H5N1 đã nhanh chóng lan rộng ở châu Âu trong những tháng gần đây. Không chỉ có nước Pháp, nhiều quốc gia khác ở châu lục này (trong đó điển hình là Italy) cũng đã phải tiêu hủy một lượng lớn gia cầm.

Cúm gia cầm lây lan chủ yếu qua phân của các loài chim hoang dã bị nhiễm bệnh. Virus H5N1 có độc lực cao, có thể khiến gia cầm mắc bệnh và chết, đồng thời có thể lây nhiễm sang các động vật khác như mèo, lợn và hổ. Tuy phần lớn trường hợp con người không bị mắc bệnh này nếu ăn phải thịt của gia cầm nhiễm virus, nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp, cúm gia cầm vẫn có thể lây nhiễm sang người có tiếp xúc gần với những con gia cầm bị bệnh. Mặc dù các nước đã áp dụng chặt chẽ các biện pháp vệ sinh nhưng dịch bệnh vẫn chưa dừng lại. Hiện nay, những người nông dân châu Âu hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề về mặt tài chính khi tất cả các nguồn thu nhập của mình đều mất trắng.

Nguồn: Financial Times
Nguồn: Financial Times

Mầm bệnh sinh sôi từ đâu?

Các chuyên gia cho biết, mùa hè ấm áp và sự phục hồi của ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 có thể góp phần khiến cho con số nhiễm sốt xuất huyết tại quốc gia châu Âu này trở thành kỷ lục. Bệnh sốt xuất huyết có thể được du nhập bởi những người đi du lịch, nhưng sự hiện diện phổ biến hơn của loài muỗi vằn gây ra bệnh này trong năm nay có nghĩa là dịch bệnh đã có thể tự tồn tại và lây nhiễm ở Pháp.

Người điều phối việc giám sát các bệnh do vector truyền tại Sante Publique France Marie-Claire Paty, cơ quan y tế quốc gia cho biết, với sự lây lan liên tục của muỗi, việc được đi du lịch lại sau hai năm bị hạn chế bởi đại dịch Covid-19 và khí hậu đặc biệt thuận lợi cho bệnh dịch vào mùa hè này, mọi thứ đều kết hợp lại để số ca nhiễm tăng vọt. Hơn nữa, các chuyên gia cũng cho biết thêm, sự phổ biến của loài muỗi vằn ở Pháp khiến cuộc sống của người dân đã trở nên cực kỳ khó khăn vào mùa thu năm nay. Trong vòng 4 - 5 năm nữa, cả nước Pháp sẽ sống chung với muỗi, và đó chỉ còn là vấn đề về thời gian thôi".

Trong khi đó, sự lây lan của bệnh cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) là mối lo ngại đối với các chính phủ và ngành chăn nuôi gia cầm do sự tàn phá mà nó có thể gây ra đối với đàn gia cầm cũng như khả năng bị hạn chế buôn bán và nguy cơ bệnh dịch lây truyền sang người. Theo một báo cáo tổng quan chung của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), một số lượng lớn các đợt bùng phát chưa từng có đã được ghi nhận ở các loài chim hoang dã và gia cầm trong mùa hè này, gây ra cái chết hàng loạt cho các đàn chim biển sinh sản trên bờ biển Đại Tây Dương

Cúm gia cầm thường tấn công động vật vào những tháng mùa thu và mùa đông. Bệnh dịch được lây truyền qua phân của chim hoang dã di cư bị nhiễm bệnh hoặc do động vật tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, quần áo và những đồ dùng nhiễm bệnh. Khi cuộc di cư vào mùa thu bắt đầu và số lượng chim hoang dã trú đông ở châu Âu tăng lên, chúng có nguy cơ bị nhiễm virus HPAI cao hơn những năm trước do sự tồn tại của virus này đang diễn ra ở châu Âu. Hiện nay, dịch bệnh này đang được báo động đỏ khi nó đã ảnh hưởng tới tổng cộng 37 quốc gia châu Âu, đây là phạm vi bị ảnh hưởng trên địa lý lớn nhất được ghi nhận, và virus này đã vượt Đại Tây Dương theo đường chim di cư, gây ra một đợt bùng dịch nghiêm trọng ở gia cầm tại một số khu vực ở Canada và Mỹ.

Nguy cơ bùng phát dịch kéo dài

Cho đến nay, chưa ghi nhận các trường hợp mắc sốt xuất huyết tại các địa phương nào khác ở châu Âu. Cơ quan y tế quốc gia cảnh báo, Pháp không tránh khỏi tình trạng tăng đột biến số lượng lớn các trường hợp nhiễm bệnh nhập khẩu từ nước ngoài. Đặc biệt, khi các sự kiện thể thao như World Cup bóng bầu dục năm 2023 và Thế vận hội Olympic Paris năm 2024 sẽ có thể khiến số ca bệnh ở Pháp tăng vọt.

Trong khi đó, đối với dịch cúm gia cầm, Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) cho hay, châu lục này đang trải qua cuộc khủng hoảng cúm gia cầm tệ nhất từ trước tới nay với gần 50 triệu gia cầm bị tiêu hủy và sự tồn tại của virus trong suốt mùa hè đã làm tăng nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng vào mùa đông tới. Trong những năm qua, dịch cúm gia cầm sẽ giảm khi thời tiết ấm hơn và các loài chim hoang dã dừng quá trình di cư vào mùa thu và mùa đông. Tuy nhiên, hiện nay, các đợt bùng phát vẫn tiếp tục xảy ra trên khắp nước Anh và các nơi khác ở châu Âu vào mùa hè, dẫn đến lo ngại rằng các biến thể độc lực cao của cúm gia cầm hiện vẫn có trong các loài chim hoang dã, tạo ra nguy cơ lây nhiễm trong cả năm.

Từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay, số lượng bùng phát bệnh dịch ở các loài chim đã được thuần hóa cao hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia cho biết, hiện nay tất cả các loại chim đều đã bị nhiễm bệnh, điều này khiến cho virus vẫn còn lây lan. Các chuyên gia về dịch bệnh chỉ ra, các đợt bùng phát có thể tồi tệ hơn vào mùa đông năm nay.

Như Ý