50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp

Mối quan hệ sâu sắc và thực chất hơn nhiều những con số

- Thứ Sáu, 27/01/2023, 06:58 - Chia sẻ

2023 là năm đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp. Hai nước sẽ cùng nhau kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và tròn 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Nhân dịp đầu năm mới cũng là khởi đầu cho những sự kiện kỷ niệm, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery đã có những chia sẻ chân tình với Báo Đại biểu Nhân dân về dấu mốc đặc biệt này.

Mối quan hệ sâu sắc và thực chất hơn nhiều những con số -1
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery. Nguồn: Đại sứ quán Pháp

Mối quan hệ “dài” hơn 50 năm

- Pháp là một trong số những nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ rất sớm (năm 1973) và vào thời điểm đó, Paris cũng là nơi diễn ra các cuộc đàm phán giữa các phái đoàn Việt Nam với Mỹ. Có thể nói mối quan tâm của Pháp đối với Việt Nam và khu vực được định hình từ rất sớm, thưa ngài Đại sứ?

- Lịch sử chung của chúng ta đương nhiên lâu đời hơn nhiều so với việc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Và mối quan hệ của chúng ta “dài” hơn con số 50 năm. Pháp đã quan tâm đến khu vực này từ thế kỷ XIX. Nhiều thứ khiến ta nhớ lại lịch sử này hàng ngày, dù trên đường phố Hà Nội nơi chúng ta thấy những ngôi biệt thự từ thời Pháp hay ta vẫn nghe những từ tiếng Pháp hay những từ bắt nguồn từ tiếng Pháp; hay trên đường phố Paris, nơi có đông đảo cộng đồng người gốc Việt sinh sống, nơi ẩm thực Việt Nam thu hút đám đông, và nơi các nghệ sĩ gốc Việt tập trung ở các hiệu sách, phòng hòa nhạc và rạp chiếu phim.

Do đó, Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử và trong trái tim của nước Pháp và người Pháp, và Pháp đã dành một sự quan tâm hết sức đặc biệt đối với Việt Nam và các nước láng giềng. Không phải ngẫu nhiên mà các Hiệp định hòa bình giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được thảo luận và sau đó được ký kết tại Paris vào năm 1973.

Không thể phủ nhận rằng quá khứ của chúng ta đã được đánh dấu bằng những thời điểm khó khăn, chẳng hạn như cuộc chiến từ năm 1946 đến năm 1954, nhưng như Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher đã nói trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12.2022: “chúng ta chỉ giữ lại những gì tốt đẹp nhất và những gì cho phép chúng ta cùng tiến lên, cùng nhau xây dựng - đây là kỳ tích chung của Việt Nam và Pháp”. Trao đổi của chúng tôi với các cơ quan Việt Nam khẳng định mong muốn kiên định của chúng tôi tiếp tục tiến lên phía trước, trong những hoạt động hợp tác cụ thể, đáp ứng các ưu tiên chung.

- Nhìn lại 50 năm qua, xin Ngài đánh giá về những cột mốc đáng nhớ cũng như những thành tựu quan trọng trong mối quan hệ song phương, đặc biệt là trong 10 năm hai nước nâng cấp mối quan hệ lên “đối tác chiến lược”?

- Để viết hết về lịch sử quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta thì phải tốn rất nhiều giấy mực và thời gian, vì mối quan hệ này hết sức dày đặc và hiệu quả. Nếu chỉ phải ghi nhớ bốn mốc thời gian quan trọng nhất, trước tiên tôi sẽ nói về chuyến thăm của Tổng thống François Mitterrand tới Việt Nam vào năm 1993, sắp tới sẽ được 30 năm. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Nguyên thủ quốc gia phương Tây tới Việt Nam kể từ khi Việt Nam giành được độc lập, và là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy tham vọng của Pháp và Việt Nam nhằm nối lại mối quan hệ, trong bối cảnh Đổi mới, và đưa Việt Nam trở lại hòa nhập với các quốc gia, tại một thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn.

Chuyến thăm này đã tạo điều kiện để bắt đầu một giai đoạn quan trọng cho việc khởi động các lĩnh vực hợp tác mới. Tiếp nối chuyến thăm này, trong những năm tiếp theo (1993 - 1995), đó là việc mở văn phòng của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ngày nay để hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là cơ sở hạ tầng; Trường Viễn Đông Pháp (EFEO), động lực thúc đẩy các dự án chung trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nhân văn; bổ nhiệm tùy viên quốc phòng, nhằm phát triển quan hệ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng vào thời điểm mà những vấn đề này đã trở nên quan trọng. Tiếp theo đó là các cơ quan khác, chẳng hạn như Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD), nơi tiên phong các dự án nghiên cứu Pháp - Việt trong các lĩnh vực có tầm quan trọng lớn như môi trường.

