Kế hoạch dời đô của Indonesia có khả thi?

- Thứ Sáu, 07/10/2022, 06:28 - Chia sẻ

Indonesia đã khởi động kế hoạch dời đô đầy tham vọng và tốn kém từ Jakarta tới những cánh rừng nhiệt đới ở tỉnh Đông Kalimantan. Quốc gia này hiện đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài để tài trợ dự án phát triển thủ đô mới Nusantrara, tuy nhiên việc này dường như gặp nhiều trở ngại.

Siêu dự án lịch sử

Từ thời Tổng thống đầu tiên của Indonesia là Kusno Sosrodihardjo, nhà lãnh đạo này đã muốn dời thủ đô về Kalimantan vì Jakarta không thuộc vùng trung tâm của Indonesia và có dân số quá đông, nhưng ông không ban hành luật cho việc di dời này. Đến thời Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cũng muốn dời đô nhưng sau đó đổi ý. Chỉ cho đến khi ông Joko Widodo lên nắm quyền, ông mới chính thức hồi sinh ý tưởng này và quyết định công bố ý định dời đô. Vào hồi tháng 8.2019, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thông báo dự án dời thủ đô từ Đặc khu thủ đô Jakarta ở bờ biển Tây Bắc Java tới một khu vực chưa được khai phá ở tỉnh Đông Kalimantan cách đó 2.000km, được đặt tên là Nusantara. Sau đó, Chính phủ nước này đã nhanh chóng triển khai kế hoạch, tìm địa điểm thích hợp và kêu gọi các đề xuất thiết kế cho thủ đô mới. Tháng 1.2022, Quốc hội Indonesia thông qua Luật thành phố thủ đô mới.

Bên cạnh nhiều vấn đề như tắc đường, ô nhiễm không khí, thủ đô của Indonesia mỗi năm lại chìm 5 - 10cm, khiến nơi đây phải chịu các trận lũ ngày càng nặng trong những năm qua. Một lý do quan trọng nữa là để phát triển kinh tế và ổn định chính trị. Chính phủ Indonesia, tin rằng sự phát triển kinh tế của đảo Java (nơi Jakarta tọa lạc) vượt xa các đảo khác của Indonesia, vì vậy họ hy vọng việc dời đô sẽ giúp tăng trưởng kinh tế cân bằng hơn. Theo dự luật được thông qua hồi tháng 1 làm cơ sở pháp lý cho thủ đô mới, mọi cơ quan chính quyền trung ương sẽ được chuyển tới Nusantara trong từ nay cho tới năm 2045, thời điểm Indonesia kỷ niệm 100 năm độc lập. Quá trình di chuyển sẽ bắt đầu vào năm 2024, khi dinh tổng thống sẽ được chuyển đến Nusantara.

Chính phủ Indonesia hy vọng việc xây thủ đô mới sẽ giảm mức độ tập trung của cải và quyền lực kinh tế - chính trị ở đảo Java, từ đó giúp nước này có được sự phát triển kinh tế cân bằng hơn. Java tập trung gần 60% dân số và GDP của Indonesia, dù chỉ chiếm 6% tổng diện tích quần đảo Indonesia - nơi được cấu thành từ 17.000 hòn đảo lớn nhỏ. Trong khi đó, tỉnh Đông Kalimantan nằm ở trung tâm quần đảo này. Vì có quá nhiều thách thức, siêu dự án này đã vấp phải nhiều hoài nghi. Người dân Indonesia dường như đánh giá động thái dời đô có mức ưu tiên thấp, nhất là khi nền kinh tế đang chật vật với giá cả leo thang.

Kế hoạch dời đô của Indonesia có khả thi? -0
Trung tâm thủ đô Jakarta, Indonesia
Nguồn: ITN

Nhiều thách thức đan xen

Theo tờ Nikkei Asia, kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhằm di dời văn phòng chính phủ là chưa từng có theo tiêu chuẩn toàn cầu. Indonesia đang trong quá trình di dời thủ đô từ Jakarta trên đảo Java tới Nusantara trên đảo Borneo. Jakarta vốn nằm trên vùng đất đầm lầy và đang chìm dần xuống biển với tốc độ thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Trong kế hoạch 31 tỷ USD chi phí xây dựng, trong đó 80% dự kiến đến từ bên ngoài, đặc biệt là khu vực tư nhân và chính phủ các nước phát triển, dự kiến dự án sẽ được hoàn tất vào năm 2045.

