HỘI NGHỊ CẤP CAO ĐẶC BIỆT MỸ - ASEAN

Cân bằng khu vực và song phương

- Thứ Ba, 10/05/2022, 07:23 - Chia sẻ

Vào ngày 12 - 13.5, nước Mỹ sẽ đăng cai Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ- ASEAN để kỷ niệm 45 năm quan hệ giữa Mỹ và khối liên kết các nước Đông Nam Á. Hội nghị thượng đỉnh, ban đầu dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3 nhưng đã bị hoãn lại do sự vắng mặt của một số nhà lãnh đạo khu vực. Mặc dù diễn ra muộn so với dự kiến, Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới hứa hẹn sẽ có những bước đi đột phá trong việc thúc đẩy quan hệ Mỹ- ASEAN. Bằng cách tập trung vào ASEAN và tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, Mỹ tìm cách giải quyết khoảng cách trong phạm vi tiếp cận với khu vực.

Yếu tố định hình chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ

Từ năm 2021, khi chính quyền Biden nhậm chức, cách tiếp cận quan trọng đối với khu vực ASEAN là tái tập trung các nỗ lực nhằm tạo ra một số cảm giác cân bằng trong quan hệ với khối này, đặc biệt là sau những nỗ lực tai hại của chính quyền Trump làm suy yếu chủ nghĩa đa phương khu vực và làm trầm trọng thêm mối quan hệ đối địch với Trung Quốc. Trong khi tình trạng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn, những diễn biến mới trong quan hệ quốc tế đang phức tạp hơn với tình hình chiến sự ở Ukraine, khiến cách tiếp cận của Mỹ đối với Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi cả hai sự kiện này. Đối với Mỹ, Đông Nam Á vẫn quan trọng về cách Mỹ sẽ định hình chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình, trong khi ASEAN vẫn cần phát triển chiến lược của mình cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn một cách chặt chẽ.

Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Thái Lan vào cuối tháng 6.2019, một tài liệu quan trọng đã được ASEAN thông qua có tên là “Cái nhìn của ASEAN tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (The ASEAN outlook on the Indo-Pacific). Indonesia trở thành tác giả chính đường lối tiếp cận của ASEAN. Trong tài liệu thông qua tại Thái Lan, các quốc gia Đông Nam Á đã nói rõ nguyên tắc chính của họ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là tính toàn diện và vị trí trung tâm của ASEAN. Tính toàn diện yêu cầu tất cả các quốc gia trong khu vực cần bình đẳng gia nhập cấu trúc mới, sẽ không loại trừ bất kỳ ai. Đó là, các thành viên ASEAN chống lại sự phân biệt đối xử với bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc. Vai trò trung tâm của ASEAN ngụ ý nền tảng chính hợp tác của các nước khu vực sẽ là Hội nghị cấp cao Đông Á, ASEAN+3, ARF, ADMM+. Tài liệu này không ưu tiên cho bất kỳ cường quốc thế giới nào. Rõ ràng là tại thủ đô các nước Đông Nam Á, họ cho rằng thật nguy hiểm khi gia nhập liên minh chiến lược với một trong những quốc gia đang cạnh tranh quyền lãnh đạo trong khu vực.

Đối với chính quyền Biden, việc công nhận tầm quan trọng của ASEAN đối với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự cam kết tăng cường của Washington, vốn đã chứng kiến một loạt chuyến thăm cấp cao tới khu vực. Từ tháng 5 đến tháng 7.2021, cả Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đến thăm 6 trong số các quốc gia Đông Nam Á, đánh dấu một nỗ lực đáng kể trong việc thiết lập lại sự phù hợp của khu vực với chính quyền Mỹ. Chuyến thăm cấp cao của Phó Tổng thống Kamala Harris, sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan vào tháng 8.2021, được coi là một chỉ báo rõ ràng về tầm quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ngay cả khi sự kiện này diễn ra ngay trước thỏa thuận AuKuS. Trong khi chương trình nghị sự cốt lõi của chuyến thăm đó là nhấn mạnh lại cam kết của Mỹ đối với khu vực, có những lĩnh vực quan trọng mà sự khác biệt khá rõ ràng.

