Cảnh báo khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ

- Thứ Hai, 25/07/2022, 05:45 - Chia sẻ

Sau một thời gian xem xét và đánh giá quá trình lây bệnh của đậu mùa khỉ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức kích hoạt cảnh báo cao nhất và tuyên bố virus này là tình trạng y tế khẩn cấp. Với việc “dán nhãn” cho căn bệnh này, đồng nghĩa WHO coi sự bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ là mối đe dọa đến sức khỏe toàn cầu, nguy cơ lây lan virus nhanh và có thể trở thành đại dịch tiếp nối dịch Covid-19.

Không phải một loại virus mới

Những nghiên cứu nhằm xác định trình tự virus cũng cho thấy virus đậu mùa khỉ đang lây lan là nhánh 3, một phần của chủng Tây Phi. Theo nghiên cứu, phiên bản Tây Phi có tỷ lệ tử vong thường dưới 1%. Nó cũng có ít độc lực hơn phiên bản nhóm 1 ở Trung Phi (có thể gây tử vong cho hơn 10% trường hợp mắc bệnh). Không giống như virus SARS-CoV-2, đậu mùa khỉ không phải là loại virus mới. Virus đậu mùa khỉ xuất hiện lần đầu tiên ở một đàn khỉ vào năm 1958 và sau đó đến năm 1970 ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tại châu Phi và bùng phát thành dịch. Kể từ đó, đậu mùa khỉ trở thành căn bệnh đặc hữu tại nhiều quốc gia châu Phi. Virus đậu mùa khỉ cùng họ với virus đậu mùa nhưng chúng không nguy hiểm bằng và thường gây ra những triệu chứng không quá nghiêm trọng.

Mặc dù nguồn gốc của đậu mùa khỉ là từ các quốc gia châu Phi, song trong thời gian gần đây, đậu mùa khỉ đã xuất hiện tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Theo báo cáo từ WHO, đến nay, hơn 16.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ đã được báo cáo trên 70 quốc gia, chỉ tính riêng trong năm 2022. Số ca nhiễm tăng 77% từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7. Ngoài châu Phi, các quốc gia châu Âu chính là nơi ghi nhận số ca nhiễm đậu mùa khỉ cao nhất. Một số quốc gia đã công bố ca nhiễm bệnh bao gồm Anh, Thụy Sĩ, Bỉ, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Italia, Pháp,… Ngoài ra, bệnh còn xuất hiện ở Israel, UAE, hay một số quốc gia ở vùng châu Mỹ như Mỹ, Argentina, Canada,… Hiện các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến đợt bùng phát dịch diện rộng này, và điều quan trọng là áp dụng phương pháp phòng bệnh hiệu quả và thường xuyên cập nhật những tin tức mới nhất về căn bệnh này.

Trước đây, những trường hợp virus đậu mùa khỉ lây từ người sang người là tương đối hiếm, nhưng hiện nay, virus này đang lây lan mạnh trong cộng đồng. Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nguy cơ do bệnh đậu mùa khỉ gây ra hiện nay trên toàn cầu là vừa phải, nhưng mối đe dọa cho châu Âu ở mức cao. Ông nhận định, mặc dù virus không thể làm gián đoạn thương mại hoặc du lịch của toàn cầu ngay lập tức, nhưng nó có nguy cơ cao sẽ tiếp tục lây lan khắp thế giới, và dần dần sẽ trở thành mối lo về bệnh dịch tiếp theo của nhân loại.

WHO nhấn mạnh rằng, cộng đồng quốc tế đã không đầu tư đủ nguồn lực để chống lại bệnh đậu mùa khỉ tại châu Phi trước khi nó bùng phát ra toàn cầu. Dựa trên sự thành công trong cuộc chiến chống lại bệnh đậu mùa cũng như công cụ dùng để tiêu diệt, nó sẽ cung cấp cho các quan chức y tế những kiến ​​thức quan trọng để chống chọi với đậu mùa khỉ.

Nguồn: Reuters
Nguồn: Reuters

Tuyên bố mới của WHO có tác động như thế nào?