Giai đoạn sau đó được đánh dấu bằng sự gia tăng các chuyến thăm chính trị cấp cao, trong đó có các chuyến thăm của Tổng thống Jacques Chirac vào năm 1997 và 2004 và Tổng thống François Hollande vào năm 2016, giúp tăng cường hợp tác và khởi xướng các dự án mới đã đạt được nhiều thành công,  như các dự án liên kết đại học trong khoa học và công nghệ (USTH), quản lý (CFVG) hay đào tạo kỹ sư (PFIEV). Tôi có thể kể ra nhiều lĩnh vực khác: giáo dục, nghiên cứu, y tế, môi trường, thương mại, văn hóa, di sản, quản trị, luật pháp... Những năm 2000 - 2010 được đánh dấu bằng việc củng cố mối quan hệ mà điểm nhấn là việc hai nước nâng cấp lên mối quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013.

Việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013 không chỉ phản ánh một mối quan hệ chặt chẽ được xây dựng và thúc đẩy trong nhiều thập kỷ trước đó, mà còn thể hiện mong muốn và quyết tâm của hai bên đưa quan hệ song phương phát triển vượt bậc hơn, sâu rộng hơn với một tầm nhìn lâu dài, vững chắc. Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp từ đó thực sự đã có những bước triển khai cụ thể, đa dạng trên nhiều lĩnh vực.

Hai nước duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về cả chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp. Hàng loạt các thỏa thuận, hiệp định làm cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực đã được ký kết. Các chuyến thăm chính thức Pháp tháng 3.2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tháng 4.2019 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng như chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tháng 11.2018 và việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi thư chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII, mới gần đây nhất là chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 11.2021; và chuyến thăm Việt Nam ngay đầu tháng 12.2022 của Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher.

Về kinh tế, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD tính từ năm 1993. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019. Đã và đang có hơn 300 doanh nghiệp Pháp hoạt động trong rất nhiều ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đang có những doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam đã và đang triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Pháp.

Hai nước có nhiều chương trình trao đổi và hợp tác đào tạo đại học và sau đại học phong phú và đa dạng với hàng trăm thỏa thuận đã được ký kết giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu hai bên. Hiện có khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Pháp.

Hai năm 2020 và 2021 vừa qua cũng là những thời điểm then chốt minh chứng cho mối quan hệ bền chặt giữa hai nước.

Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi mặt đời sống của người dân trên khắp thế giới. Tuy nhiên, Pháp và Việt Nam vẫn duy trì các mối quan hệ đã có thông qua trao đổi, tiếp xúc dưới nhiều hình thức như điện đàm, thư tín hoặc các cuộc gặp gỡ song phương; trong đó, đặc biệt là chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11.2021.

Cũng trong giai đoạn này, sự ủng hộ của Pháp đối với các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam có ý nghĩa quyết định để hiệp định này được ký kết và có hiệu lực vào năm 2020. Sự hỗ trợ của Việt Nam là rất quan trọng trong việc giúp Pháp trở thành Đối tác Phát triển của ASEAN trong cùng năm đó.

Pháp cũng duy trì kênh trao đổi giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là đối tượng du học sinh. Từ mùa hè năm 2020, chúng tôi đã nối lại việc cấp visa cho sinh viên Việt Nam sang du học tại Pháp; tăng cường số lượng học bổng dành cho sinh viên Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai những dự án hợp tác song phương; trong đó có Dự án tuyến metro số 3 tại Hà Nội hay các dự án trong lĩnh vực biến đổi khí hậu có sự tham gia của Cơ quan phát triển Pháp (AFD). Các chuyến thăm của tàu tuần dương của hải quân Pháp sang Việt Nam vẫn được duy trì. Ngoài ra, nhiều dự án được triển khai trong các lĩnh vực mới như bảo tồn di sản và tăng cường việc giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam.

Mặc dù trải qua một giai đoạn khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đây cũng là dịp Việt Nam và Pháp thể hiện tình hữu nghị, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Tinh thần đó được thể hiện qua các đợt viện trợ khẩu trang của Việt Nam cho Pháp vào năm 2020 cũng như gói viện trợ vaccine của Pháp cho Việt Nam thông qua các kênh hợp tác song phương và cơ chế COVAX trong các năm 2021 - 2022.

