Quốc hội Mỹ thông qua Luật hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn

Bước đi quan trọng bảo đảm an ninh kinh tế

- Thứ Ba, 02/08/2022, 06:16 - Chia sẻ

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét ký ban hành Luật "Chips and Science" (tạm dịch: Chip điện tử và khoa học) trị giá 280 tỷ USD hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn và thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Đây được coi là một bước đi quan trọng mang tính đột phá mà Quốc hội Mỹ trước đó đã đồng thuận để bảo đảm an ninh kinh tế.

280 tỷ USD hỗ trợ, đầu tư phát triển

Dự luật Chips và khoa học đã được Hạ viện thông qua với 243 phiếu thuận và 187 phiếu chống; và nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại Thượng viện với 64 phiếu thuận, 33 phiếu chống trước khi được gửi đến Tổng thống.

Sau khi được chính thức ban hành, luật mới sẽ phân bổ 280 tỷ USD vào trợ cấp, miễn thuế và quỹ nghiên cứu nhằm thúc đẩy ngành bán dẫn nội địa Mỹ; trong đó, hỗ trợ 52 tỷ USD, tạo điều kiện cho ngành vi mạch nội địa đáp ứng các nhu cầu sản xuất nhiều mặt hàng từ điện thoại thông minh, ô tô đến vũ khí. Dự luật sẽ mở đường cho việc xây dựng các nhà máy mới của Intel, TSMC, GlobalWafers và các công ty khác có kế hoạch đầu tư bằng các khoản trợ cấp đó.

Đạo luật cũng bao gồm một khoản tín dụng 25% thuế đầu tư cho các nhà máy sản xuất chips ước tính trị giá 24 tỷ USD.

Các khuyến khích tài chính được chia nhỏ như sau:

50 tỷ USD  được phân bổ trong 5 năm để mở rộng khả năng sản xuất trong nước, tài trợ các chương trình R&D và các chương trình phát triển lực lượng lao động. Trong đó, 39 tỷ USD dành cho sản xuất chips cho ngành công nghiệp ô tô, quốc phòng và các ngành công nghiệp quan trọng khác; và 11 tỷ USD dành cho R&D và phát triển lực lượng lao động.

2 tỷ USD cho R&D liên quan đến quốc phòng và đào tạo lực lượng lao động bán dẫn.

500 triệu USD để phối hợp với các Chính phủ nước ngoài hỗ trợ thông tin và bảo mật chuỗi cung ứng cho chất bán dẫn, viễn thông và các công nghệ tiên tiến khác.

200 triệu USD để giáo dục các kỹ năng cần thiết để làm việc trong các cơ sở được tạo ra bởi các khuyến khích sản xuất. Người ta ước tính rằng ngành công nghiệp bán dẫn sẽ cần thêm 90.000 công nhân được đào tạo vào năm 2025.

Ngoài ra, luật mới còn hỗ trợ 200 tỷ USD trong 10 năm cho hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học nhằm tăng sức cạnh tranh của Mỹ, trong đó bao gồm 81 tỷ USD cho Quỹ Khoa học quốc gia (NSF), 10 tỷ USD hỗ trợ các trung tâm công nghệ địa phương và 68 tỷ USD dành cho Bộ Năng lượng.

du luat thuc day san xuat chip cua my xoa rao can thuong vien - Nguồn: br.atsit.in
Nguồn: br.atsit.in

Quốc hội đã nắm bắt cơ hội lịch sử

Tổng thống Biden trong một bài phát biểu được chuẩn bị trước, nói rằng: “Hôm nay, Hạ viện đã thông qua dự luật sẽ làm cho giá ô tô rẻ hơn, giá thiết bị rẻ hơn và giá máy tính rẻ hơn. Nó sẽ làm giảm giá thành của các hàng hóa thông thường. Và nó sẽ tạo ra việc làm lương cao trên khắp đất nước và đồng thời thúc đẩy vai trò đầu tàu của Mỹ trong các ngành nghề của tương lai”.

