Mỹ trước áp lực lạm phát tăng cao

- Thứ Hai, 18/04/2022, 06:58 - Chia sẻ
Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng Mỹ (CPI) đã tăng 8,5% trong vòng một năm do chuỗi cung ứng đứt gãy và tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine. Đây là mức lạm phát cao nhất của Mỹ kể từ tháng 12.1981 và nó đã giáng đòn nặng nề vào ngành nông nghiệp của quốc gia này nói chung và nông dân Mỹ nói riêng.

Nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề

Tại bang Illinois - khu vực có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn thứ 5 Mỹ, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra kèm theo lạm phát tăng cao đã khiến ngành nông nghiệp vốn được coi như “giấc mơ Mỹ” giờ gặp nhiều trở ngại hơn bao giờ hết. Nhiều người cho rằng, nếu như giá cả thực phẩm tăng cao thì người nông dân càng có lợi, nhưng thực tế lại càng tệ hơn. Lạm phát kỷ lục đang giáng đòn mạnh lên nền kinh tế, trong đó ngành nông nghiệp phải hứng chịu hậu quả tồi tệ nhất.

Theo Hiệp hội ôtô Mỹ (AAA), giá xăng dầu trung bình tăng hơn 2 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) so với cùng kỳ năm 2021. Kể từ khi xung đột Nga và Ukraine nổ ra, giá phân bón cũng tăng 42%, buộc nông dân Mỹ phải tìm mọi cách để cắt giảm chi phí. Giá năng lượng tăng ảnh hưởng nặng nề đến nông dân từ đủ mọi góc độ, từ dầu diesel đến phân bón, những thứ rất quan trọng trong sản xuất. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp thực phẩm cho thế giới của Mỹ.

Theo Macro Trends, giá ngô tăng 11% và lúa mì tăng 13%, cùng đó là nhu cầu lúa mì tăng vọt do nguồn cung từ Nga và Ukraine bị tê liệt. Mặc dù nhu cầu tăng cao, nhưng mọi chi phí cũng leo thang rất khó tiết kiệm nhiên liệu bằng cách thay đổi kỹ thuật canh tác, do đó nông dân Mỹ rất khó tăng sản lượng để bù đắp nguồn thiếu hụt này.

Bên cạnh đó, trồng trọt, chăn nuôi từng là nghề thu hút nhiều người ở Mỹ, nhưng hiện nay, công việc kinh doanh này đang gặp nguy vì lạm phát leo thang và niềm vui làm nông giờ đây mất dần.

Với các trang trại sản xuất bơ sữa, mặc dù có những trang trại vẫn có lãi trong năm 2021 bất chấp đại dịch, nhưng những lợi nhuận này là do các khoản trợ cấp hào phóng từ chính phủ và những khoản trợ cấp như vậy là một phần nguyên nhân của lạm phát. Theo Nghị sĩ bang Wisconsin Tony Kurtz, chi phí tăng đang triệt tiêu khả năng tài chính của các trang trại quy mô nhỏ. Giá dầu diesel năm 2021 là 2,49 USD/gallon, cao hơn nhiều so với mức 1,68 USD/gallon năm 2019. Mức giá cao như vậy sẽ ảnh hưởng đến mọi nông dân trên toàn bang.

Nông dân khắp nước Mỹ đang chuẩn bị cho vụ mùa năm 2022. Một số trang trại do lo ngại xảy ra tình trạng thiếu phân bón đã quyết định bón phân tại trang trại của mình vào mùa thu năm ngoái. Các nông dân cho biết, họ làm vậy để bảo đảm có chút gì đó trong đất khi vào mùa canh tác năm nay, do không thể chắc chắn về nguồn cung. Năm 2021, giá mua phân kali là 773 USD/tấn nhưng tính đến tháng 3.2022, giá phân kali đã tăng lên mức 1.425 USD/tấn khiến cho nông dân khó có thể tính toán được khả năng chi trả cũng như lãi suất để sản xuất các sản phẩm. Hơn nữa, đi kèm với giá sản phẩm tăng thì chi phí vận chuyển các loại hàng hóa như sữa đến thị trấn cũng đã tăng lên 60.000 USD/năm, trong khi trước đây chỉ là 4.500 USD.

