Người phụ nữ làm nên lịch sử Pháp

- Thứ Tư, 18/05/2022, 06:44 - Chia sẻ

Chưa đầy 1 tháng kể từ khi tái đắc cử, ông chủ Điện Elysee Emmanuel Macron đã chính thức bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Bộ Lao động Pháp Elisabeth Borne làm Thủ tướng thay thế cho ông Jean Castex đã đệ đơn từ chức theo thông lệ sau cuộc bầu cử tổng thống. Như vậy, nữ chính trị gia 61 tuổi theo đường lối trung dung này đã trở thành người phụ nữ thứ hai trong lịch sử Pháp giữ chức vụ quan trọng này.

“Hãy theo đuổi giấc mơ của bạn!”

Theo AP, phát biểu ngay sau khi được bổ nhiệm, đề cập đến cảm xúc của mình khi được tin tưởng chọn vào chức vụ cao nhất mà một phụ nữ từng nắm giữ trong giới lãnh đạo chính trị Pháp, bà Elisabeth Borne cho biết: “Tôi muốn dành nghĩa cử này cho tất cả các bạn trẻ bằng cách nói với họ rằng, hãy theo đuổi ước mơ của bạn! Không có gì có thể ngăn cản cuộc chiến đấu giành vị trí của phụ nữ trong xã hội của chúng ta”.

Bên cạnh đó, bà khẳng định thêm, Pháp cần phải hành động “nhanh và mạnh mẽ hơn” để chống lại biến đổi khí hậu, cũng như cam kết sẽ làm việc nhiều hơn nữa để bảo vệ sức mua của Pháp, mối quan tâm số 1 của cử tri theo các cuộc thăm dò… Dự kiến, Tổng thống Macron và Thủ tướng Borne sẽ bổ nhiệm Chính phủ mới trong những ngày tới.

Nhiệm vụ đầu tiên của Thủ tướng Borne là bảo đảm đảng trung tâm của Tổng thống Macron và các đồng minh của đảng này sẽ làm tốt trong cuộc bầu cử Quốc hội của Pháp dự kiến diễn ra vào ngày 12 và ngày 19.6. Cuộc bỏ phiếu, khả năng kéo dài hai vòng, sẽ xác định nhóm nào nắm đa số ghế tại Hạ viện, vốn có tiếng nói cuối cùng trong quá trình xây dựng luật của Pháp. Ông chủ Điện Elysee hiện muốn tập hợp một liên minh cánh tả rộng rãi trong cuộc bầu cử này nhằm đối mặt với thách thức từ phía chính trị gia Jean-Luc Melenchon, người về thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống mới đây.

Tổng thống cũng cam kết đưa ra dự luật giải quyết chi phí sinh hoạt đang phi mã trong nước, nơi giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh. Dự luật này dự kiến sẽ do Chính phủ mới chuẩn bị và được trình ngay sau cuộc bầu cử Quốc hội.

Nếu đảng cầm quyền Phục Hưng của Tổng thống Pháp (được đổi tên từ đảng Nền Cộng hòa tiến bước) giành được đa số trong Quốc hội, Thủ tướng Borne sau đó sẽ cần bảo đảm rằng những thay đổi về lương hưu mà Tổng thống đã cam kết khi tranh cử sẽ được đưa vào luật, bao gồm việc nâng tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 62 lên 65. Theo giới quan sát, bà được đánh giá là nhà kỹ trị có năng lực và có thể đàm phán một cách cẩn trọng với các công đoàn trong lúc Tổng thống Macron bắt đầu thực hiện loạt cải cách xã hội mới, trong đó tăng độ tuổi nghỉ hưu được coi là quyết định có khả năng gây nguy cơ châm ngòi biểu tình.

