Kinh tế Đông Nam Á

Điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu

- Thứ Sáu, 18/11/2022, 06:35 - Chia sẻ

Theo The Straits Times, nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức cùng một lúc như lãi suất toàn cầu tăng cao, xung đột địa chính trị, kinh tế Trung Quốc cũng tăng trưởng chậm lại, song triển vọng của các nền kinh tế Đông Nam Á lại được đánh giá là điểm sáng trong những thập kỷ tới. Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những thuận lợi cũng như thách thức để khu vực Đông Nam Á có thể phát triển hơn nữa.

Sự phục hồi mạnh mẽ

Một số chuyên gia kinh tế đánh giá, châu Á - đặc biệt là Đông Nam Á - vẫn là một điểm sáng, ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ rơi vào suy thoái vào năm tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Đông Nam Á vào đầu năm nay đã mất đà do lãi suất tăng, chiến sự ở Ukraine và các hoạt động kinh tế chững lại của Trung Quốc. Mặc dù vậy, khu vực này vẫn là một điểm sáng tương đối trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng mờ nhạt, IMF dự đoán mức tăng trưởng của châu Á và Thái Bình Dương là 4% trong năm nay và 4,3% vào năm 2023, cả hai đều dưới mức trung bình 5,5% trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn dự báo của quỹ đối với châu Âu và Mỹ. IMF đang kỳ vọng mức tăng trưởng 3,1% vào năm 2022 và 0,5% vào năm 2023 đối với khu vực đồng euro; và tăng trưởng 1,6% trong năm nay và 1% trong năm tới đối với Mỹ.

IMF cho biết, Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 3,2% trong năm nay trước khi tăng nhanh lên 4,4% vào năm tới với giả định các chính sách Zero Covid được nới lỏng. Nhìn chung, con đường phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á sẽ khác với nhiều nền kinh tế tiên tiến như châu Âu vì nó đóng vai trò là công cụ đa dạng hóa hữu ích được cách ly ở một mức độ nào đó khỏi những khó khăn mà châu Âu phải đối mặt. Điều này có nghĩa là có nhiều khoảng trống hơn cho các chính sách định hướng tăng trưởng trong khu vực mà ở nhiều nơi khác trên thế giới, nơi lạm phát cao đang buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt các điều kiện.  IMF cho biết, Đông Nam Á có thể sẽ tận hưởng một năm mạnh mẽ phía trước.

Việt Nam đang mở rộng từ vị trí trung tâm của các nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong khi Philippines, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ có thể sẽ tăng trưởng từ 4% đến 6%, du lịch ở Campuchia và Thái Lan cũng sẽ tăng trưởng. Cho đến nay, theo Ngân hàng DBS, xuất khẩu từ ASEAN-6 - bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - đã vượt trội so với Bắc Á và phần còn lại của khu vực.

Nguồn: DW
Nguồn: DW

Những thuận lợi giúp tăng trưởng bền vững

Một số công ty đã lập mô hình hơn 20 biến số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở 6 nền kinh tế lớn nhất của Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, và đạt được một số kết luận khả quan. Các nền kinh tế này sẽ được hưởng lợi từ chương trình nghị sự hỗ trợ tăng trưởng. Trong 5 năm qua, Indonesia và Việt Nam đã đạt được những sự cải thiện mạnh mẽ về các chỉ số thuận lợi trong kinh doanh, trong khi các nước còn lại (trừ Philippines) có lịch sử hỗ trợ doanh nghiệp. Mặc dù, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), xét về mức độ dễ dàng kinh doanh, các nền kinh tế Đông Nam Á đứng ở vị trí khá tốt nhưng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng của các nước này sẽ được nâng lên nhờ việc họ tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào năm 2022 và sẽ gia tăng thương mại khu vực nội châu Á khi các nền kinh tế phương Tây chuyển sang khu vực hóa.

Đông Nam Á cũng làm tốt trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tỷ lệ FDI trong tổng vốn đầu tư vào khu vực vượt của Trung Quốc, Nam Á hay Đông Âu. Singapore cũng được hưởng lợi từ vai trò trong việc chuyển kênh đầu tư vào khu vực cũng như cung cấp các dịch vụ cao cấp. Quốc gia này đang ở vị trí thuận lợi để tận hưởng những luồng gió mới khi hòn đảo này thu hút vốn và nhân tài từ Hong Kong (Trung Quốc), cũng như những khoản đầu tư của các công ty công nghệ lớn như Alibaba và ByteDance từ Trung Quốc sau khi nước này kiểm soát chặt chẽ đối với các công ty công nghệ lớn. Hơn nữa, Đông Nam Á cũng thu được lợi ích không chỉ về thương mại với Trung Quốc mà còn về các khoản đầu tư khi các công ty chuyển một số hoạt động từ Trung Quốc sang khu vực, vì chi phí lao động thấp hơn và những động thái nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc với tư cách là cơ sở sản xuất.

