Tin tốt lành với Pháp và châu Âu

- Thứ Ba, 26/04/2022, 06:56 - Chia sẻ
Chiến thắng của ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 không quá gây bất ngờ nhưng vẫn là một tin tốt lành đối với Pháp và toàn châu Âu trong bối cảnh lục địa già đang cần sự đoàn kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Theo kết quả cuối cùng của Bộ Nội vụ, được công bố vào tối ngày 24.4 theo giờ địa phương, đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giành được 58,8% số phiếu bầu, trong khi đối thủ là ứng cử viên theo đường lối cực hữu, bà Marine Le Pen chỉ giành được 41,2% số phiếu.

Phát biểu trong lễ ăn mừng tại quảng trường Champs de Mars dưới chân tháp Eiffel, ông Emmannuel Macron đã gửi lời cảm ơn đến toàn thể người dân Pháp. “Sau gần 5 năm biến động, có những khoảnh khắc hạnh phúc xen lẫn khó khăn với các cuộc khủng hoảng sâu sắc, hôm nay, ngày 24.4.2022, đa phần cử tri Pháp đã tin tưởng lựa chọn tôi làm người đứng đầu đất nước trong 5 năm tiếp theo”- ông Emmannuel Macron cho biết, trước khi cam kết với những người ủng hộ mình rằng "sẽ không bỏ rơi ai bên đường".

Khi bắt đầu vận động tranh cử, ông Macron, 44 tuổi, được hưởng lợi từ quan điểm và nỗ lực ngoại giao đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine mà ông theo đuổi. Nhưng sự hỗ trợ đó giảm mạnh trong những ngày trước vòng bỏ phiếu đầu tiên hôm 10.4 khi người dân Pháp tập trung nhiều vào các vấn đề trong nước và lạm phát tăng vọt.

Chiến thắng trên giúp ông Macron trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên giành được nhiệm kỳ thứ hai trong vòng 2 thập kỷ qua; đồng thời, trở thành người thứ 3 tái đắc cử Tổng thống Pháp, sau hai người tiền nhiệm là các cố Tổng thống Francois Mitterand (1981 - 1995) và Jacques Chirac (1995 - 2007).

Ông được dự đoán sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu “toàn dụng lao động” và thay đổi tuổi nghỉ hưu của người lao động từ 62 lên 65 tuổi.

Tuy nhiên, ông Macron cũng phải đối mặt với một loạt thách thức trong nhiệm kỳ thứ hai, trước mắt là cuộc bầu cử Quốc hội vì cần giữ đa số ghế để hiện thực hóa tham vọng cải cách đất nước. Bên cạnh đó ông còn có sứ mệnh hàn gắn sự chia rẽ của nước Pháp sau cuộc bầu cử, tiếp đến là các vấn đề cải thiện sức mua của người dân, tìm lối thoát cho cuộc xung đột Nga - Ukraine, thúc đẩy các mục tiêu khí hậu, giảm tỷ lệ thất nghiệp, cải cách hưu trí…

Trong bài phát biểu chiến thắng tại Champ de Mars dưới chân Tháp Eiffel, ông Macron nói: “Phải tìm ra câu trả lời về sự tức giận và bất đồng khiến nhiều người dân bỏ phiếu cho phe cực hữu. Đó là trách nhiệm của tôi và những người xung quanh”.

Tỷ lệ phiếu trắng cao kỷ lục

Phản ứng trước thắng lợi của ông Emmanuel Macron, các chính trị gia địa bàn cho rằng chiến thắng của ông Macron là điều tốt lành cho sự thống nhất của nước Pháp.

Tuy nhiên, tỷ lệ người dân không tham gia bỏ phiếu lên tới 28,01%, con số cao nhất ở vòng hai trong một cuộc bầu cử tổng thống Pháp kể từ năm 1969. Trong đó, tỷ lệ phiếu trắng 6,35% số phiếu và phiếu không hợp lệ là 2,25%. Điều này cho thấy sự thất vọng của người dân đối với cuộc bầu cử. Ông Macron được chọn chỉ vì người dân Pháp không muốn một chính trị gia theo đường lối cực hữu lên nắm quyền.

Con số báo động từ cực hữu

Mặc dù đã thừa nhận thất bại, bà Le Pen cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022 vẫn là một thành công vang dội khi lực lượng cực hữu đã giành được tỷ lệ ủng hộ cao nhất từ trước đến nay.

