Hàn Quốc đối mặt khủng hoảng kinh tế?

- Thứ Tư, 21/09/2022, 06:30 - Chia sẻ

Hàng loạt các chuyên gia kinh tế đã kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc cần nâng cao cảnh giác trước một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra, trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với những thách thức tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008 - 2009). 

Đồng won nguy cơ mất giá kéo dài 

Đồng won của Hàn Quốc đã giảm giá nhanh trong vài ngày qua, sau khi dữ liệu gần đây của Mỹ cho thấy lạm phát tiếp tục gia tăng, khiến các nhà đầu tư tin rằng FED sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Các nhà theo dõi thị trường cũng dự kiến FED có thể sẽ tăng lãi suất ít nhất thêm 75 điểm cơ bản vào tuần này sau khi thực hiện 2 đợt tăng trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua. Cụ thể, đồng won đang được giao dịch ở mức 1.396,1 won/1 USD, giảm 2,4 won so với phiên đóng cửa lần trước, song chưa xuống tới mức thấp nhất 1.422 won/1 USD ghi nhận vào cuối tháng 3.2009. Nếu tỷ giá hối đoái won/USD vượt ngưỡng này thì đây là lần thứ 3 kịch bản này diễn ra, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Đồng won đã chịu áp lực giảm giá do đồng USD tăng giá so với các đồng tiền chính, trong bối cảnh FED thắt chặt tiền tệ và những lo lắng ngày càng tăng về suy thoái kinh tế ở Mỹ. Tính đến thời điểm hiện tại, đồng won đã mất khoảng 15% giá trị so với đồng USD. Sự sụt giảm giá trị đồng won được cho là sẽ cản trở nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc trong việc kiềm chế lạm phát tăng nhanh do giá nhiên liệu và hàng hóa cao. Hơn nữa, điều này còn có thể khiến hàng hóa nhập khẩu vào Hàn Quốc trở nên đắt đỏ hơn và làm tăng thêm khả năng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Theo nhận định của giới chuyên gia tài chính, giá trị của đồng won Hàn Quốc có thể sẽ tiếp tục giảm trong thời gian dài nữa do các yếu tố trong nước ngày càng xấu đi, cũng như do yếu tố bên ngoài.

Nguồn: The Korea Times
Nguồn: The Korea Times

Khủng hoảng “rình rập”

Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á hiện đang trải qua thời kỳ hỗn loạn có thể so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 trước đây. Các chuyên gia kinh tế cho biết, thâm hụt thương mại kéo dài 5 tháng mà “xứ sở kim chi” phải gánh chịu là điều hiếm gặp và có thể được coi là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng nếu tiếp tục kéo dài. Nền kinh tế Hàn Quốc đã ghi nhận thâm hụt thương mại trong tháng thứ 5 liên tiếp vào tháng 8 vừa qua. Cụ thể, Hàn Quốc đã ghi nhận mức thâm hụt cao kỷ lục 9,47 tỷ USD do nhập khẩu tăng 28,2% (so với cùng kỳ năm 2021) lên 66,15 tỷ USD trong khi các lô hàng xuất khẩu chỉ tăng 6,6% lên mức 56,6 tỷ USD.

Giáo sư Kim Jin-il thuộc trường Đại học Korea, đồng thời là cựu chuyên gia kinh tế của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhấn mạnh rằng, cho đến thời điểm hiện tại, thâm hụt thương mại không ở mức đáng lo ngại song cũng có thể được coi là dấu hiệu gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Hàn Quốc nếu không được cải thiện sớm. Cán cân thương mại là một trong những chỉ số kinh tế bị suy giảm đến mức tồi tệ nhất, do hậu quả của một trong hai sự kiện đã ảnh hưởng đến kinh tế Hàn Quốc là Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998 và Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Các chỉ số này bao gồm: tốc độ tăng trưởng, giá tiêu dùng, tỷ giá hối đoái với đồng USD, dự trữ ngoại hối và nợ nước ngoài ngắn hạn. Trong khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 từ 2,7% xuống 2,6% thì những lo ngại về lạm phát vẫn kéo dài khi giá tiêu dùng đã tăng 5,7% trong tháng 8 (so với một năm trước đó).

Với những nguy cơ hiện hữu, hầu hết chuyên gia kinh tế lo ngại rằng một cuộc khủng hoảng kinh tế lần ba xảy đến với Hàn Quốc không phải là một chuyện bất khả thi và thậm chí nó sẽ đến sớm hơn tưởng tượng. Trong cuộc họp với các bộ trưởng kinh tế, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố sẽ nỗ lực ngăn chặn, không để xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính khác trong bối cảnh đồng won giảm giá nhanh so với đồng USD và thâm hụt thương mại gia tăng. Hàn Quốc của năm 2022 cũng gần giống Hàn Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, vì cả hai thời điểm nền kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế do các yếu tố bên ngoài khởi xướng. Đó là đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2019 và cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn của Mỹ vào năm 2007.

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, liệu Hàn Quốc có khả năng chịu đựng cuộc khủng hoảng kinh tế lần thứ ba nếu nó thật sự xảy ra hay không? Các chuyên gia đều không thể chắc chắn vì thực tế là các rủi ro do đại dịch gây ra đều khó lường trước và mới đối với toàn thế giới. Không những vậy, những rủi ro bên ngoài - cụ thể là xung đột ở Ukraine, khiến cho chuỗi cung ứng tắc nghẽn và đáng chú ý là chính sách thắt chặt tín dụng của Mỹ. Do đó, bối cảnh này có sự khác biệt so với trước đây khiến Hàn Quốc khó đối phó hơn.

Trước những rủi ro trên, Giáo sư Kim Jin Il và các chuyên ra kinh tế cũng đề cập đến các biện pháp và nhấn mạnh rằng, những rủi ro ngoài nước đó nằm ngoài tầm với của Chính phủ Hàn Quốc bởi chúng đến từ bên ngoài, đồng thời Chính phủ nên đặt ra các ưu tiên chính sách. Song, điều quan trọng vẫn là phải tìm kiếm sự đồng thuận của xã hội trong quá trình này. Cách tiếp cận diều hâu của Fed đối với việc tăng lãi suất có thể sẽ tiếp tục cho đến khi lạm phát của Mỹ có dấu hiệu giảm xuống dưới mức 2,5%, do Fed đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%. Giáo sư cũng hy vọng rằng, việc Mỹ tăng lãi suất mạnh mẽ chỉ có thể gây ra sự thoái vốn trong ngắn hạn, chứ không có khả năng kích hoạt xu hướng này trong trung và dài hạn do BoK bắt đầu thắt chặt tiền tệ sớm hơn Fed, cũng như đã cảnh báo về việc liên tục tăng lãi suất cơ bản.

Trong hoàn cảnh đó, BoK được khuyến khích phải tuân theo chính sách của mình để lấy được sự tin tưởng của thị trường, đồng thời kêu gọi ngân hàng trung ương theo đuổi một chuỗi tăng lãi suất phủ đầu kéo dài liên tục cho đến khi quá trình tăng lãi suất của Fed kết thúc.

Như Ý