Không chỉ riêng Mỹ

Không chỉ riêng Mỹ, châu Âu và châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo tình hình căng thẳng tại Ukraine khiến giá lương thực và năng lượng leo thang tại Mỹ Latin và Caribe, qua đó làm gia tăng lạm phát. IMF nhận định Mỹ Latin và Caribe có thể chịu tác động đáng kể trong cơn bão giá, trong bối cảnh 5 nền kinh tế lớn ở khu vực là Brazil, Mexico, Chile, Colombia và Peru vốn đã ghi nhận tỉ lệ lạm phát hàng năm vào khoảng 8%. Các chuyên gia dự báo tình hình này buộc các ngân hàng trung ương phải đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát, một vấn đề làm xói mòn sức mua của tiền lương và ảnh hưởng đến nhu cầu của thị trường. Theo nhận định của IMF, do sự gián đoạn trao đổi mặt hàng bị ngắt quãng, giá lúa mì tăng cao kéo theo giá một số loại thực phẩm leo thang. Mặc dù hiện nay các điều kiện tài chính vẫn tương đối thuận lợi, song tình hình có thể xấu đi nếu xung đột leo thang, dẫn đến các quốc gia phải thắt chặt hơn chính sách tiền tệ trong nước.

Tại châu Á, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm nhằm kiềm chế áp lực lạm phát gia tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài, nhu cầu phục hồi từ đại dịch đồng thời giá dầu và hàng hóa tăng cao hơn. Trong khi đó, tại Indonesia cũng ghi nhận mức lạm phát trong tháng 3 đạt 0,66%, mức cao nhất kể từ tháng 5.2019, nguyên nhân chính là do tăng giá nhóm hàng thực phẩm, nhiên liệu gia dụng. Lào công bố mức lạm phát cao nhất kể từ đầu năm 2016 khi tỷ lệ lạm phát trong tháng 2.2022 tăng lên mức 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu dùng tại Lào tăng là do chi phí nhiên liệu và các sản phẩm nhập khẩu khác tăng vì đồng kip mất giá. Nhu cầu ngoại tệ, nhất là đồng USD và đồng baht của Thái Lan, vẫn cao trong bối cảnh các doanh nghiệp Lào phải sử dụng các ngoại tệ này để nhập khẩu hàng hóa.

Ngân hàng trung ương các nước hiện phải đối mặt với thách thức kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Trong cuộc họp tháng 3 vừa qua, ECB đã nhất trí nhanh chóng giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng trong quý II, cũng như bảo đảm điều chỉnh linh hoạt thời điểm kết thúc chính sách kích thích kinh tế. Cơ quan này cũng đưa ra ý kiến về khả năng một đợt tăng lãi suất sau khi kết thúc chiến lược mua trái phiếu.

Nguồn: Fair Observer

Bài toán khó

Mỹ đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao chưa từng thấy trong 40 năm qua, và các chuyên gia đã đặt ra câu hỏi liệu tình trạng lạm phát cao liệu có kéo dài? Chiến lược gia tại công ty nghiên cứu đầu tư The Leuthold Group (Mỹ) James Paulsen cho rằng, vấn đề trên sẽ không kéo dài và lạm phát sẽ ở mức vừa phải trong nửa cuối năm nay. Các thị trường tài chính, từ chứng khoán, trái phiếu cho đến đồng USD đánh đi tín hiệu lạm phát cao chỉ là nhất thời. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại Mỹ đã thúc đẩy nhiều người gia nhập lực lượng lao động trở lại và đây là yếu tố giúp hỗ trợ chuỗi cung ứng. Trong bốn tháng qua, lực lượng lao động Mỹ đã tăng hơn nhiều so với năm trước.

Trong khi đó, một số nhà kinh tế lại cho ý kiến khác và cảnh báo rằng lạm phát có thể tăng hơn nữa, thậm chí gây ra sự gián đoạn nhu cầu và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Với đà tăng đột biến của giá dầu gần đây do xung đột Nga và Ukraine đã làm dấy lên lo ngại giá nhiên liệu cao sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khiến giá tiêu dùng tăng đột biến. Tại cuộc họp mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản (0,25%), lần tăng đầu tiên trong hơn ba năm. Chủ tịch FED Jerome Powell nhấn mạnh rằng, ngân hàng trung ương này phải hành động nhanh chóng trong việc điều chỉnh lãi suất và có thể mạnh tay hơn để kiềm chế lạm phát. Một số nhà kinh tế khác cho rằng, với tình trạng căng thẳng như hiện nay, câu hỏi liệu tình hình lạm phát có cao hơn nữa hay không vẫn chưa thể có câu trả lời chính xác.

Như Ý