Lịch sử cải cách ruộng đất ở Trung Quốc

- Thứ Bảy, 18/10/2008, 00:00 - Chia sẻ
Kể từ sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949 (đến cuối thế kỷ XX), Trung Quốc đã tiến hành 3 cuộc cải cách ruộng đất lớn.

      Cải cách ruộng đất lần thứ nhất là một cuộc cách mạng triệt để diễn ra vào đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Với việc tịch thu đất đai của địa chủ để sung công và sau đó chia cho những người nông dân không có đất, giấc mơ ngàn năm của nhiều nông dân Trung Quốc đã thành hiện thực. 
      Cũng như những nước xã hội chủ nghĩa khác, Trung Quốc đã áp dụng chính sách đất nông nghiệp theo mô hình của Liên Xô rất phổ biến vào thời kỳ đó, với 2 đặc trưng là sở hữu tập thể và hành động tập thể thống nhất. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã tiến hành cải cách ruộng đất lần thứ 2 vào giữa thập kỷ 50. Trong quá trình này, những hộ nông dân cá thể bị buộc phải gia nhập vào các hợp tác xã. Cuối cùng, tiến trình tập thể hóa này đã tạo ra một tổ chức, với tên gọi công xã. Với quyền sở hữu tài sản được kiểm soát tập trung và nguyên tắc phân chia theo kiểu bình quân chủ nghĩa, sự ra đời của các công xã đã thủ tiêu quyền tự do canh tác của nông dân và động lực sản xuất của họ. 

      Lược dịch từ công trình nghiên cứu của Giáo sư Fu Chen của Trường Kinh tế và Thương mại thuộc Trường Đại học Nông nghiệp Nam Hoa ở tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc), và chuyên gia John Davis, Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Nông thôn thuộc Đại học Queen’s University of Belfast (Anh), đăng trên website của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), vào tháng 9.1999.

      Vào những năm cuối của thập kỷ 70, Trung Quốc đã tiến hành cải cách kinh tế mà khởi đầu là cuộc cải cách ruộng đất lần thứ 3. Trung Quốc đã từ bỏ mô hình của Liên Xô cũ và xây dựng một hệ thống hợp đồng trên cơ sở các hộ gia đình, còn gọi là hệ thống trách nhiệm hộ gia đình, theo đó các hộ gia đình được thuê đất đai, với một định mức sản lượng nhất định. Kể từ đó, trách nhiệm hộ gia đình trở thành mô hình bắt buộc đối với việc sở hữu đất nông nghiệp. Hệ thống này đã đem lại những kết quả to lớn vì đã tạo ra động lực cho sản xuất bằng cách trao cho nông dân quyền tự do sử dụng đất và tự quyết định, đồng thời gắn việc phân chia thu nhập với kết quả lao động. Kết quả là nền nông nghiệp của Trung Quốc đã phục hồi một cách mạnh mẽ. Sau hơn 30 năm đình đốn, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp trong nửa đầu của thập kỷ 80 đã cao gấp vài lần so với mức trung bình trước đó. Chẳng hạn riêng sản lượng gạo - sản phẩm nông nghiệp quan trọng nhất của một quốc gia - của Trung Quốc đã tăng lên mức 407 triệu tấn vào năm 1984, tăng hơn 100 triệu tấn so với năm 1978. Điều này đã góp phần giải quyết vấn đề cơ bản của quốc gia đông dân nhất thế giới này đó là cung cấp đủ lương thực cho người dân. 
      Tuy nhiên, năm 1985, sản lượng lương thực của Trung Quốc đã giảm 6% so với năm 1984. Cho đến trước thập kỷ 90, sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc tiếp tục bị đình đốn. Điều đó cho thấy dường như hệ thống trách nhiệm gia đình đã không còn hiệu quả và bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém. Quy tắc phân phối đất đai dựa trên sở hữu tập thể. Tất cả các thành viên của một làng đều được sở hữu đất nông nghiệp của làng đó. Kết quả là mọi thành viên đều có bình đẳng về quyền sở hữu đất đai và tiêu chí phân phối đất đai dựa trên quy mô của gia đình. Vì dân số của Trung Quốc rất lớn trong khi đất nông nghiệp lại có giới hạn nên số lượng đất nông nghiệp phân cho một gia đình rất nhỏ. Thêm vào đó, chất lượng đất nông nghiệp lại không đồng nhất về độ màu mỡ, điều kiện tưới tiêu, vị trí.... Một hộ gia đình được phân chia nhiều mảnh có chất lượng khác nhau. Vì vậy, diện tích đất mà mỗi gia đình sở hữu không những không lớn mà còn manh mún và phân tán trong một làng. Nhiều diện tích đất nông nghiệp đã bị lãng phí do các con đường và bờ bao phân ranh giữa các mảnh ruộng của các gia đình. Một cuộc điều tra do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tiến hành cho thấy năm 1986, trong số 7.983 làng ở 29 tỉnh được điều tra, diện tích canh tác bình quân trên 1 hộ là 0,466ha, được chia thành 5,85 mảnh khác nhau, mỗi mảnh có diện tích bình quân chỉ khoảng 0,08ha. Cơ cấu canh tác manh mún và phân tán theo quy mô gia đình đã làm hạn chế việc sử dụng các thiết bị canh tác tiên tiến và xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp. 

      Bên cạnh đó, hệ thống này đã làm hạn chế hoạt động canh tác của các hộ nông dân bởi việc phân đất cho một người chỉ dựa trên tư cách của người đó ở làng. Mặt khác, những đứa bé mới sinh và những cặp vợ chồng mới kết hôn từ các làng khác cũng có thể yêu cầu được cấp đất, có quyền bình đẳng và được chia một diện tích đất bình đẳng như những người khác. Nếu một người chết đi, quyền sở hữu của người đó đối với đất cũng sẽ tự nhiên biến mất. Và khi dân số tăng lên, các làng buộc phải điều chỉnh lại cơ cấu phân phối và điều này lại càng khiến cho diện tích của một mảnh ruộng bị thu hẹp lại.... 
      Ngoài ra trong hệ thống trách nhiệm  hộ gia đình, chủ nghĩa bình quân là nguyên tắc hàng đầu trong việc phân phối đất đai. Điều này khiến cho một vài hộ gia đình có đông người nhưng lực lượng lao động thực tế hạn chế lại có rất nhiều đất canh tác, trong khi có nhiều hộ gia đình có quy mô dân số nhỏ hơn, nhất là những hộ chỉ chuyên làm nông nghiệp, lại không có đủ đất để làm ruộng. Vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn ở những khu vực đang tiến hành công nghiệp hóa và đô thị hóa...

Thanh Tùng