Kỳ vọng và thách thức trước thềm COP27

- Thứ Bảy, 29/10/2022, 06:31 - Chia sẻ

Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước thành viên với tổng lượng khí phát thải đứng thứ 3 trên thế giới nỗ lực huy động các quốc gia phát thải chính đề ra những mục tiêu tham vọng hơn trong các hành động khí hậu. Dư luận quốc tế kỳ vọng các nước, đặc biệt là các nước phát triển, sẽ nâng cam kết hành động tại Hội nghị cấp cao lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27).

Ai Cập, với tư cách là chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27) cho biết, hội nghị lần này sẽ giải quyết mối quan tâm của toàn thế giới về khí hậu, bao gồm quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, song hiện vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình này.

Cần giải quyết những bất công về khí hậu

Các hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch, công nghiệp hóa và phát thải khí nhà kính đã diễn ra chủ yếu ở một số ít các quốc gia tương đối giàu có. Các quốc gia “có thu nhập cao” này là nguyên nhân gây ra 44% lượng khí thải CO2 tích luỹ từ khai thác và sản xuất nhiên liệu hóa thạch, sử dụng đất và lâm nghiệp kể từ thời tiền công nghiệp. Theo một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học quốc gia Mỹ, các thành viên của G20 chiếm khoảng 80% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, sẽ không thể đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon năm 2030 theo các chính sách năng lượng và khí hậu hiện hành. Trên thực tế, lượng khí thải từ G20 với tư cách là một nhóm dự kiến sẽ tăng tới 0,6% mỗi năm từ năm 2021 đến năm 2030.

Bên cạnh đó, nếu giảm thiểu nhằm ngăn chặn môi trường thay đổi, thì thích ứng tìm cách giúp con người sống trong một môi trường bị thay đổi. Việc thích ứng chủ yếu được đẩy nhanh ở các nước thu nhập cao, trong khi các nước thu nhập thấp thường thiếu nguồn lực để đưa ra các biện pháp và sáng kiến thích ứng. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính rằng, chi phí thích ứng sẽ trong khoảng từ 140 - 300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 và từ 280 - 500 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050. Song, việc cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm hiện nay cho cả giảm nhẹ và thích ứng vào năm 2030 rõ ràng là không đủ để giải quyết các tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, sự phân bổ giữa giảm nhẹ và thích ứng cũng khác nhau: các sáng kiến giảm nhẹ nhận được tỷ lệ hỗ trợ tài chính khí hậu lớn nhất thông qua các kênh song phương, ở mức 65%, trong khi tài trợ cho thích ứng chỉ chiếm 20 - 25% dòng tài chính cho khí hậu. Tất cả những thách thức này phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại COP27 và các nước phát triển phải đưa ra các hướng dẫn cụ thể liên quan đến huy động, tìm nguồn lực, quản trị và thực thi các quỹ tài trợ cho khí hậu.

Một vấn đề nữa, các cộng đồng và các vùng nghèo khó luôn bị tổn thương đầu tiên, và phải đối mặt với các tác động không cân xứng từ biến đổi khí hậu. Những tác động này dưới dạng những tổn thất hữu hình có thể được sửa chữa hoặc phục hồi, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng, tài sản hoặc di tích lịch sử và những tác động vô hình, như tổn thất không thể cứu vãn được về nhân mạng, đa dạng sinh học, kiến thức hoặc văn hóa bản địa và sức khỏe suy thoái. Tổn thất và thiệt hại khác với các biện pháp thích ứng ở chỗ chúng nên được chấp nhận khi các biện pháp thích ứng không thành công trong việc giải quyết các tác động khí hậu không thể đảo ngược. COP27 sẽ là thời điểm quan trọng để giải quyết “ba bất bình đẳng” về giảm thiểu, thích ứng và trách nhiệm theo cách tạo ra các cam kết rõ ràng và các thỏa thuận ràng buộc với mục tiêu cuối cùng là tạo ra một cơ chế về khí hậu của Liên Hợp quốc, trong đó toàn thế giới đoàn kết với các cộng đồng dễ bị tổn thương và cố gắng giải quyết những bất công về khí hậu.

