Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN :

Quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện - kỷ nguyên mới cho quan hệ Mỹ - ASEAN

- Thứ Hai, 16/05/2022, 06:37 - Chia sẻ

Trong tuyên bố "tầm nhìn chung" kết thúc 2 ngày diễn ra Hội nghị cấp cao đặc biệt, Mỹ và ASEAN quyết định sẽ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Sự kiện được kỳ vọng sẽ mở ra "kỷ nguyên mới" giữa Mỹ và khu vực Đông Nam Á.

Tăng cường hợp tác và duy trì hòa bình

Trong Tuyên bố Tầm nhìn chung, Mỹ và ASEAN quyết định sẽ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện "có ý nghĩa, thực chất và cùng có lợi" từ tháng 11.2022. Việc Mỹ thúc đẩy việc nâng cấp quan hệ với ASEAN đã được giới quan sát dự đoán từ trước, xét đến việc khối này và Trung Quốc, Ausstralia đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm ngoái. 

Tuyên bố chung Mỹ - ASEAN gồm 28 điểm đúc kết những gì Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN đã trao đổi, làm việc suốt 2 ngày tại Mỹ.

Liên quan vấn đề Biển Đông, Mỹ và các nước ASEAN nhấn mạnh sự ổn định và hòa bình trên vùng biển này có ý nghĩa với tất cả các bên, đồng thời kêu gọi giải quyết bất đồng bằng luật pháp quốc tế. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tuân thủ những nguyên tắc, giá trị và chuẩn mực chung nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiến chương ASEAN, Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN), Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và Tài liệu quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).  

Các bên cũng nhất trí: việc tạo dựng một môi trường hòa bình nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác và các mối quan hệ hữu nghị hiện có giữa các nước cũng rất quan trọng; phù hợp với các nguyên tắc bình đẳng, đối tác, tham vấn và tôn trọng lẫn nhau, trên cơ sở Tuyên bố Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi (Nguyên tắc Bali). Tăng cường và xây dựng Quan hệ đối thoại ASEAN - Mỹ toàn diện hơn nữa, nhằm tiếp tục thúc đẩy và duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Mỹ cũng ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì khu vực Đông Nam Á là một khu vực phi vũ khí hạt nhân được khẳng định trong Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (Hiệp ước SEANWFZ) và Hiến chương ASEAN, nhằm tăng cường cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân, và giải trừ vũ khí hạt nhân, theo quy định tại Điều VI của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình như quy định tại Điều 4 của NPT. 

us-asean4-16524996663441068802361.jpg
Nguồn: The Straits Times

Từ ứng phó dịch bệnh đến phục hồi kinh tế

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra sau khi Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với một ASEAN mạnh mẽ và độc lập, đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực, theo Viện Hòa bình Mỹ. Hơn nữa, Mỹ cũng đang tìm cách tăng cường hợp tác với ASEAN nhằm hỗ trợ phục hồi sau những cú sốc toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và một số vấn đề địa chính trị. Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng, thông qua hội nghị này có thể chuyển tải đến các lãnh đạo ASEAN rõ ràng hơn mong muốn của Mỹ cam kết mở rộng sự gắn kết với các nước ASEAN.