Việt Nam và Pháp cũng ngày càng hợp tác chặt chẽ trong việc ứng phó với các vấn đề toàn cầu và các thách thức khu vực đang đặt ra, từ thách thức môi trường đến an ninh. Pháp vẫn là một trong những nước cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất cho Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển bền vững như giao thông, năng lượng, khí hậu và môi trường. Cơ chế Đối thoại chiến lược Quốc phòng vẫn được duy trì phát huy hiệu quả với nội dung trao đổi thực chất, không chỉ về các vấn đề an ninh truyền thống mà còn mở rộng đến lĩnh vực an ninh phi truyền thống như tác chiến không gian mạng… Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào các diễn đàn đa phương do Pháp khởi xướng như Diễn đàn Paris về Hòa bình và bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ nghĩa đa phương và các sáng kiến về hòa bình của Pháp. Hai nước cũng duy trì các trao đổi về nhiều vấn đề an ninh khu vực, có sự đồng quan điểm về tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982...

Thực chất hóa mối quan hệ hợp tác

- Trong số các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, theo Đại sứ, lĩnh vực nào là thế mạnh và lĩnh vực nào còn nhiều dư địa mà hai nước cần phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác?

- Chúng ta có nhiều hoạt động hợp tác rất hiệu quả, tương tự như mối quan hệ chính trị của chúng ta - chẳng hạn như hợp tác trong lĩnh vực y tế hoặc phát triển bền vững. Trong những trường hợp khác, chúng ta có sự hợp tác mạnh mẽ có thể đối mặt với những thách thức. Đối với tôi, có hai thách thức đặc biệt quan trọng hiện nay để cho phép tăng cường mối quan hệ song phương của chúng ta.

Mối quan hệ sâu sắc và thực chất hơn nhiều những con số -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện CH Pháp Gérard Larcher và đại biểu thực hiện nghi thức khởi động các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, ngày 8.12.2022. Ảnh: Lâm Hiển

Trước tiên, Pháp và Việt Nam đã kỷ niệm 30 năm quan hệ quốc phòng vào năm 2021 và trong tuyên bố chung vào cuối năm 2021, Thủ tướng của hai nước đã lưu ý cần tạo động lực mới cho khía cạnh này của quan hệ đối tác chiến lược song phương. Pháp sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thông qua các dự án cơ cấu trong lĩnh vực quốc phòng, điều này cũng sẽ giúp tăng cường quan hệ đối tác của chúng ta và khẳng định mức độ tin cậy lẫn nhau giữa hai nước chúng ta. Khi Việt Nam đảm nhận những trách nhiệm ngày càng tăng trên trường quốc tế và trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược trọng yếu, việc tăng cường hợp tác giữa hai nước chúng ta trong lĩnh vực này đang trở thành một ưu tiên.

Tiếp theo, chúng ta phải phát triển và tái cân bằng trao đổi thương mại của mình. Trao đổi này gia tăng liên tục (gần 7 tỷ EUR vào năm 2021) nhưng vẫn quá mất cân bằng, trong khi nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ có nguồn gốc từ Pháp không hề giảm ở Việt Nam. Việc thực hiện đầy đủ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu sẽ cho phép giải phóng tiềm năng thương mại, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nông nghiệp hoặc dược phẩm. Do đó, mục tiêu đặt ra là rất rõ ràng: đạt được các bước tiến trong tiếp cận thị trường, loại bỏ các hàng rào phi thuế quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Năm 2023, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, sẽ được đánh dấu bằng các sự kiện cho phép chúng ta tăng cường hợp tác. Ví dụ, Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị lần thứ 12 về hợp tác phi tập trung vào tháng 4. Hợp tác phi tập trung là trụ cột cơ bản của mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. Những hoạt động hợp tác này dẫn đến những thành tựu cụ thể, như hợp tác giữa Hà Nội với vùng Ile de France và vùng đô thị Toulouse, để khôi phục một số khu phố lịch sử hoặc quản lý phát triển đô thị, nhằm tạo ra một thành phố có môi trường sống tốt hơn cho người dân, hoặc Lào Cai với Vùng New Aquitaine, vì mục tiêu du lịch bền vững, bảo vệ môi trường hoặc dạy tiếng Pháp. Chúng ta phải nỗ lực để tăng cường những trao đổi này, vốn cũng rất phong phú trong lĩnh vực đại học và y học.

Chia sẻ lợi ích về một môi trường hòa bình, ổn định

- Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nằm ở vị trí nào trong chính sách đối ngoại của Pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?