Trước sự lây lan khó lường của bệnh đậu mùa khỉ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết, các thành viên của một ủy ban chuyên gia đã họp vào hôm 21.7 để thảo luận về khả năng công bố tình trạng y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, việc đưa ra quyết định gặp nhiều bất đồng khi 9 thành viên phản đối và 6 người khác ủng hộ, điều đó buộc ông phải đứng ra công bố, và đây cũng là lần đầu tiên người đứng đầu cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc có hành động như vậy. Khác với Mỹ, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại quốc gia này nhằm huy động quỹ hỗ trợ ứng phó đối với thảm họa như bão hoặc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, song tuyên bố của WHO lại không mang ý nghĩa như vậy. Thay vào đó, tuyên bố bệnh đậu mùa là tình trạng khẩn cấp của WHO giống như một tín hiệu, thông báo cho các sở y tế trên toàn thế giới rằng việc ứng phó với đợt bùng phát là cấp bách. Điều này có thể huy động sự giúp đỡ cho các quốc gia có nguồn lực yếu hơn.

Tuyên bố về một đợt bùng phát là tình trạng khẩn cấp báo hiệu rằng, WHO có kế hoạch cung cấp các hướng dẫn khoa học và lâm sàng nhằm giúp nhân viên y tế công cộng trên toàn thế giới kiểm soát dịch bệnh. Tình huống khẩn cấp buộc các nước phải chia sẻ vaccine, cũng như giám sát ca bệnh sát sao hơn. Điều này nhấn mạnh về việc tiêm phòng đóng một vai trò quan trọng để kiểm soát sự lây truyền đậu mùa khỉ và loại vaccine này hiện đã có sẵn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết, cơ quan này cũng ủng hộ tuyên bố của WHO và hy vọng tuyên bố này sẽ thúc đẩy những nỗ lực chung của quốc tế để đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều chuyên gia khác cũng hy vọng, việc Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp có thể mang đến sự công bằng trong việc phân phối nguồn lực cũng như vaccine phòng đậu mùa khỉ trên phạm vi toàn cầu. Hiện các quốc gia bao gồm Anh, Canada, Đức và Mỹ đã đặt mua hàng triệu liều vaccine đậu mùa khỉ, nhưng không một liều vaccine nào được chuyển đến châu Phi.

Trước tình hình này, Giám đốc WHO châu Âu Hans Kluge cho biết, việc tuân theo một kế hoạch công bằng hơn về phân phối vaccine đậu mùa khỉ sẽ là bước quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, WHO cũng đưa ra các khuyến nghị liên quan đến chiến lược tiêm chủng, điều này thúc đẩy các quốc gia phối hợp để tăng nguồn cung cấp vaccine cho các nước nghèo. Theo WHO, thế giới cần rút ra bài học từ đại dịch Covid-19 về tầm quan trọng của sự phối hợp toàn cầu nhằm bảo đảm phân phối vaccine được nhanh chóng và công bằng. Về tình trạng khẩn cấp của đậu mùa khỉ được coi như hồi chuông cảnh báo được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hành động để những sai lầm tương tự không lặp lại. WHO hy vọng sự phối hợp toàn cầu sẽ ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ lan ra ngoài cộng đồng.

Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết, việc đưa ra quyết định bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhằm bảo đảm cộng đồng quốc tế quan tâm tới các đợt bùng phát hiện nay một cách nghiêm túc. Do đó, tuyên bố khẩn cấp của WHO có thể giúp các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới có sẵn quỹ để mua vaccine cũng như tiến hành các hoạt động khác ngăn chặn dịch bệnh bùng phát ở cả phương Tây và châu Phi. Dù vậy, ông Mike Ryan nhấn mạnh rằng, khi tiêm vaccine này trước khi bị phơi nhiễm không giống như tiêm thuốc chống virus. Vaccine cần thời gian để phát huy tác dụng, và có thể mất đến ba tuần. Do đó, việc tiêm phòng không mang lại cho người được tiêm sự bảo vệ tức thì, và cách tốt nhất để tránh nhiễm bệnh là tránh tiếp xúc với virus.

Như Ý