Nguồn: Euro News
Nguồn: Euro News

Kỳ vọng cao song song với thách thức lớn

Trong văn bản công bố sau hội nghị các bộ trưởng khí hậu EU tại Luxembourg hôm 24.10, các nước thành viên Liên minh Cờ xanh kêu gọi tăng cường nỗ lực toàn cầu để đạt được các mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trước đó,  Ai Cập đã đưa ra 5 chiến lược bên lề COP26, bao gồm thúc đẩy quản trị hành động với biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế bền vững, tăng cường thích ứng và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.

Mục tiêu hiện tại của EU là giảm 55% mức phát thải ròng vào năm 2030, so với mức phát thải năm 1990 và giới chức EU cam kết sẽ nâng mục tiêu sớm nhất có thể. Hơn nữa, EU đã nhất trí ủng hộ đưa vấn đề tổn thất và thiệt hại vào chương trình nghị sự của COP27, thảo luận về các biện pháp bồi thường liên quan những thiệt hại vì lũ lụt, nước biển dâng và những tác động khác do biến đổi khí hậu gây ra với các nước nghèo nhất trên thế giới. Trong nhiều năm qua, đây vẫn là nội dung gây nhiều tranh cãi và việc các bộ trưởng EU nhất trí đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của COP27 có thể được coi là bước đột phá. Nhiều quốc gia đã đề xuất COP27 nên thiết lập một quỹ hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như Pakistan, quốc gia Nam Á hứng chịu lũ lụt lịch sử khiến hơn 1.700 người thiệt mạng trong năm nay, và các nước vùng Sừng châu Phi, nơi hứng chịu các đợt hạn hán kinh hoàng. Ai Cập cũng tuyên bố sẽ nói lên nguyện vọng của châu Phi và khẳng định rằng, châu lục này không chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng khí hậu, song phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực nhất trên các mặt trận kinh tế, xã hội, an ninh và chính trị.

Tại hội nghị sắp tới, các nước khu vực Mỹ Latin và Caribe cũng dự kiến sẽ tìm kiếm các khoản bồi thường thiệt hại từ thiên tai, bởi dù phát thải ở mức thấp, song khu vực này lại nằm trong số những nạn nhân chịu tổn hại nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Vào năm 2009, các nước giàu lần đầu đưa ra cam kết đóng góp khoản tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho quỹ cứu trợ khí hậu, nhằm giúp các nước nghèo giảm phát thải và thích ứng biến đổi khí hậu, nhưng đến nay mục tiêu này vẫn bị bỏ lỡ. Tại COP26, diễn ra ở Anh năm 2021, các nước thừa nhận khó đạt được mục tiêu này trước năm 2023. Trong văn bản mới nhất trí sau hội nghị tại Luxembourg, các bộ trưởng khí hậu EU chỉ bày tỏ hy vọng đạt được mục tiêu nêu trên vào năm 2023. Trong khi đó, các chuyên gia nhiều lần nhấn mạnh, con số 100 tỷ USD mỗi năm chỉ là mức tối thiểu để xây dựng lòng tin trong các cuộc đàm phán về khí hậu. Đặc phái viên của Tổng thống Ai Cập tại COP27 cho rằng, thế giới cần thu hút hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ tài chính khí hậu toàn cầu, trong đó cần cân nhắc đến những ưu tiên của các nước đang phát triển vốn chịu tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu.

Trước hàng loạt những vấn đề cần giải quyết, cùng với những kỳ vọng cao mong đợi một sự thay đổi rõ rệt, giới phân tích cho rằng, các cuộc đàm phán tại COP27 sẽ càng căng thẳng hơn trong bối cảnh hàng loạt thách thức gay gắt và phức tạp đang nổi lên trên thế giới, từ xung đột leo thang tại Ukraine đến suy thoái kinh tế, khủng hoảng năng lượng… Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Ai Cập, Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry kêu gọi thế giới cần tập trung vào những mối đe dọa hiện hữu mà nhân loại phải đối mặt là biến đổi khí hậu, tránh bị chệch hướng mục tiêu bởi các cuộc xung đột và khủng hoảng quốc tế hiện nay.

Như Ý