“Những ý tưởng mà chúng tôi đại diện đạt được tầm cao mới vào buổi tối hôm nay, trong vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống”. Sau khi nhận kết quả kiểm phiếu, bà Marine Le Pen hài lòng với điểm số của mình, bất chấp thất bại rất rõ ràng. "Kết quả của đêm nay tự nó thể hiện một chiến thắng vang dội", ứng cử viên của đảng Tập hợp Nhân dân tuyên bố từ Pavillon d'Armenonville.

Bà Marine Le Pen thực sự có lý do để mỉm cười, vì bà đã đạt được tỷ lệ phiếu bầu nhiều hơn gấp đôi số phiếu mà cha bà - ông Jean-Marie Le Pen đạt được trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002. Bản thân bà cũng đã nâng cao số phiếu của mình một cách vượt bậc so với lần ứng cử đầu tiên năm 2017.  Năm 2012, bà về thứ 3 với 17,9% số phiếu. Năm 2017, bà qua được vòng 1 nhưng đành lùi bước trước ông Macron sau khi nhận được chưa đến 34% số phiếu trong vòng tiếp theo. Còn lần này, bà về nhì, với hơn 41% số phiếu cử tri đi bầu.

Trước sức mạnh của tiến bộ này, Marine Le Pen cho biết sẽ ngay lập tức chuyển sang cuộc bầu cử lập pháp. "Tôi sẽ tiếp tục cam kết của mình với nước Pháp và nước Pháp", ứng cử viên đảng Tập hợp Nhân dân tuyên bố, trước khi nói thêm: "điểm số lịch sử của buổi tối hôm nay đặt đảng của chúng tôi trong điều kiện tuyệt vời để có được một số lượng lớn số ghế trong Quốc hội vào tháng 6 tới".

Tổng thống Macron mừng chiến thắng tối ngày 24.4

Nguồn: theintercept 

Châu Âu thở phào

Không chỉ là một tin tức tốt lành với nước Pháp, chiến thắng của ông Macron còn giúp các nhà lãnh đạo châu Âu thở phào nhẹ nhõm. Ngay sau tin về kết quả bầu cử, liên tiếp các lời chúc mừng đã được gửi đến cho ông Macron trong đó, sự yên tâm về ổn định của châu Âu là trọng tâm trong những thông điệp này.

Thủ tướng Ý Mario Draghi gọi chiến thắng của Macron là "tin tuyệt vời cho toàn châu Âu" trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng cử tri Pháp đã cho thấy cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mạnh mẽ ở châu Âu.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết Liên minh châu Âu hiện có thể "trông cậy vào nước Pháp" trong 5 năm nữa. Ông Michel viết trên Twitter: "Trong thời kỳ hỗn loạn này, chúng ta cần một châu Âu chắc chắn và một nước Pháp hoàn toàn cam kết với một Liên minh châu Âu có tính chủ quyền hơn và tầm chiến lược hơn".

Thủ tướng Anh Johnson đã hoan nghênh kết quả bầu cử tổng thống Pháp, cam kết hợp tác với ông Macron. Nhà lãnh đạo Anh nói rằng "Pháp là một trong các đồng minh gần gũi nhất và quan trọng nhất của chúng tôi".

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde (người quốc tịch Pháp) đã dành những lời nồng ấm cho ông Macron. Bà nói "sự lãnh đạo mạnh mẽ là thiết yếu trong những thời khắc bất định".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng lãnh đạo các nước Thụy Điển, Romania, Litva, Phần Lan, Hà Lan, và Hy Lạp đều có lời chúc mừng trong vòng nửa tiếng đồng hồ kể từ khi có kết quả bầu cử Pháp. Thủ tướng Hà Lan nói: "Tôi mong chờ tiếp tục hợp tác rộng và mang tính xây dựng với EU và NATO, và củng cố hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước chúng ta".

Trong khi đó, Bộ trưởng tài chính Đức Christian Lindner nói rằng chính châu Âu là bên giành chiến thắng lớn nhất trong cuộc bầu cử Pháp lần này.

Thủ tướng Italy Mario Draghi cho rằng kết quả bầu cử Pháp là "tin tức tuyệt vời đối với toàn bộ châu Âu".

Sau khi Anh bất ngờ lựa chọn rời khỏi EU còn ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, khối EU đã rất cảnh giác về các cuộc cải cách kinh tế - xã hội mang tính bùng nổ của bà Le Pen, ngay cả khi các kết quả thăm dò cho thấy ông Macron sẽ giành chiến thắng trong vòng 2 vào hôm 24.4.

Đạt Quốc