Philippines

Chính quyền mới điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc

- Thứ Năm, 21/07/2022, 06:20 - Chia sẻ

Chỉ vài tuần sau khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, nhà lãnh đạo Philippines Ferdinand Marcos Jr, đang nghiêm túc điều chỉnh lại mối quan hệ thân thiết một thời với Trung Quốc. Động thái mới nhất là việc Chính quyền Manila hủy bỏ 3 dự án cơ sở hạ tầng do Bắc Kinh cam kết đầu tư, trong khi bày tỏ quan tâm đến việc thu hút các đối tác khác như Nhật Bản.

Điều chỉnh của Philippines

Bộ Giao thông Vận tải Philippines (DOTr) thông báo đã hủy bỏ hiệu lực của ba dự án đường sắt lớn với các đối tác Trung Quốc, được khởi xướng dưới thời chính quyền Rodrigo Duterte tiền nhiệm.

Theo Thứ trưởng Bộ Đường sắt Cesar Chavez, Bắc Kinh đã không thực hiện theo các yêu cầu cấp vốn mà chính phủ Duterte đã lặp đi lặp lại nhiều lần để phục vụ cho Chương trình “Xây dựng - Xây dựng - Xây dựng”, vốn là kỷ nguyên vàng về phát triển cơ sở hạ tầng của Philippines.

Các cuộc đàm phán cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Trung Quốc đã bắt đầu vào năm 2018 và sau đó đã được Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia (NEDA) phê duyệt. Phần lớn nguồn tài chính cho các dự án được cho là dựa trên các khoản vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ Trung Quốc, vốn hứa hẹn đầu tư lên tới 24 tỷ USD trong chuyến thăm đầu tiên của ông Duterte tới Bắc Kinh vào năm 2016.

Trong số 27 thỏa thuận được ký kết giữa Trung Quốc và Philippines trong chuyến thăm của ông Duterte đến Bắc Kinh vào tháng 10.2016, Trung Quốc ban đầu đồng ý cung cấp 9 tỷ USD khoản vay ưu đãi, bao gồm hạn mức tín dụng 3 tỷ USD của Ngân hàng Trung Quốc, với khoản đầu tư trực tiếp trị giá 15 tỷ USD từ các công ty Trung Quốc trong các dự án đường sắt, cảng, năng lượng và khai thác mỏ. Các báo cáo cho biết vào thời điểm đó, thỏa thuận không nêu rõ thời hạn.

Chính phủ mới của Marcos Jr ban đầu cam kết kích hoạt lại các dự án không còn tồn tại trị giá 276 tỷ peso (5 tỷ USD), trải dài trên các hòn đảo lớn của Philippines, nhưng điều này đã làm dấy lên lo ngại về mức lãi suất cắt cổ so với các nhà tài trợ thay thế như Nhật Bản. Đầu năm nay, Philippines cũng đã đình chỉ các cuộc đàm phán kéo dài với Trung Quốc về các nguồn năng lượng đang tranh chấp ở Biển Đông.

Trung Quốc đã cố gắng giảm thiểu những trở ngại này bằng cách nhấn mạnh rằng quan hệ song phương đang trên quỹ đạo tốt và nói về “kỷ nguyên mới của tình hữu nghị Trung Quốc - Philippines” dưới thời tân tổng thống Philippines.

Tuy nhiên, cường quốc châu Á hiện đã nhận ra rằng mọi thứ sẽ không diễn ra bình thường dưới thời Marcos Jr, người đã có lập trường cứng rắn hơn về các tranh chấp ở Biển Đông và theo đuổi cách tiếp cận cân bằng hơn với các cường quốc so với các bậc tiền nhiệm “thân thiện” của ông.

Nhìn xa vào lịch sử, các lãnh chúa của tỉnh Ilocos Norte, Tây Bắc, đã duy trì các mối quan hệ ngoại giao thân thiện và hiệu quả về mặt thương mại với Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỷ. Cựu quân nhân Philippines Ferdinand Marcos (1965 - 1986), cha của ông Marcos Jr, cũng là một trong những đồng minh đầu tiên của Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc thời Mao Trạch Đông vào giữa những năm 1970.

Đầu năm nay, Đại sứ Trung Quốc tại Manila Huang Xilian đã viết rất tốt đẹp về quỹ đạo tích cực của quan hệ song phương trong những năm gần đây, nhấn mạnh rằng khi “các dự án hợp tác song phương và các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Philippines (sắp) thành hiện thực, thì sẽ có nhiều cơ hội và lợi tức hơn được tạo ra để mang lại lợi ích cho người dân của cả hai quốc gia, góp phần phục hồi kinh tế cũng như sinh kế của người dân ở Philippines”.

Năm 2020, thương mại song phương đạt 61,2 tỷ USD, trong đó Trung Quốc trở thành điểm đến xuất khẩu lớn thứ hai của Philippines. Đầu tư phi tài chính trực tiếp của Trung Quốc vào Philippines đạt 140 triệu USD trong năm đó. Đại sứ Trung Quốc cũng nói về một số khoản đầu tư hàng tỷ USD vào ngành viễn thông và sản xuất thép của Philippines, có thể nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử, Marcos Jr đã củng cố sự lạc quan của Bắc Kinh bằng cách mô tả Trung Quốc là “đối tác mạnh nhất” của Philippines, điều này sẽ rất quan trọng để giữ “sự ổn định của sự phục hồi kinh tế của chúng ta” giữa đại dịch Covid-19.

Từ năm 2023 đến năm 2028, chính quyền Marcos đang đặt mục tiêu duy trì chi tiêu cho cơ sở hạ tầng như một tỷ trọng trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 5 - 6%.

