Đàm phán hậu tổng tuyển cử tại Malaysia

Kịch bản để tránh “Quốc hội treo” lần đầu tiên trong lịch sử

- Thứ Ba, 22/11/2022, 07:09 - Chia sẻ

Đúng như dự đoán của giới chuyên gia, không một đảng nào giành được đa số tuyệt đối trong cuộc tổng tuyển cử tại Malaysia ngày 19.11. Điều này đã khiến Malaysia lần đầu tiên đối mặt với nguy cơ một "Quốc hội treo". Trong khi đó, các cuộc vận động đang được xúc tiến ở hậu trường để thành lập các liên minh chính trị.

Những yếu tố bất ngờ

Truyền thông Malaysia dẫn thông báo của Ủy ban Bầu cử nước này về kết quả bầu cử Quốc hội (Hạ viện) cho biết, không có đảng nào giành đủ số ghế cần thiết (112/222 ghế) để đứng ra thành lập Chính phủ mới. Kết quả này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Malaysia một cuộc tổng tuyển không xác định được đảng chiến thắng rõ ràng. Trong cuộc bầu cử hôm 19.11, Liên minh Hy vọng (PH) của ông Anwar Ibrahim đang dẫn đầu khi đã giành được 82 ghế tại Quốc hội.

Tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất trong cuộc bầu cử đến từ cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin, người dẫn dắt nhóm Liên minh Dân tộc (PN) và bị buộc thôi chức cách đây chưa đầy một năm giành được chiến thắng tại nhiều khu vực vốn là "thành trì" của chính phủ hiện tại với 73 ghế, trở thành khối lớn thứ hai sau PN. Liên minh Quốc gia của ông Muhyiddin bao gồm một đảng theo đường lối thiên hữu, lấy lợi ích của người Mã lai là trọng tâm và đảng Hồi giáo thần quyền (PAS) - trong quá khứ từng lên tiếng ủng hộ việc áp dụng luật Hồi giáo Shariah tại Malaysia. Trong đó, trước sự ngạc nhiên của các nhà quan sát, PAS gây bất ngờ lớn nhất khi giành được tới 44 và đóng góp phần lớn số ghế tại Quốc hội trong PN của ông Muhyiddin. Chủng tộc và tôn giáo là những vấn đề gây nhiều tranh cãi tại Malaysia, nơi những người Mã lai theo đạo Hồi chiếm phần lớn dân số trong khi người gốc Trung Quốc và gốc Ấn Độ là những nhóm thiểu số.

Bất ngờ lớn khác là cuộc bỏ phiếu đã tạo ra một kẻ thua cuộc rõ ràng: Đảng cầm quyền đương kim Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob - Liên minh Mặt trận dân tộc (BN), với lực lượng nòng cốt là Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) vốn là lực lượng chính trị nắm quyền lãnh đạo Malaysia trong 61 năm kể từ khi độc lập, đã hứng chịu một cú giáng chính trị khi chỉ giành được 30 trong số 222 ghế trong Quốc hội. BN cũng mất quyền kiểm soát hai bang Perak và Perlis cùng với cơ quan lập pháp treo ở bang Pahang. Tất cả đều là thành trì của BN từ năm 1957.

Liên minh các chính đảng ở bang Sarawak (GPS) giành được 22 ghế, Liên minh các chính đảng ở bang Sabah (GRS) giành được 6 ghế và các liên minh, chính đảng nhỏ khác giành được từ 1-3 ghế. Ông Adib Zalkapli, Giám đốc của Công ty tư vấn chính trị Bower Group Asia, phân tích: “Điểm mấu chốt của cuộc bầu cử này là liên minh PH đã phá vỡ thành công hệ thống hai đảng chi phối ở Malaysia". Trong nhiều thập kỷ qua, BN và PH luôn là 2 đảng chính ở quốc gia Đông Nam Á này.

Kịch bản để tránh “Quốc hội treo” lần đầu tiên trong lịch sử
Người ủng hộ các đảng ở Malaysia trong chiến dịch vận động tranh cử
Nguồn: business today

Những kịch bản

PH của lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim và PN của cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin đang tiến hành các cuộc vận động, lôi kéo các chính đảng, liên minh các chính đảng nhỏ khác để có đủ số ghế cần thiết nhằm sớm giành quyền thành lập Chính phủ mới.

Rất có thể ông Muhyiddin sẽ trở lại thủ đô liên bang Putrajaya với sự hậu thuẫn của các liên minh nhỏ như GRS và GPS. Cả hai liên minh này vào tối 20.11 đều cho biết họ sẽ ủng hộ ông Muhyiddin làm Thủ tướng, và chính ông Muhyiddin đã đưa ra một tuyên bố cho thấy rằng Quốc vương Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah, rằng ông hiện có sự ủng hộ của đa số đơn giản trong Quốc hội.