Trên thực tế, việc thắt chặt chính sách tiền tệ và giá nguyên liệu tăng trên toàn cầu đang khiến Nusantara gặp khó khăn trong thu hút đầu tư. Kể từ khi Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản rút khỏi dự án vào tháng 3, chưa có cam kết đầu tư lớn nào được công bố. Do đó, Indonesia đang liên tục kêu gọi các chính phủ và công ty nước ngoài đầu tư vào thủ đô mới. Gần đây, chính phủ tổ chức một số cuộc gặp đặc biệt với đại diện giới đầu tư nước ngoài như Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) hay nhà sản xuất thép Posco của Hàn Quốc, nhưng hiện nay thời gian thì không còn nhiều khi Chính phủ Indonesia muốn chuyển dinh tổng thống đến thủ đô mới vào đầu năm 2024. Một thách thức nữa, khu vực này mới chỉ xây dựng một số cơ sở hạ tầng cơ bản, trong khi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cũng chưa thực sự hứng khởi với kế hoạch này. 
Ngay từ đầu, siêu dự án này đã gặp nhiều thách thức như việc bị trì hoãn 2 năm sau ngày được thông báo vì đại dịch. Phải tới tháng 9.2021, dự luật dời đô mới được trình lên Quốc hội Indonesia. Cơ quan này cũng thông qua dự luật chỉ sau 43 ngày xem xét mà không tổ chức bất cứ buổi điều trần công khai nào. Các nhà đầu tư vẫn sẽ thận trọng cho tới khi câu hỏi thu hồi khoản đầu tư thế nào trở nên rõ ràng hơn. Độ hiệu quả của việc xây dựng thủ đô mới cũng còn chưa được xác định. Theo kế hoạch hiện tại, Nusantara sẽ là trung tâm hành chính, còn Jakarta vẫn là trung tâm thương mại. Dân số Nusanta dự kiến không vượt quá 1,5 triệu người, với 95% dân số Jakarta vẫn ở nguyên tại đây. Hiện nay, nhiều tòa nhà chính quyền bị bỏ trống ở trung tâm đô thị nhiều khả năng sẽ được chuyển đổi thành cơ sở thương mại, nhưng điều này sẽ thu hút thêm nhiều người tới Jakarta và càng làm trầm trọng thêm vấn đề chật chội và bất bình đẳng thu nhập ở đây.

Nhằm thúc đẩy kế hoạch dời đô về mặt tài chính, hãng Reuters đưa tin, người đứng đầu Chính quyền thành phố thủ đô mới (IKN), ông Bambang Susantono cho biết, chính phủ nước này đang hoàn thiện một bộ luật mới đưa ra một số chính sách thúc đẩy tài chính và phi tài chính cho việc thành lập các doanh nghiệp ở Nusantara. Trước đó, theo kế hoạch vạch ra, chính phủ Indonesia sẽ chỉ phụ trách 1/5 chi phí xây dựng thủ đô mới và các nhà đầu tư sẽ đóng góp phần còn lại, và Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ giúp Indonesia gây quỹ. Ông cũng cho biết thêm, hy vọng vào giữa tháng 10, Indonesia sẽ tiến hành và mời các nhà đầu tư tiềm năng tổ chức một cuộc đối thoại. Trong cuộc họp mặt này, chính phủ sẽ giải thích muốn xây dựng những gì và đưa ra các điều kiện có thể hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.

Đặc biệt hơn, một trong những thách thức lớn mà chính phủ Indonesia phải đối mặt trong việc xây dựng thủ đô mới là loại bỏ được những nghi ngờ về tính khả thi của dự án. Kết quả khảo sát hồi tháng 6 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia cho thấy, gần 59% trong số 170 chuyên gia được phỏng vấn bày tỏ nghi ngờ dự án Nusantara sẽ thành hiện thực, với lý do không chắc chắn về nguồn vốn và quản lý. Bên cạnh đó, các chuyên gia bày tỏ nghi ngờ việc Chính phủ Indonesia có thể thu hút đủ nguồn tài trợ từ khối tư nhân. Giáo sư quy hoạch đô thị tại Đại học Alabama A&M (Mỹ), ông Deden Rukmana nhận định rằng, ngay cả giai đoạn đầu trong số 5 giai đoạn của dự án cũng có vẻ quá tham vọng và kế hoạch đưa mọi thứ vào đời sống chỉ trong vòng chưa đầy hai năm là gần như bất khả thi. Liệu Indonesia có kịp xây dựng thủ đô mới hay không đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, và có thể hoàn thành trước khi nhiều nơi của Jakarta có thể bị chìm hoàn toàn vào năm 2050?

Như Ý