Trung Quốc: “Toàn dân” thúc đẩy công nghệ

- Thứ Năm, 28/04/2022, 06:49 - Chia sẻ
Việc Trung Quốc đưa trở lại hệ thống “toàn dân” để thúc đẩy lĩnh vực công nghệ dường như đánh dấu một kỷ nguyên mới, nơi mà vai trò của Chính phủ đối với lĩnh vực này được trao một "chiếc đũa thần" hoàn toàn mới.

Sự trở lại của khái niệm “toàn dân”

Năm 2021 là một năm đặc biệt đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc khi Bắc Kinh đã có những bước đi tích cực nhất trong lịch sử để kiềm chế một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới bao gồm Alibaba và Tencent. Chính quyền Bắc Kinh đã có những động thái lập pháp và hành chính lớn để thúc đẩy chống độc quyền và quyền riêng tư.

Các ước tính cho thấy hơn 1 nghìn tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi giá trị vốn hóa thị trường tập thể của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Các cuộc thảo luận rộng rãi vốn chỉ tập trung vào động cơ cơ bản của các biện pháp cứng rắn này cho rằng, chúng nằm trong chương trình nghị sự cao cấp về “thịnh vượng chung” được Bắc Kinh thúc đẩy nhằm giải quyết khoảng cách thu nhập bằng cách khuyến khích người giàu đóng góp cho xã hội. Quy mô không lường trước của các biện pháp mạnh tay mà Chính phủ áp đặt đối với những gã khổng lồ công nghệ đã gây sốc cho các nhà đầu tư toàn cầu và làm dấy lên những cuộc tranh luận không ngớt. Nhưng điều đáng ra phải được chú ý hơn đó là Trung Quốc đang tập trung thúc đẩy kế hoạch phát triển công nghệ của mình bằng các nỗ lực “toàn dân”.

Hệ thống “toàn dân” là một cách tiếp cận cũ, thống trị trong thời kỳ kinh tế kế hoạch của Trung Quốc, nơi Chính phủ huy động và phân bổ nguồn lực thông qua chỉ huy hành chính. Bằng cách này, các nguồn lực trên toàn quốc có thể được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên để tăng tốc phát triển. Hệ thống “toàn dân” cũ đã lụi tàn sau khi Trung Quốc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường vào cuối những năm 1970, và cơ chế thị trường đã thịnh hành kể từ đó.

Thuật ngữ “toàn dân” đã được tiếp thêm sinh lực kể từ phiên họp toàn thể lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Khóa 19, năm 2019. Ông Tập Cận Bình đề xuất, nên xây dựng một “hệ thống toàn dân kiểu mới” thúc đẩy tiến bộ và đột phá công nghệ. Theo hệ thống này, Chính phủ đóng vai trò lớn hơn trong việc huy động các nguồn lực trong bối cảnh cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Khác với phiên bản cũ, hệ thống “toàn dân” mới liên quan đến cơ chế thị trường để phân bổ nguồn lực - nhưng dưới sự hướng dẫn của Chính phủ. Hệ thống này được hình dung để giải quyết những thách thức “mới” liên quan đến toàn cầu hóa và số hóa, thông qua việc tự tăng cường và giảm sự phụ thuộc vào đầu vào nước ngoài. Về cơ bản, hệ thống “toàn dân” mới sẽ đàm phán lại mối quan hệ giữa Chính phủ và thị trường, đây được cho là chủ đề trọng tâm trong 40 năm cải cách kinh tế của Trung Quốc.

Tái tạo khái niệm về một chiến lược đổi mới toàn dân hiện đã được đưa vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, giống như một “mô hình mới” của các thể chế toàn quốc. Các thể chế quốc gia như vậy được dự kiến để tạo điều kiện phối hợp các hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) giữa các đơn vị khác nhau gồm các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Loại cơ chế tiềm năng này cũng sẽ liên quan đến việc tập trung nguồn lực kinh tế và nhân lực vào một số đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp. Ngoài ra cũng có các phiên bản dành riêng cho từng ngành và địa phương, gồm các yếu tố chính như tích hợp và chuyển hướng các nguồn lực sang các công nghệ tiên tiến ưu tiên như trí tuệ nhân tạo và khoa học lượng tử, tăng cường nghiên cứu cơ bản, thành lập các phòng thí nghiệm quốc gia và các cụm công nghiệp. Điều này nhằm giải quyết tình trạng phân tán các sáng kiến ​​giữa các bộ trung ương và các dự án chồng chéo do chính quyền địa phương khởi xướng. Do đó, nhiều nguồn lực hơn sẽ được phân bổ có lợi cho các dự án, doanh nghiệp và khu vực nghiên cứu có chọn lọc trong các dự án trọng điểm do tập trung hướng dẫn, ví dụ trong các công nghệ cốt lõi như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Người ta cũng nhấn mạnh nhiều đến việc làm thế nào để giải phóng các lực lượng thị trường và khuyến khích các doanh nghiệp và nhân tài thúc đẩy sự đổi mới, thông qua các cơ chế như chính sách thuế ưu đãi, hỗ trợ tài chính, tiếp cận tín dụng và dữ liệu khoa học, và chia sẻ lợi nhuận. Cải cách thể chế cũng sẽ được cải thiện sâu sắc hơn để tạo thuận lợi cho các mục tiêu khác.

Vẫn còn những thận trọng

Trung Quốc vẫn rất tự hào về những thành tựu của việc tập trung nguồn lực kinh tế và khoa học - công nghệ thông qua việc chiến lược vận động toàn dân để phát triển bom nguyên tử, hạt nhân và vệ tinh trong những năm 1960. Một ví dụ điển hình khác việc xây dựng Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hong Kong - Ma Cao (GBA). Cho đến nay, sự hội nhập kinh tế của khu vực vẫn bị hạn chế bởi sự khác biệt về tiền tệ, hệ thống luật pháp và cơ cấu chính trị và kinh tế. Kể từ năm 2019, Bắc Kinh đã áp dụng cách tiếp cận “toàn dân” để đẩy mạnh hơn nữa GBA ở các thị trường tích hợp và lĩnh vực thử nghiệm. Thông qua quy hoạch cấp cao nhằm phá bỏ các rào cản khác nhau, mục tiêu là xây dựng một trung tâm đổi mới và công nghệ quốc tế, kết hợp các nguyên tắc cơ bản về công nghiệp của các thành phố đại lục với các ngành dịch vụ hiện đại ở Hong Kong và Ma Cao.

Những diễn biến mới này một lần nữa đặt ra một câu hỏi kinh điển: Các lý thuyết kinh tế tân tự do cho rằng sự can thiệp của chính phủ sẽ giết chết những đổi mới. Được xây dựng dựa trên những niềm tin này, thị trường tự do đã được bảo vệ chặt chẽ ở phương Tây. Sự xuất hiện trở lại của hệ thống “toàn dân” của Trung Quốc dường như đánh dấu một kỷ nguyên mới, nơi mà vai trò của Chính phủ trong ngành công nghệ được nâng lên một tầm cao mới. Mặc dù giới chức Trung Quốc khẳng định các cơ chế thị trường sẽ được kết hợp để đưa ra các biện pháp khuyến khích phù hợp. Nhưng liệu Trung Quốc thực sự có đường lối mới kết hợp thành công các lực lượng Chính phủ và thị trường để hưởng lợi từ cả hai?

Quốc Đạt