Hiện nay, ASEAN đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch và an ninh y tế bằng cách tăng cường các hệ thống và năng lực y tế quốc gia và khu vực, như thông qua sáng kiến Tương lai Y tế ASEAN - Mỹ. Theo đó, Mỹ thể hiện sự ủng hộ bằng việc cam kết hỗ trợ tài chính toàn cầu đầy đủ, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch, trong đó có sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đồng thời, có sự hỗ trợ từ các Đối tác Đối thoại thông qua các sáng kiến bao gồm Chương trình đối tác vaccine của Nhóm Quad, tạo điều kiện tiếp cận công bằng đối với các dịch vụ y tế và thuốc điều trị an toàn, chất lượng với giá cả phù hợp. Mỹ cam kết đầu tư và tăng cường các hệ thống y tế thông qua bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, đặc biệt là về chăm sóc sức khỏe cơ bản và tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu, tăng cường và đào tạo lực lượng nhân viên y tế làm nền tảng vững chắc cho y tế và an ninh y tế khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc tăng cường kết nối và quan hệ kinh tế cũng được Mỹ cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, công bằng và phát triển bền vững hơn, thông qua triển khai Thỏa thuận Khung ASEAN - Mỹ thương mại và đầu tư, cũng như chương trình làm việc về các Sáng kiến Hợp tác kinh tế mở rộng. Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế và bảo vệ môi trường phù hợp, nhu cầu về cơ sở hạ tầng của khu vực cũng được Mỹ thông qua thúc đẩy đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao, ít carbon và tự cường trước biến đổi khí hậu. Nhằm đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và hỗ trợ các công nghệ mới nổi, trong đó có xe điện, Mỹ sẽ hợp tác kết nối giao thông, bao gồm đường bộ, hàng không, hàng hải và các chương trình tạo thuận lợi cho giao thông.

Biến đổi khí hậu cũng là vấn đề được quan tâm trên toàn cầu. Theo đó, nhằm hỗ trợ ứng phó với tình trạng này, việc phát triển năng lượng sạch và tái tạo được thúc đẩy hợp tác thông qua tài chính hỗn hợp và ứng dụng các công nghệ năng lượng carbon thấp tiên tiến và mới nổi. Tăng cường tiếp cận các dịch vụ năng lượng và an ninh năng lượng, bao gồm các nỗ lực hiện tại như các thành tố trong Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng (APAEC) hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng và củng cố tự cường năng lượng trong ASEAN, nhất là Mạng lưới điện ASEAN. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo cũng khẳng định cùng nhau bảo tồn đa dạng sinh học phong phú và tài nguyên thiên nhiên của ASEAN, bao gồm thông qua ngăn ngừa và xóa bỏ nạn phá rừng gây ra tình trạng suy thoái các hệ sinh thái. Song song với đó là khôi phục các hệ sinh thái quan trọng, như rừng, đất ngập mặn, các hệ sinh thái biển và ven bờ, và tiếp tục hợp tác với Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB).

Những dư địa

Nhiều năm qua, Mỹ đã tích cực tham gia, đóng góp trong các cơ chế, khuôn khổ do ASEAN chủ trì, cam kết ủng hộ đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống như hợp tác an ninh biển, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng. Song, một số điểm chưa đồng thuận liên quan vấn đề khu vực, quốc tế, vẫn đòi hỏi ASEAN và Mỹ cần có sự tăng cường bổ sung về lòng tin chiến lược. Việc Mỹ không có trong các cơ chế đa phương quan trọng của khu vực như CPTPP, RCEP cũng là một rào cản để hai bên siết chặt hơn hợp tác về kinh tế, thương mại và xa hơn thế. Do đó, Mỹ cần tìm ra cách họ có thể tham gia vào Đông Nam Á hiệu quả hơn thông qua tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại.

Những kết quả đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vừa qua được kỳ vọng sẽ tạo ra những động lực giúp đẩy mạnh hợp tác ASEAN - Mỹ vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Chuyên gia cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ Greg Poling cho biết, mặc dù giữa Mỹ và ASEAN vẫn có sự khác biệt trong cách nhìn nhận về một số vấn đề toàn cầu hiện nay như trật tự thế giới, sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 và kinh tế, nhưng tất cả những lĩnh vực này sẽ vẽ nên một bức tranh tổng thể trong mối quan hệ Mỹ và ASEAN, cùng với các đối tác khác của Mỹ.

Một số chuyên gia nhận định rằng, ASEAN luôn được đánh giá là cơ chế đóng vai trò trung tâm, bởi các thành viên của ASEAN tạo nên nền kinh tế lớn và năng động hàng đầu thế giới. Cho dù chính sách của Mỹ đối với khu vực hoặc đối với các quốc gia như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và các tổ chức khác, đều đặt ASEAN vào vị trí trung tâm bằng nhiều cách khác nhau. Việc Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng mạnh hơn hơn cũng là một nội dung quan trọng để sự hợp tác, phối hợp thêm hiệu quả.

Như Ý