Bầu cử giữa kỳ có làm thay đổi cán cân quyền lực nước Mỹ?

- Thứ Sáu, 04/11/2022, 06:42 - Chia sẻ

Ngày 8.11 tới, theo quy định của Hiến pháp, nước Mỹ sẽ tiến hành cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, trong đó bầu lại toàn bộ Hạ viện gồm 435 ghế và bầu lại 35 trên tổng số 100 ghế ở Thượng viện đối với những thượng nghị sĩ đã hết nhiệm kỳ 6 năm cùng hàng loạt vị trí thống đốc tiểu bang và chính quyền địa phương. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang nỗ lực chuẩn bị nhằm giành được kết quả tốt nhất bởi cuộc bầu cử có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trên chính trường nước Mỹ.

Chiến lược của mỗi đảng

Đối với đảng Dân chủ, dù tên của Tổng thống Mỹ Joe Biden không có trên bất kỳ lá phiếu nào, song cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được coi như một cuộc trưng cầu ý dân toàn liên bang đối với kết quả điều hành chính phủ của ông Biden nói riêng, và đảng Dân chủ nói chung trong gần 2 năm qua. Kết quả bầu cử cũng sẽ phát đi tín hiệu về đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong ít nhất 2 năm tới.

Với lợi thế là đảng có tổng thống đang cầm quyền, gần đây phe Dân chủ đã thực thi một số chính sách nhằm tăng thêm uy tín và sự ủng hộ của cử tri cho đảng của mình, từ nỗ lực kiểm soát súng đạn đến giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng chăm sóc y tế... Chính quyền của ông Biden cũng quyết định hỗ trợ tài chính cho đối tượng là sinh viên cũng như giãn thanh toán các khoản nợ phải trả đến cuối năm nay, động thái mang tính chính trị nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri trẻ tuổi cho đảng Dân chủ. Tháng 8 vừa qua, đảng Dân chủ cũng giành được thắng lợi lớn khi Đạo luật Giảm lạm phát, một đạo luật quan trọng đã được thông qua, được xem là một điểm nhấn giúp tăng uy tín cho đảng Dân chủ và cá nhân Tổng thống Joe Biden trước cuộc bầu cử giữa kỳ.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa cũng đang nỗ lực vận động cho kỳ bầu cử. Là đảng đối lập, đảng Cộng hòa có thể gia tăng chỉ trích các chính sách hiện hành nhằm giảm uy tín của đối thủ, đồng thời đưa ra các hứa hẹn nhằm giành lá phiếu từ cử tri. Đảng Cộng hòa có lợi thế khi được cử tri hy vọng sẽ đưa ra các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhất là kéo giảm lạm phát, vấn đề mà chính quyền Tổng thống Biden hiện nay đang phải đau đầu đối phó. Lạm phát ở Mỹ đã lên cao kỷ lục trong nhiều năm, lên tới mức 9% lần đầu tiên sau 40 năm và đã vượt qua mức tăng trưởng về tiền lương. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa lại đang phải đối mặt với một cuộc tấn công vào uy tín của đảng xung quanh các cuộc điều tra được tiến hành nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump. Các nhà điều tra cho rằng cựu Tổng thống Mỹ nên trả giá cho các cáo buộc về hành vi lấy tài liệu mật, cũng như vai trò của ông liên quan đến cuộc tấn công vào đồi Capitol vào ngày 6.1 năm ngoái.

Nguồn: ITN

Kịch bản có thể xảy ra

Hiện nay, tại Hạ viện, đảng Dân chủ đang chiếm đa số với 220 ghế, trong khi đảng Cộng hòa kiểm soát 212 ghế, còn 3 ghế trống do các hạ nghị sĩ qua đời hoặc từ chức để chuyển sang công việc khác. Trong khi đó, ở Thượng viện thế cân bằng 50 - 50 được xác lập khi đảng Cộng hòa kiểm soát 50 ghế, đảng Dân chủ kiểm soát 48 ghế nhưng có hai thượng nghị sĩ độc lập đứng về phe đảng Dân chủ. Tuy nhiên, với tỷ lệ như trên, đảng Dân chủ vẫn là phe chiếm đa số ở Thượng viện vì theo quy định của Hiến pháp, Phó Tổng thống Kamala Harris đồng thời là Chủ tịch Thượng viện và lá phiếu của bà sẽ mang tính quyết định ở Thượng viện khi tỷ lệ bỏ phiếu là 50 - 50.

Đảng Dân chủ đang toàn quyền kiểm soát cả Nhà Trắng, Hạ viện và Thượng viện tuy nhiên có một xu hướng phổ biến trong lịch sử chính trường Mỹ, đó là đảng đang nắm giữ Nhà Trắng thường thất bại hoặc mất nhiều ghế trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. 22 trong số 25 cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trước đây, đảng của tổng thống đương nhiệm đã bị mất ghế và trong cuộc bầu cử lần này, sự chênh lệch không lớn giữa số lượng thành viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong hai viện càng khiến cuộc cạnh tranh thêm phần khốc liệt.

Kết quả của những cuộc khảo sát gần đây đều dự báo đảng Cộng hòa có khả năng lớn sẽ chiếm đa số ở Hạ viện và đảng Dân chủ có thể giữ được Thượng viện. Uy tín của Tổng thống Biden đang xuống thấp vì lạm phát lên cao và kinh tế xuống thấp khiến cho đảng Cộng hòa càng nhiều hy vọng sẽ chiếm đa số sau cuộc bầu cử năm nay.

Do không phải là cuộc bầu cử để chọn ra tổng thống nên các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ thường không được chú ý nhiều và tỷ lệ cử tri đi bầu thường thấp hơn so với tỷ lệ cử tri đi bầu trong các cuộc bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt hơn. Đây là cuộc bầu cử tầm cỡ quốc gia đầu tiên kể từ sau sự kiện hỗn loạn ở đồi Capitol đầu năm 2021 và do đó sẽ là cuộc kiểm tra xem liệu nước Mỹ có thể tổ chức cuộc bầu cử một cách trật tự và an toàn hay không. Hơn nữa, mặc dù chính quyền Mỹ cuối cùng cũng đã được chuyển giao, xong dư âm về vấn đề gian lận bầu cử và đặc biệt là sự chia rẽ trong nội bộ Mỹ, giữa phe ủng hộ và phe phản đối cựu Tổng thống Trump vẫn còn kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi cách đây hai năm.

Bên cạnh đó, sau cuộc bầu cử này, cũng chỉ còn hai năm nữa nước Mỹ lại đến kỳ bầu cử tổng thống và bầu lại toàn bộ Hạ viện vì các hạ nghị sĩ chỉ có nhiệm kỳ 2 năm. Vì thế cuộc bầu cử lần này còn được xem là một tín hiệu để cả hai đảng và các chính trị gia hàng đầu trong chính trường Mỹ chuẩn bị cho kỳ bầu cử tổng thống diễn ra trong hai năm tới. Kết quả cuộc bầu cử lần này chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến nội bộ hai đảng và đến việc có hay không ra tranh cử tổng thống vào năm 2024 đối với cựu Tổng thống Donald Trump và đương kim Tổng thống Joe Biden.

Rõ ràng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới là một cuộc bầu cử mang nhiều ý nghĩa với nước Mỹ. Kết quả của cuộc bầu cử này, với khả năng làm thay đổi cán cân quyền lực giữa hai đảng tại Quốc hội, cũng có thể sẽ dẫn tới những điều chỉnh trong chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ trong hai năm tới.   

Ngọc Hùng