Bộ Công trình Công cộng và Đường cao tốc (DPWH) thông báo, cho đến nay, chính quyền trước đó chỉ hoàn thành 12 trong số 119 dự án hàng đầu (IFP) theo Chương trình ​​“Xây dựng  - Xây dựng - Xây dựng”, không đạt được tổng giá trị 5,08 nghìn tỷ peso (100 tỷ USD).

Nhưng với mức nợ đạt mức cao nhất trong 16 năm vào năm ngoái và thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng trong bối cảnh chi tiêu phục hồi đại dịch, chính quyền Marcos đang rất cần nguồn tài chính từ bên ngoài cho cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của mình.

Dự án đường sắt quốc gia Philippine National Railways (PNR) South Long-Haul Project của Philippines ban đầu do Trung Quốc cam kết đầu tư.jpg
Dự án đường sắt quốc gia Philippine National Railways (PNR) South Long-Haul Project của Philippines ban đầu do Trung Quốc cam kết đầu tư
Nguồn: albaytv

Linh hoạt hơn đối với đầu tư cơ sở hạ tầng

Tuy nhiên, trong khi các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng hàng đầu của Trung Quốc dưới thời chính quyền Gloria Macapagal Arroyo (2001 - 2010) chìm trong bê bối tham nhũng, thì chính quyền Duterte (2016 - 2022) phần lớn không thu hút được bất kỳ khoản đầu tư đáng kể nào của Trung Quốc.

Mặc dù khác các quốc gia khác, Philippines không bị rơi vào “cái bẫy nợ”, nơi các quốc gia chìm trong nợ không bền vững, Philippines lại rơi vào “cái bẫy cam kết” của Trung Quốc, với một loạt những lời hứa suông nhưng đã thuyết phục cựu Tổng thống Philippines mềm mỏng với các vấn đề ở Biển Đông.

Như Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm Benjamin Diokno, người trước đây từng là Thư ký Ngân sách và Giám đốc Ngân hàng Trung ương dưới thời ông Duterte, gần đây đã thừa nhận: "Có rất nhiều lời hứa nhưng phần lớn không được thực hiện”.

Giờ đây, Thứ trưởng mới của DOTr Cesar Chavez, người cũng từng phục vụ trong Chính quyền cựu Tổng thống Duterte, cũng nhấn mạnh những lo ngại về những cam kết trống rỗng trước đó của Trung Quốc.

Chính quyền Marcos gần đây đã thông báo rằng Trung Quốc đã từ bỏ tham gia vào ba dự án lớn, đó là Dự án Đường sắt Subic-Clark; Dự án Đường sắt Quốc gia Philippines (PNR) South Long-Haul Project; và Dự án Đường sắt Mindanao (MRP).

Dự án PNR trị giá 142 tỷ peso (2,5 tỷ USD), còn được gọi là PNR Bicol Express - trước đó đã được trao cho một liên doanh của China Railway Group Ltd  và China Railway Engineering Consulting Group. Trong khi đó, tuyến Tagum-Davao-Digos trị giá 83 tỷ peso của MRP cũng được trao cho các đối tác Trung Quốc. Dự án Đường sắt Subic-Clark trị giá 51 tỷ peso đã được trao cho China Harbour Engineering Co.

Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục không thực hiện các yêu cầu tài trợ cho các dự án này, vốn chủ yếu dựa vào kỹ thuật, thiết bị, lao động và thiết kế của Trung Quốc.

“Nói tóm lại, Trung Quốc đã rút lui’, Thứ trưởng DOTr Chavez cho biết trong một bài phát biểu công khai gần đây. Tuy nhiên, quan chức giao thông vận tải nhấn mạnh cam kết của chính phủ mới trong việc kích hoạt lại các dự án trong trường hợp không có nhà thầu thay thế.

Tại cuộc họp Nội các ngày 12.7, Tổng thống Marcos cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc đưa ra mức lãi suất cao lên tới 3%, cao hơn nhiều so với mức 0,01% của Nhật Bản đối với các dự án cơ sở hạ tầng dựa trên vốn ODA. Thậm chí, cựu Bộ trưởng Tài chính Sonny Dominguez đã công khai cảnh báo chính quyền mới không nên ký hợp đồng với các khoản vay của Trung Quốc với lãi suất cao, để tránh nguy cơ rơi vào bẫy nợ.

Trước tình hình đó, Chính quyền của Tổng thống Marcos đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế bao gồm các khoản đầu tư từ các đối tác lâu đời như Nhật Bản cũng như nguồn tài chính tư nhân. Đặc biệt, chính phủ mới của Philippines đang xem xét các phương án hợp tác công tư (PPP) cho Dự án Đường sắt Subic-Clark và Đường sắt Mindanao giai đoạn 1 trị giá hàng tỷ USD.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục Chính sách 3B (Build Build Build). Vì vậy, chúng tôi sẽ xem xét tất cả các nguồn tài trợ có thể có”, Thư ký NEDA Arsenio Balisacan, người cũng giám sát các dự án PPP dưới thời chính quyền Benigno Aquino III (2010 - 2016) cho biết.

“Lý tưởng nhất là chúng tôi muốn PPP xem xét danh sách các dự án đầu tư công được trưng cầu, và mối quan tâm trước mắt của chúng tôi là mở rộng danh sách đó, cập nhật danh sách, đáp ứng cho khu vực tư nhân và nhu cầu của đất nước chúng ta.

Tuyên bố này báo hiệu một cách tiếp cận linh hoạt hơn đối với đầu tư cơ sở hạ tầng trên một nguồn tài chính đa dạng dưới chính quyền mới.

Quốc Đạt

Theo Asia Times