COP27:

Lần đầu tiên “bồi thường cho nước nghèo” được đưa lên bàn nghị sự

- Thứ Ba, 08/11/2022, 06:27 - Chia sẻ

Các đại biểu từ gần 200 quốc gia đã khởi động Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 27 (COP27) tại Ai Cập với một thỏa thuận sẽ đưa lên bàn nghị sự chủ đề "bồi thường cho các quốc gia nghèo chịu thiệt hại do tình trạng nóng lên toàn cầu gây ra bởi các nền kinh tế phát thải hàng đầu thế giới". Như vậy, đây là lần đầu tiên, chủ đề gây tranh cãi này được đưa ra thảo luận kể từ khi có các cuộc đàm phán về khí hậu bắt đầu cách đây nhiều thập kỷ.

Việc các nước nhất trí về chủ đề nhạy cảm này đã giúp tạo ra một không khí mang tính xây dựng cho Hội nghị thượng đỉnh COP27 tại thị trấn nghỉ mát ven biển Sharm el-Sheikh, Ai Cập, nơi các Chính phủ hy vọng duy trì mục tiêu ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất từ sự nóng lên của hành tinh ngay cả khi một loạt các cuộc khủng hoảng - từ tình hình chiến sự ở châu Âu đến tình trạng lạm phát tràn lan - đang đánh lạc hướng mối quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Chấp nhận thảo luận - là một thành công

Trong hơn một thập kỷ, các quốc gia giàu có luôn từ chối mọi cuộc thảo luận chính thức về những gì được gọi là mất mát và thiệt hại (“loss and damage”), thuật ngữ được sử dụng để mô tả việc các quốc gia giàu có phải chi tiền giúp các nước nghèo đối phó với hậu quả của tình trạng nóng lên toàn cầu mà họ ít phải chịu trách nhiệm trong khi các nước giàu mới là "thủ phạm" chính.

Tại COP26 năm ngoái ở Glasgow, Anh quốc, các nền kinh tế có thu nhập cao, gồm Mỹ và Liên minh châu Âu đã tìm cách ngăn chặn đề xuất về một cơ chế chịu trách nhiệm bồi thường cho những “tổn thất và thiệt hại” của các nước nghèo, thay vào đó, họ ủng hộ một cuộc đối thoại kéo dài 3 năm để thảo luận về việc tài trợ.

Tuy nhiên, áp lực giải quyết vấn đề gia tăng khi thiên tai, địch họa gây ra những thiệt hại ngày càng nghiêm trọng. Gần đây nhất là tình trạng lũ lụt ở Pakistan gây thiệt hại kinh tế hơn 30 tỷ USD và khiến hàng trăm nghìn người mất nhà cửa. Cung cấp sự giúp đỡ sau cơn bão hoặc lũ lụt có thể giống như viện trợ nước ngoài khá tiêu chuẩn. Nhưng khi đúc kết lại hậu quả của những thiên tai đó như một vấn đề trách nhiệm và bồi thường mà các nước giàu phải có, thay vì sự “ban ơn” cho nước nghèo, đã trở nên gây tranh cãi hơn nhiều. Công nghệ hiện nay cho phép các nhà khoa học định lượng vai trò của tình trạng phát thải khí nhà kính trong một thảm họa cụ thể và do đó, đã chỉ ra những con số khổng lồ mà các nước phát thải lớn có thể phải chịu trách nhiệm.

"Việc đưa vào chương trình nghị sự chủ đề này phản ánh tinh thần đoàn kết của cộng đồng quốc tế đối với các nạn nhân của thảm họa khí hậu", Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry phát biểu tại phiên khai mạc. Ông nói thêm rằng, quyết định này đã tạo ra "một không gian ổn định về mặt thể chế" để thảo luận về việc bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại, và các cuộc đàm phán nhằm đưa ra một quyết định chính xác "không thể muộn hơn năm 2024".

Cơ quan nghiên cứu môi trường có trụ sở tại Bangladesh, Trung tâm Quốc tế về Biến đổi Khí hậu và Phát triển cho biết, đây là "tin tốt" khi “mất mát và thiệt hại” đã chính thức nằm trong chương trình nghị sự. Saleemul Huq, người đóng vai trò cố vấn Nhóm “V20” gồm 58 quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu, cho biết: “giờ đây, các nước mới thực sự hành động để chỉ ra việc bồi thường là một trách nhiệm hiển nhiên”.