Những nỗ lực của Mỹ nhằm giải quyết sự cạnh tranh Mỹ - Trung đang diễn ra theo các thuật ngữ nhị phân - “tự do” so với “phi tự do” - không tìm thấy tiếng vang ở Đông Nam Á. Hơn nữa, các quốc gia như Singapore đã dứt khoát bác bỏ khái niệm về một cuộc Chiến tranh Lạnh khác trong khu vực, vốn hội nhập kinh tế với cả Mỹ và Trung Quốc. Điều này khiến ASEAN không còn nhiều lựa chọn ngoài việc giữ vị trí trung lập trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai cường quốc. Khi cạnh tranh quyền lực trong khu vực gia tăng, cần phải nhấn mạnh rằng ASEAN không nên bị coi là tiền chuộc cho những thay đổi này. Khu vực này dễ bị tổn thương hơn nhiều trước sự thay đổi, trong khi các thể chế của khu vực này vẫn chưa đầy đủ để giải quyết những thách thức.

Cân bằng khu vực và song phương -0
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần thứ 9 diễn ra theo hình thức trực tuyến vào tháng 10.2021

Lấp khoảng trống kinh tế

Vào tháng 10.2021, một Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN trực tuyến đã được tổ chức, tại đó Tổng thống Mỹ Biden đưa ra một loạt sáng kiến mới nhằm xác nhận cam kết của Mỹ đối với khu vực, từ khoản hỗ trợ 102 triệu USD tài trợ cho các vấn đề hai bên cùng quan tâm như phục hồi sau đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, khu vực này cũng nhận được 40 triệu liều vaccine từ Mỹ như một phần của chính sách ngoại giao vaccine và thêm 200 triệu uSD vật tư y tế để hỗ trợ đại dịch.

Các lĩnh vực hội nhập kinh tế với Mỹ vẫn là một vấn đề cốt lõi sẽ thúc đẩy lợi ích của Mỹ - ASEAN hơn nữa. Việc Mỹ rút khỏi TPP và quyết định của Chính quyền Biden không tham gia CPTPP đã tạo ra một khoảng trống quyền lực, nơi RCEP do ASEAN định hướng đã thay đổi những tính toán kinh tế có lợi cho Trung Quốc. Trong khi các động lực thúc đẩy cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực tương đối cao, đối với ASEAN, lĩnh vực kinh tế cũng vẫn có ý nghĩa quan trọng. Để giải quyết vấn đề này, hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10.2021 chứng kiến chính quyền Biden công bố Khung kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF), được coi là câu trả lời của Mỹ trong việc xây dựng khả năng phục hồi kinh tế lớn hơn giữa các nước đối tác trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với Đông Nam Á là nhân tố cốt lõi. IPEF tìm cách giải quyết các lĩnh vực như thực hành thương mại công bằng và bền vững, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, và đưa ra tiêu chuẩn về năng lượng và môi trường đồng thời giải quyết các nhu cầu về cơ sở hạ tầng và tính minh bạch. Những yếu tố này đã được nhắc lại thêm bởi chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken, tại đó, ông nhấn mạnh về cấu trúc kinh tế cho khu vực trong bối cảnh ASEAN là một bánh răng quan trọng trong cỗ máy chiến lược của Mỹ.

Tuy nhiên, có những thách thức vẫn tồn tại ngay cả khi Hội nghị Thượng đỉnh đang được thúc đẩy. Điều này liên quan đến mối quan hệ song phương của Mỹ với một số thành viên ASEAN. Myanmar sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh và vì vậy công thức này sẽ là cơ chế 1+9 tuân thủ nguyên tắc ASEAN về việc Myanmar được đại diện bởi một nhân vật không phải là quan chức. Hơn nữa, mối quan hệ chặt chẽ của cả Campuchia và Lào với Trung Quốc sẽ buộc Mỹ phải điều chỉnh các mối quan hệ với hai quốc gia này. Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là dịp để Mỹ điều chỉnh nhiều vấn đề trong đó cân bằng giữa khu vực và song phương sẽ là chìa khóa.

QUỐC ĐẠT