Ngoài ra, ông chủ Điện Elysee còn hứa, tân Thủ tướng sẽ trực tiếp phụ trách “quy hoạch xanh”, tìm cách đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách liên quan đến khí hậu sau nhiều năm Pháp không đạt mục tiêu đề ra. Ông từng thề sẽ đi “nhanh gấp đôi” trong nhiệm kỳ thứ hai của mình để hạn chế phát thải khí nhà kính…

Untitled-1652779563204.jpg
Nguồn: ITN

Con đường sự nghiệp đáng nể

Mặc dù đã được “chọn mặt, gửi vàng” để lèo lái Nội các, nhưng bà Borne không hẳn được lòng tất cả ngay từ đầu. Thực tế, nhiều chính sách trước đây của bà dưới tư cách là Bộ trưởng Bộ Lao động từ năm 2020 từng bị nhiều người lao động, các nghiệp đoàn và cử tri cánh tả chỉ trích. Bà đã thực hiện nhiều thay đổi khiến những người thất nghiệp khó nhận trợ cấp hơn và giảm các khoản thanh toán hàng tháng cho một số người thuộc nhóm đối tượng này. Dẫu vậy, theo hãng tin Reuters, trong thời gian bà làm Bộ trưởng Bộ Lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm.

Năm 2018, với tư cách là Bộ trưởng Giao thông của Pháp, bà phải đối mặt với một cuộc đình công lớn từ công ty đường sắt SNCF chống lại kế hoạch mở mạng lưới tàu để cạnh tranh và chấm dứt quyền giữ lại việc làm cũng như phúc lợi suốt đời của nhân viên mới được thuê. Dẫu vậy, cuối cùng bà vẫn vượt qua được.

Con đường tới đỉnh cao quyền lực của bà được nhiều người đánh giá là rất đáng gờm, mặc dù chưa bao giờ nắm giữ chức vụ dân cử. Bà gần gũi hơn với cánh tả truyền thống của Pháp khi bắt đầu sự nghiệp, và đáng chú ý là từng làm tham mưu chính cho Bộ trưởng Bộ Sinh thái lúc bấy giờ là Ségolène Royal, dưới thời Tổng thống Francois Hollande.

Bà trở thành Giám đốc điều hành vào năm 2015 của công ty vận tải nhà nước RATP, vốn được giao trọng trách điều hành tàu điện ngầm Paris. Borne bắt đầu tham gia đảng trung tâm của Tổng thống Macron vào năm 2017. Bà sau đó được bổ nhiệm là Bộ trưởng Giao thông, rồi tiếp đến là Bộ trưởng Sinh thái lâm thời trong Chính phủ đầu tiên của ông Macron.

Elisabeth Borne là phụ nữ thứ hai giữ chức Thủ tướng Pháp sau bà Edith Cresson, người phục vụ trong giai đoạn 1991 - 1992 dưới thời Tổng thống Francois Mitterrand. Bà Cresson, trong bối cảnh giá cả tăng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp cao, đã không thể tại vị lâu và phải rời nhiệm sở sau chưa đầy một năm. Vừa qua, sau khi tin tức bà Borne trở thành Thủ tướng được đưa ra, bà Cresson chia sẻ với kênh truyền hình BFM rằng: “Đây thực sự là thời điểm cần có một người phụ nữ khác ở vị trí này và tôi biết bà Borne là một người nổi bật với nhiều kinh nghiệm. Tôi nghĩ đó là lựa chọn rất tốt”.

Trước đó, người tiền nhiệm của bà Borne là ông Jean Castex đã tới Điện Elysee để chính thức đề nghị từ chức và được Tổng thống Macron chấp thuận hôm đầu tuần. Ông Castex kế nhiệm ông Edouard Philippe vào tháng 7.2020 giữa đại dịch Covid-19. Ông đã tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp và vực dậy nền kinh tế của Pháp sau những thiệt hại do virus Corona gây ra và các đợt đóng cửa đại dịch liên tiếp.

Động thái từ chức của ông Castex, cũng như việc bổ nhiệm bà Borne đã mở đường cho cuộc cải tổ Nội các được trông đợi từ lâu của Tổng thống Macron, theo xu hướng Chính phủ sẽ mang tính “tập trung” hơn, với ít bộ trưởng hơn, quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề chính sách xã hội và phát triển xanh, theo cương lĩnh tranh cử mà ông đã cam kết.

Thái Anh