Cổng chính vào trung tâm hội nghị COP27 tại Ai Cập. Ảnh: AFP
Cổng chính vào trung tâm hội nghị COP27 tại Ai Cập
 Ảnh: AFP

Hành trình vô cùng thách thức

COP là viết tắt của "Hội nghị của các Bên" (Conference of the Parties) nghĩa là những quốc gia đã ký kết các Hiệp định khí hậu của Liên Hợp Quốc trước đây. Diễn ra từ ngày 6 - 18.11 tại thị trấn nghỉ mát Sharm el-Sheikh bên bờ Biển Đỏ, Ai Cập, COP27 nhằm mục đích xây dựng thỏa thuận khí hậu Glasgow được khởi động tại Hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, cũng như Thỏa thuận Paris năm 2015. Các cuộc thảo luận tại COP27 sẽ xoay quanh 4 chủ đề chính: giảm thiểu, thích ứng, tài chính và hợp tác.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sẽ "vô cùng thách thức", đó là nhận định của chuyên gia Harjeet Singh, người đứng đầu chiến lược chính trị toàn cầu tại Mạng lưới Hành động Khí hậu phi lợi nhuận quốc tế. Vấn đề có thể làm gia tăng căng thẳng ngoại giao vốn đã kéo dài bởi cuộc chiến của Nga với Ukraine, giá năng lượng tăng cao và nguy cơ suy thoái kinh tế do lạm phát gây ra.

Trong khi đó, cho đến nay, các cuộc đàm phán về khí hậu luôn được khởi động dưới một đám mây hoài nghi rằng các Chính phủ trên thế giới hành động chưa đủ để giải quyết tình trạng ấm lên toàn cầu.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố tuần trước cho thấy lượng khí thải toàn cầu đang trên đà tăng 10,6% vào năm 2030 so với mức năm 2010. Các nhà khoa học cho biết lượng khí thải đó phải giảm 43% vào thời điểm năm 2030 để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp như mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015 - ngưỡng mà biến đổi khí hậu có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát.

Các quốc gia giàu có cũng đang hoạt động kém hiệu quả với lời hứa cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 để giúp các nước đang phát triển cắt giảm lượng khí thải CO2 và thích ứng với biến đổi khí hậu, chẳng hạn bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng để bảo vệ nguồn cung cấp nước uống khỏi nước biển dâng.

Và nhiều quốc gia, gồm Mỹ và các thành viên EU, đang kêu gọi tăng cường cung cấp nhiên liệu hóa thạch để giúp hạ giá năng lượng tiêu dùng, một xu hướng có nguy cơ trì hoãn sự chuyển dịch toàn cầu sang năng lượng sạch.

Bất chấp động lực gia tăng để giải quyết tổn thất và thiệt hại do sự gia tăng của các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra, COP27 phải đối mặt với khó khăn trong việc huy động tiền mặt - với ngân sách của các Chính phủ phương Tây cạn kiệt do chi tiêu khổng lồ để bảo vệ công dân của họ khỏi suy thoái kinh tế của cuộc chiến ở Ukraine.

Cho đến nay, chỉ có hai quốc gia nhỏ cung cấp tài trợ cho những tổn thất và thiệt hại. Đan Mạch cam kết chi 13 triệu USD và Scotland cam kết 2,28 triệu USD. Để so sánh, một số nghiên cứu cho thấy thiệt hại liên quan đến khí hậu có thể lên tới 580 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.

Bên trong các cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc trong tuần này, các quốc đảo nhỏ - nơi dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu đã chứng kiến ​​họ đóng vai trò quá lớn trong các cuộc đàm phán trước đây - sẽ thúc đẩy một đề xuất về một "quỹ ứng phó" do Liên Hợp Quốc tổ chức để tập hợp và phân phối tiền cho các quốc gia bị thảm họa tàn phá. Trong khi đó, nhiều nước tìm kiếm một giải pháp bên ngoài các cuộc đàm phán chính thức của Liên Hợp Quốc, nơi họ cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần có sự chấp thuận nhất trí của tất cả các nước và tiến độ có thể bị chậm một cách đáng kinh ngạc.

Nhóm “V20” gồm 58 quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu và Nhóm 7 quốc gia giàu có sẽ khởi động “lá chắn toàn cầu” để tăng cường tài chính bảo hiểm và phòng chống thiên tai. Đức dự kiến ​​sẽ cam kết chi tiền cho chương trình này.

Alex Scott, chuyên gia ngoại giao khí hậu tại think tank E3G, cho biết: “điều cần thiết là một bức tranh mà các phương pháp tiếp cận sẽ là những mảnh ghép hài hòa. Ông Scott cho biết điều này cũng nên bao gồm việc khắc phục các vấn đề mà các quỹ khí hậu hiện có của Liên Hợp Quốc đang đối mặt như tình trạng sự chậm trễ kéo dài nhiều năm trong việc giải ngân tài chính và các quy trình ứng dụng phức tạp khiến một số nước nghèo không thể tiếp cận sự hỗ trợ.

Quốc Đạt