Tuy nhiên, quyền lực mà đảng thần quyền Hồi giáo PAS sẽ đảm nhận trong chính phủ do Muhyiddin lãnh đạo đang tạo ra nỗi sợ hãi cho những cử tri thuộc dân tộc thiểu số gốc Hoa và Ấn Độ ở Malaysia, cũng như những người Hồi giáo ôn hòa và các tín ngưỡng khác.

Mặc dù Liên minh PH đa chủng tộc của ông Anwar Ibrahim đã giành được 82 ghế, trở thành khối chính trị lớn nhất trong Quốc hội nhưng ông cần có được sự ủng hộ của tất cả 30 ghế của “đối thủ không đội trời chung” BN mới có thể có đủ thế đa số giản đơn để thành lập Chính phủ. Tuy nhiên, khả năng này rất khó xảy ra bởi có quá nhiều bất đồng không thể nhượng bộ giữa họ.

Với vẻ mặt ủ rũ và lạnh lùng, chính trị gia kỳ cựu này đã tuyên bố có “đa số để thành lập chính phủ” trong một cuộc họp báo rạng sáng ngày 20.11, mà không xác định liên minh hay đảng phái nào ủng hộ ông. Ông Anwar Ibrahim nói với các phóng viên: “Tôi rất vui vì chúng tôi đã giải quyết vấn đề này với mức độ hỗ trợ mà tôi tin là đủ cơ hội để lãnh đạo đất nước này. PH cần thêm ít nhất 30 ghế để bảo đảm đa số đơn giản”.

Viễn cảnh thất bại của ông Anwar sẽ đánh dấu một kết thúc đau đớn cho khát vọng trở thành thủ tướng trong thời gian dài và liên tục bị cản trở của người đàn ông 75 tuổi này. Trước cuộc bỏ phiếu, ông Anwar từng thừa nhận rằng cuộc bầu cử lần này sẽ là cuộc bầu cử cuối cùng của ông trước khi ông nghỉ hưu.

Chủ tịch UMNO Zahid, người hiện đang phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chính những đồng chí trong đảng của mình, từ chức chủ tịch UMNO và người đứng đầu BN sau thành tích tồi tệ của liên minh, cho biết trong một tuyên bố rằng các nhà lập pháp BN đã trao cho ông nhiệm vụ tiến hành bất kỳ khả năng hợp tác chính trị nào để thành lập chính phủ.

Cũng có tin đồn rằng liên minh cầm quyền cũ BN đã tiếp cận với PN để thành lập chính phủ. Nhưng việc ông Muhyiddin sau đó bỏ qua BN trong thông báo liên minh của mình, vốn chỉ đề cập đến GPS, GRS và “một số nghị sĩ” với tư cách là những người ủng hộ, cho thấy rằng một số nhưng không phải tất cả trong số 30 nhà lập pháp được bầu của BN đều ủng hộ PN.

Các nhà phân tích suy đoán rằng BN bị chia rẽ giữa phe ủng hộ PN do thủ tướng tạm quyền Ismail Sabri Yaakob lãnh đạo và phe của Chủ tịch UMNO Zahid phản đối Muhyiddin. Đáng chú ý là các quy tắc đảng của UMNO cho phép các nhà lập pháp của đảng này có thể “đào ngũ” nghĩa là không cần tuân theo chỉ thị của đảng mà vẫn không phải từ chức. Điều đó có nghĩa là các chính trị gia BN riêng lẻ có khả năng ủng hộ các hiệp ước hậu bầu cử khác nhau.

Do Malaysia theo thể chế quân chủ lập hiến, Quốc vương nước này Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah có quyền tham gia thành lập chính phủ bằng cách bổ nhiệm thủ tướng mà ông tin có thể thành lập được liên minh chiếm đa số tại Quốc hội. Ông đã ấn định cho các bên có thời hạn là hết ngày 21.11 để tuyên bố liên minh và đưa ra các ứng cử viên thủ tướng tương ứng.

Trong trường hợp cả liên minh của ông Muhyiddin và ông Anwar đều không thể tập hợp được đa số, Quốc vương có thể cho phép thành lập một chính phủ thiểu số do do đảng nắm giữ nhiều ghế nhất trong Quốc hội để ngăn chặn khoảng trống quyền lực, trước khi có thể sẽ phải tiến hành thêm một cuộc bầu cử trước thời hạn.

Đạt Quốc