- Với diện tích biển rộng 11 triệu kilomet vuông, lớn thứ hai thế giới, với gần hai triệu công dân ở hải ngoại và trong khu vực, Pháp là quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chúng tôi có lợi ích thực sự, cùng chia sẻ với Việt Nam đối với ổn định và hòa bình trong khu vực, và chúng tôi mong muốn đóng góp tích cực vào đó. Đây là toàn bộ ý nghĩa của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được các cơ quan của Pháp và gần đây là Liên minh châu Âu thông qua.

Tuy nhiên, thách thức là rất nhiều, và chúng ta cần tới quan hệ đối tác chiến lược Pháp - Việt để đối mặt với những thách thức đó. Pháp và Việt Nam chia sẻ nhiều nguyên tắc - tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, đối thoại và chủ nghĩa đa phương - là những kim chỉ nam trong quan hệ quốc tế. Trước tình hình chiến tranh ở Ukraine hiện nay, cũng như trước những căng thẳng thường xuyên xảy ra ở Biển Đông, trên bán đảo Triều Tiên và nhiều nơi khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Việt Nam và Pháp mong muốn hợp tác với nhau, trên cơ sở các nguyên tắc chung và hành vi có trách nhiệm của mình.

Ngoài những vấn đề chiến lược thiết yếu này, thách thức chính trước mắt chúng ta là biến đổi khí hậu. Không quốc gia nào không bị tác động bởi biến đổi khí hậu, nhưng Việt Nam đang phải chịu tác động nặng nề: đồng bằng châu thổ bị sụt lún, xói lở bờ biển, lũ lụt hoành hành, mùa màng bị tàn phá... Chúng ta phải cùng nhau nỗ lực tập thể để hạn chế quy mô của biến đổi khí hậu và đối mặt với những hậu quả của nó. Pháp sát cánh cùng Việt Nam vì điều này và đây là một yếu tố trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chúng tôi bao gồm khía cạnh này về khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ sự đa dạng... Pháp cũng là một trong những quốc gia G7 mà Việt Nam vừa thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng.

Năm tôn vinh sức mạnh và sự đa dạng của quan hệ hợp tác

- Việt Nam và Pháp sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Đại sứ có thể giới thiệu những hoạt động cụ thể trong chương trình này và đâu sẽ là điểm nhấn trong các hoạt động kỷ niệm?

- Các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam sẽ diễn ra trong suốt năm 2023. Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP. Hồ Chí Minh và toàn bộ các tác nhân trong mạng lưới ngoại giao Pháp tại Việt Nam dự kiến một chương trình dày đặc sự kiện trên khắp Việt Nam và bao gồm nhiều chủ đề khác nhau. Trên thực tế, chúng ta đã bắt đầu một năm mới sớm vài tuần với một số sự kiện được đặt dưới hoạt động kỷ niệm 50 năm, trong đó có một cuộc triển lãm sinh động về lịch sử của cây cầu Long Biên do Trường Viễn Đông Pháp và Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Việt Nam tổ chức.

Trong năm 2023, các sự kiện của chúng ta sẽ rất phong phú, bao gồm một số lĩnh vực như nghệ thuật, với dự án liên hoan nhiếp ảnh Photo Hanoi 2023; di sản với màn trình diễn âm thanh, ánh sáng độc đáo tại Kinh thành Huế và khánh thành Nhà công viên Cúc Phương mới tại Ninh Bình; khoa học, với Diễn đàn Đổi mới cho các ngành nghề của tương lai và chu kỳ hội thảo cấp cao tại các trường đại học uy tín ở Việt Nam; nghệ thuật sống với chương trình dành riêng cho ẩm thực, thời trang và thiết kế tại TP. Hồ Chí Minh, lễ hội ẩm thực "Balade en France" tại Hà Nội; không thể không kể đến nhiều sự kiện kinh tế như Diễn đàn đại diện doanh nghiệp khu vực tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 3, chuyến công tác của một phái đoàn doanh nghiệp vào đầu năm 2023…

Hoạt động kỷ niệm này cũng là cơ hội quý giá để tôn vinh sức mạnh và sự đa dạng trong hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, trên tất cả các lĩnh vực của quan hệ đối tác chiến lược: thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, y tế, giáo dục, nghiên cứu, nông nghiệp, quản trị, văn hóa, di sản… Nhưng trên hết, đó là cơ hội để hiểu và làm nổi bật tất cả những điểm chung của người Pháp và người Việt Nam, tất cả những gì chúng ta chia sẻ - và đó là lý do tại sao hai nước chúng ta đã đặt hoạt động kỷ niệm này dưới biểu ngữ tượng trưng, đó là "văn hóa sẻ chia".

- Xin cảm ơn Đại sứ!

Quỳnh Lan thực hiện
#