Ấn Độ đặt mục tiêu đi đầu về năng lượng tái tạo

- Thứ Sáu, 22/04/2022, 06:56 - Chia sẻ
Trong bối cảnh cuộc chiến toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu, thông báo cuối năm ngoái của Ấn Độ về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070 có ý nghĩa quan trọng. Với mục tiêu đáp ứng 50% nhu cầu điện từ các nguồn năng lượng tái tạo của đất nước vào năm 2030, Chính phủ và nhân dân Ấn Độ hiện có chung trách nhiệm là biến sứ mệnh đó thành hiện thực.

Mục tiêu hoài bão

Theo News18, Ấn Độ là nước tiêu thụ điện lớn thứ 3 thế giới và cũng trở thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn thứ 3 vào năm 2020 sau khi đạt 38% công suất sản xuất năng lượng (136 GW trong tổng số 373 GW) từ các nguồn tái tạo. Quy mô chuyển đổi này đầy hứa hẹn và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát trong nước, bước đi dù đúng hướng nhưng do sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào than và dầu để tăng trưởng và hiện đại hóa công nghiệp, lượng khí thải CO2 hàng năm của Ấn Độ vẫn tăng lên mức cao thứ 2 trên thế giới, khiến con đường đạt được mức phát thải ròng bằng 0 chắc chắn không dễ dàng.

Mục tiêu năm 2030 của Thủ tướng Narendra Modi là giảm 45% lượng khí thải của Ấn Độ bằng cách bổ sung 500 GW từ các máy phát năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia, từ đó giảm gần một tỉ tấn khí thải CO2 của đất nước. Các mục tiêu đó, mặc dù đầy tham vọng, có thể dễ dàng đạt được với quá trình chuyển đổi năng lượng sạch suôn sẻ hơn, vốn đã được tiến hành theo Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris năm 2015.

Thực tế, Ấn Độ đã thực hiện quá mức cam kết của mình khi đáp ứng 40% công suất điện từ nhiên liệu không hóa thạch trước thời hạn khoảng 9 năm. Sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng các nguồn thay thế khả thi hơn, cùng với sự phát triển công nghệ, chính sách hỗ trợ ổn định và sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân, sẽ phản ánh rõ ràng nỗ lực của Ấn Độ trong quá trình sản xuất năng lượng xanh thông qua các nhà máy điện mặt trời với chi phí rẻ hơn than đá.

Nguồn: ITN

Giải quyết những thách thức

Dẫu vậy, những mục tiêu trên luôn đi kèm với những thách thức riêng vì Ấn Độ cũng là nhà nhập khẩu năng lượng lớn thứ 3 thế giới. Điều này dẫn đến giá hàng hóa tăng mạnh và thị trường thắt chặt hơn, khiến giá năng lượng trở nên đắt đỏ so với khả năng chi trả của nhiều người. Ngoài ra, việc nhiều nơi ở Ấn Độ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu nấu ăn truyền thống dẫn đến mức độ ô nhiễm ngày càng tăng. Đây là những trở ngại mà đất nước cần phải vượt qua.

Trong khi một số thách thức vừa được đề cập có thể được giải quyết bằng các biện pháp chính sách hiện hành như trợ cấp cho xe điện, phần còn lại có thể được giải quyết với sự hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho năng lượng tái tạo và các công nghệ năng lượng sạch mới, tiên tiến hơn như được ủng hộ trong ngân sách liên bang 2022 - 2023.

Chính phủ Ấn Độ đã cam kết dành gần 1.970 tỉ rupee cho năng lượng mới và năng lượng tái tạo trong ngân sách năm ngoái như một phần của kế hoạch 5 năm. Ngân sách này bao gồm 45 tỉ rupee cho model quang điện mặt trời hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc phân bổ hiện đã được tăng thêm 195 tỉ rupee cho các sáng kiến liên kết sản xuất nhằm thúc đẩy sản xuất các modul hiệu suất cao, ưu tiên các đơn vị sản xuất được tích hợp đầy đủ vào các modul điện mặt trời. Ngân sách liên bang của Ấn độ 2022 - 2023 đang được coi là biện pháp thúc đẩy lớn đối với quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, cũng như khuyến khích sản xuất thiết bị và pin năng lượng mặt trời trong nước.

Một bước tiến khác theo hướng này là tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman trong bài phát biểu về ngân sách của bà liên quan đến việc mở rộng hỗ trợ tài chính nhằm tạo điều kiện cho các nhà máy nhiệt điện than cùng đốt các viên sinh khối với tỷ lệ 5 - 7%, giúp giảm khoảng 38 triệu tấn phát thải khí nhà kính mỗi năm. Các nhà máy không chỉ cung cấp thêm thu nhập cho nông dân, tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương, đồng thời giúp tránh tình trạng đốt rơm rạ trên các cánh đồng nông nghiệp.

Các biện pháp chính sách đang thực hiện kết hợp với nguồn vốn, sau khi được thực hiện đầy đủ, có thể giải quyết một số thách thức bằng cách đẩy nhanh việc chuyển đổi sang các công nghệ sạch và hiệu quả hơn. Trong khi tăng cường nỗ lực thúc đẩy các hộ gia đình tiến tới quá trình chuyển đổi ổn định khỏi việc sử dụng sinh khối truyền thống như đốt củi, Ấn Độ cũng đang đặt nền móng cho việc tăng cường sử dụng các công nghệ mới nổi như hydro, lưu trữ pin, thép cacbon thấp, xi măng và phân bón.

Không chỉ dừng lại ở giảm phát thải nhà kính

Mục tiêu của Ấn Độ nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 không chỉ dừng lại ở việc giảm phát thải khí nhà kính. Quá trình chuyển đổi năng lượng của nước này còn hướng tới mục tiêu mang lại lợi ích cho người dân, đồng thời đưa đất nước trở thành trung tâm toàn cầu cho sản xuất và xuất khẩu hydro xanh. Hiện tại, Ấn Độ có khả năng tạo ra nhu cầu 5 triệu tấn hydro xanh để thay thế hydro xám trong các nhà máy lọc dầu và lĩnh vực phân bón. Điều đó có thể  giúp giảm 28 triệu tấn CO2, và phấn đấu giảm 400 triệu tấn CO2 vào năm 2050.

Theo dự báo tăng trưởng Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế được công bố vào ngày 25.1.2022, GDP của Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tăng 9% trong năm tài chính hiện tại và tiếp theo, ở mức 7,1% trong năm 2023 - 2024. Nghĩa là Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Và nếu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070, Ấn Độ có thể củng cố vị trí của mình như nhà tiên phong về mô hình phát triển kinh tế mới, có khả năng loại bỏ các phương pháp tiếp cận sử dụng nhiều carbon, đồng thời cung cấp kế hoạch chi tiết cho các nền kinh tế đang phát triển khác.

Ngọc Minh