“Đạo luật Chips và khoa học chính xác là thứ mà chúng ta cần làm để phát triển kinh tế ngay bây giờ. Bằng việc khuyến khích sản xuất nhiều sản phẩm bán dẫn hơn tại nước Mỹ, luật này sẽ gia tăng sản xuất nội địa và làm giảm chi phí cho các gia đình”, ông Biden nói thêm.

Tổng thống Biden kết luận rằng, luật mới sẽ cải thiện việc làm và an ninh quốc gia thông qua việc giúp nước Mỹ ít phụ thuộc hơn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài. Các chips legacy là các chất bán dẫn được sản xuất bằng các công nghệ đã có, hầu hết hiện có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc) và các nơi khác ở Đông Á. Sự phụ thuộc đó hiện được coi là rủi ro cao đối với an ninh kinh tế, an ninh quốc gia Mỹ.

Ông John Neuffer, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), tuyên bố: “Bằng cách thông qua Đạo luật Chips, Quốc hội đã nhìn ra và đương đầu với một thách thức quan trọng trong thời đại chúng ta, nắm bắt cơ hội lịch sử để củng cố sản xuất, thiết kế và nghiên cứu chất bán dẫn của Mỹ, đồng thời mang lại thắng lợi lớn cho đất nước chúng ta. Các khoản đầu tư của dự luật vào sản xuất và đổi mới chips sẽ củng cố nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ - cả hai đều phụ thuộc rất nhiều vào chip - và củng cố chuỗi cung ứng chất bán dẫn của nước ta”.

Thông cáo báo chí của SIA tiếp tục lưu ý: “Những khoản đầu tư này sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người Mỹ, thúc đẩy hàng trăm tỷ đô la đầu tư của các công ty chip ở Mỹ và bảo đảm chuỗi cung ứng chip linh hoạt hơn cho các ngành sản xuất chủ chốt ở Mỹ và cho cộng đồng an ninh quốc gia”.

Ông Ajit Manocha, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp vật liệu và thiết bị bán dẫn toàn cầu (SEMI) thì nhận định rằng: “Tín dụng thuế đầu tư và tài trợ cho các chương trình của Đạo luật Chips sẽ là công cụ thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn và R&D cùng với một loạt các chuỗi cung ứng phụ thuộc vào công nghệ của Hoa Kỳ, tạo ra hàng nghìn công việc có kỹ năng cao và bắt kịp với các chương trình khuyến khích trên khắp thế giới”.

“Với việc các nhà máy sản xuất chất bán dẫn phụ thuộc nhiều vào sự kết hợp phức tạp của các nhà cung cấp thiết bị và vật liệu, việc đưa những người đóng góp quan trọng này vào các biện pháp khuyến khích sẽ giúp bảo đảm tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của hệ sinh thái bán dẫn Hoa Kỳ”.

Cụm từ “bắt kịp với các chương trình hỗ trợ trên toàn thế giới” ám chỉ sự kết thúc của cách tiếp cận tự do khiến ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ phải tự chống đỡ để cạnh tranh với các chính sách khuyến khích của Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

SIA chỉ ra rằng “Tỷ trọng năng lực sản xuất chất bán dẫn hiện đại ở Mỹ đã giảm từ 37% năm 1990 xuống còn 12% ngày nay”. Để đảo ngược xu hướng này đòi hỏi một chính sách công nghiệp hiệu quả. Đạo luật Chips và khoa học là một khởi đầu tốt. Những công ty được trợ cấp sẽ bị cấm “mở rộng hoặc xây dựng năng lực sản xuất mới cho một số chất bán dẫn tiên tiến ở các quốc gia cụ thể có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ”.

Quốc hội Mỹ mất hơn một năm để soạn thảo và thông qua đạo luật. Thành quả là cam kết về khoa học, công nghệ và sản xuất tiên tiến sẽ là cơ sở vững chắc cho việc cải thiện lâu dài khả năng cạnh tranh của Mỹ; là một bước quyết định trong bối cảnh Mỹ đang tìm mọi cách để bảo đảm an ninh kinh tế.