Châu Âu xem xét luật bảo vệ người lao động trước nắng nóng

- Thứ Sáu, 29/07/2022, 06:17 - Chia sẻ

Vừa qua, nhiều đợt sóng nhiệt đã ập tới Tây Âu gây ra những đợt nắng nóng kỷ lục ở nhiều nước khiến nhiều người thiệt mạng, Tổng Liên đoàn châu Âu (ETUC) đã kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua luật quy định nhiệt độ tối đa tại nơi làm việc trong khu vực này nhằm bảo vệ người lao động phải tiếp xúc trực tiếp với thời tiết cực đoan.

Còn khác biệt lớn

ETUC - hiệp hội gồm hơn 92 tổ chức công đoàn trên khắp châu Âu, cho biết, mới đây nhất, vào tuần trước 2 công nhân đã chết vì say nắng ở Tây Ban Nha, trong khi 12 người ở Pháp chết vì tai nạn lao động liên quan đến sóng nhiệt vào năm 2020. Theo số liệu thống kê, trên toàn khu vực EU, 23% công nhân tiếp xúc với nhiệt độ cao trong ít nhất 1/4 thời gian làm việc của họ, tỷ lệ này tăng lên 36% trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp và 38% trong lĩnh vực xây dựng. Cũng theo ETUC, hiện nay, chỉ có một số ít quốc gia trong khu vực có luật bảo vệ người lao động trong điều kiện nhiệt độ cao, nhưng với “sự khác biệt lớn” giữa các nước này.

Theo các công đoàn liên kết với ETUC, công nhân Bỉ có công việc đòi hỏi về thể chất không được phép làm việc khi nhiệt độ vượt quá 22°C. Giới hạn được quy định cao hơn 5°C ở Hungary cho cùng một loại công việc, trong khi với Slovenia giới hạn nhiệt độ là 28°C tại tất cả các nơi làm việc. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới, nhiệt độ làm việc tối ưu là từ 16 đến 24°C. Nguy cơ xảy ra tai nạn tại nơi làm việc tăng lên khi nhiệt độ tăng cao hơn ngưỡng này. Các triệu chứng ban đầu của sốc nhiệt bao gồm chóng mặt, nhức đầu và co cứng cơ, sau đó có thể dẫn đến nôn mửa, mất ý thức và tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng.

ETUC cho rằng, EU và chính phủ các quốc gia cần thực thi giới hạn nhiệt độ tại nơi làm việc bằng cách đảo ngược tình trạng việc cắt giảm các thanh tra lao động trong thập kỷ qua. Nhiều nghiên cứu tiết lộ, các cuộc thanh tra đã bị cắt giảm 1/5 kể từ năm 2010, giảm từ 2,2 triệu lượt hàng năm xuống còn 1,7 triệu lượt.

Phó Tổng thư ký ETUC Claes-Mikael Stahl cảnh báo, “người lao động đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu hàng ngày, họ cần được bảo vệ một cách thích hợp”, đồng thời nhấn mạnh “điều kiện thời tiết không liên quan đến biên giới quốc gia, do đó chúng ta cần luật chung để áp dụng trên toàn EU về nhiệt độ tối đa tại nơi làm việc”. Theo ông, “các chính trị gia không thể tiếp tục phớt lờ mối nguy hiểm đối với những người lao động dễ bị tổn thương nhất trong khi họ vẫn ngồi thoải mái trong văn phòng máy lạnh của mình”.

Các nhà khí hậu học lo ngại châu Âu đang hướng tới một mùa hè 50 độ C trong tương lai.

Nguồn: ITN Sóng nhiệt gây cháy rừng ở Tây Ban Nha
Sóng nhiệt gây cháy rừng ở Tây Ban Nha
Nguồn: ITN

Quy định của một số nước

Những lời kêu gọi ra các luật đặt ra mức trần nhiệt độ tại nơi làm việc đặt ra câu hỏi là khi nào thì quá nóng để làm việc. Ở cấp độ EU, chưa có quy tắc chung xác định nhiệt độ tối đa cho phép tại nơi làm việc, song một số quốc gia đã thực hiện quy định riêng của họ.

Ngoài những quốc gia đã được đề cập ở trên, tại Pháp, “Code du Travail” -  Bộ luật Lao động tuy không xác định nhiệt độ tối đa tại nơi làm việc, nhưng yêu cầu người sử dụng lao động phải bảo đảm cho người lao động có thể làm công việc của mình trong điều kiện an toàn - có thể bao gồm việc bảo vệ họ khỏi những rủi ro do nhiệt độ quá cao gây ra.

Theo một điều khoản của bộ luật, người sử dụng lao động trong lĩnh vực xây dựng phải cung cấp cho công nhân ít nhất 3 lít nước mỗi ngày - đây có thể được coi là biện pháp hỗ trợ chính trong những ngày nắng nóng. Ngoài ra, một điều khoản khác cho phép người lao động có thể dừng làm việc nếu họ lo sợ nguy hiểm ngay lập tức đến tính mạng.

Trong khi đó, tại Italy, cũng giống như Pháp không xác định nhiệt độ tối đa được phép làm việc, nhưng pháp luật hiện hành về lao động yêu cầu người sử dụng lao động bảo đảm người lao động của họ thực hiện công việc một cách an toàn.

Theo quyết định năm 2015 của Tòa thượng tố hàng đầu của quốc gia này, người lao động có quyền gián đoạn hoạt động của họ, mà không bị giảm thu nhập hoặc bị sa thải, nếu chủ lao động  không bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn hoặc bắt họ làm việc trong điều kiện nhiệt độ "cấm". Trong quyết định năm 2015, tòa án đã ra phán quyết trong một trường hợp liên quan đến nhiệt độ cực lạnh.

Khi nhiệt độ tăng cao ở Đức, cũng như trên hầu hết các nước Tây Âu, người Đức cũng bắt đầu tự hỏi quyền của họ là gì khi phải làm việc ở nhiệt độ cao, giống như sinh viên được phép nghỉ học vì thời tiết nóng bức vào mùa Hè.

Đức định nghĩa nhiệt độ tối đa nên đạt được ở nơi làm việc là 26 độ C trong những trường hợp bình thường, nhưng đây không phải là giới hạn được quy định trong luật. Nếu nhiệt độ vượt quá 26 độ C, người sử dụng lao động phải bảo đảm rằng người lao động tiến hành hoạt động một cách an toàn, bao gồm cung cấp nước uống khi nhiệt kế đạt 30 độ C và cho phép nghỉ giải lao. Khi nơi làm việc đạt đến nhiệt độ vượt quá 35 độ C, nó được coi là “không phù hợp” cho công việc trừ khi các biện pháp khác được thực hiện.

Hơn những quốc gia khác đã đề cập, Tây Ban Nha quy định nhiệt độ tối đa tại nơi làm việc khá rõ ràng. Viện Quốc gia về vệ sinh và an toàn tại nơi làm việc của Tây Ban Nha tuyên bố, nhiệt độ từ 17 - 27 độ C là bắt buộc đối với công việc trong văn phòng, trong khi công việc đòi hỏi nỗ lực thể chất nhẹ nhàng nên được thực hiện ở nhiệt độ từ 14 - 25 độ C.

Nếu người sử dụng lao động không tôn trọng những yêu cầu này, người lao động có thể báo cáo sự việc với cơ quan chính phủ, cụ thể là Thanh tra lao động và an sinh xã hội hoặc liên đoàn người lao động để bảo đảm rằng họ tuân thủ luật pháp.

Linh Anh