Trong vài năm nay, các công ty liên quan đến công nghệ trên khắp thế giới đã sử dụng các giải pháp trực tuyến sáng tạo để phá vỡ các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống chậm chạp khắp Mỹ và châu Âu. Đông Nam Á đã được chứng minh là mảnh đất đặc biệt màu mỡ cho xu hướng này: hơn 100 triệu cá nhân trên khắp Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sử dụng Internet trong ba năm qua. Điều này đã giúp thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ qua điện thoại di động và Internet.

Sự bùng nổ về kinh tế số ở Đông Nam Á đã tác động trực tiếp đến đầu tư, đổi mới sáng tạo, tính bao trùm và tăng trưởng năng suất theo công nghệ số trong khoảng từ 30% - 40% nền kinh tế tổng thể của khu vực. Theo ước tính, trong năm 2022, nền kinh tế số của khu vực trên đà tăng trưởng 20% so với năm 2021, lên khoảng 200 tỷ USD về giá trị hàng hóa toàn cầu và dịch vụ được giao dịch kỹ thuật số. Việc cấp vốn cho công nghệ vẫn diễn ra mạnh mẽ trong khu vực, với giá trị các giao dịch tăng 13% trong 12 tháng tính đến tháng 6.2022.

Một yếu tố khác về triển vọng của Đông Nam Á là lợi tức nhân khẩu học. Khu vực này là nơi sinh sống của khoảng 500 triệu người trong độ tuổi lao động, hầu hết trong số họ còn trẻ và mong muốn cải thiện cuộc sống. Lực lượng lao động trẻ của Đông Nam Á rõ ràng đang khao khát thành công và điều này sẽ thúc đẩy tạo ra nhiều của cải hơn. Ngân hàng Phát triển châu Á đồng ý và đã dự đoán rằng 65% dân số khu vực sẽ bước vào tầng lớp trung lưu vào năm 2030. Nhân khẩu học mạnh mẽ của khu vực đã mang lại lợi ích cho nhiều lĩnh vực, các cơ hội có sẵn trong nền kinh tế mới, đặc biệt và nổi bật.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Mặc dù khu vực Đông Nam Á có những điểm sáng giúp cho việc tăng trưởng kinh tế hứa hẹn sẽ mang lại nhiều sự bứt phá, nhưng khu vực này vẫn còn phải đối mặt với những thách thức như khoảng cách về đào tạo và kỹ năng, thách thức về lạm phát và những chính sách về khí hậu còn nhiều hạn chế. Việc thiếu trình độ học vấn và kỹ năng thì bất kỳ lợi thế nhân khẩu học nào cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Các chuyên gia chỉ ra rằng, nhiều chính phủ Đông Nam Á (ngoại trừ Singapore) vẫn coi nhẹ giáo dục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và người dân của họ có trình độ kỹ năng thấp hơn nhiều so với người dân ở Trung và Đông Âu.

Bên cạnh đó, đối phó với lạm phát cũng sẽ là một thách thức đối với Đông Nam Á. Báo cáo của Bain và Monk’s Hill Ventures chỉ ra rằng, khu vực này đã giảm dần lạm phát, dao động từ mức trung bình 1,4% ở Thái Lan đến 5,9% ở Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2020. Song, năm 2022, lạm phát đang tăng lên và vượt xa mục tiêu của các ngân hàng trung ương trên khắp khu vực, do giá lương thực và năng lượng cao hơn và các đồng tiền đều yếu hơn so với đồng USD từ 5 - 10%. IMF chỉ ra rằng, những sự mất giá gần đây đã bắt đầu chuyển sang lạm phát cơ bản trên toàn khu vực và điều này có thể khiến lạm phát ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến trước đó.  

Hơn nữa, trong đánh giá triển vọng kinh tế khu vực mới đây, WB lưu ý rằng, trong quá khứ, lạm phát ở Đông Nam Á một phần được kìm hãm bởi các biện pháp kiểm soát giá và trợ cấp lương thực và nhiên liệu ở Malaysia và Indonesia. Các chính sách này đã gây ra những vấn đề khác như thâm hụt tài khóa cao hơn, chuyển các nguồn lực ra khỏi chi tiêu cho y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng, cũng như tình trạng bất bình đẳng vì các khoản trợ cấp đem lại lợi ích cho người giàu nhiều hơn cho người nghèo. Các cơ chế trợ cấp hiện đang diễn ra sẽ đẩy lạm phát lên cao.

Cuối cùng, Đông Nam Á vẫn là khu vực có chính sách khí hậu thụt lùi. Trên khắp khu vực, tiến độ phát triển năng lượng tái tạo và phi carbon các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, khai mỏ, vận tải, xi măng và thép vẫn còn yếu, mức độ phá rừng và ô nhiễm không khí vẫn cao. Mặc dù Đông Nam Á một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu, song , các biện pháp thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu của các nước trong khu vực vẫn chưa thực sự thỏa đáng.

Như Ý