Khi nào điều này mới chấm dứt?

- Thứ Năm, 26/05/2022, 05:40 - Chia sẻ

Chỉ 10 ngày sau khi chục người thiệt mạng trong vụ xả súng ở một siêu thị tại Buffalo, New York, một vụ xả súng thảm khốc hơn làm rúng động toàn nước Mỹ lại tiếp tục xảy ra ở trường tiểu học Robb thuộc thị trấn Uvalde, Tây Nam bang Texas vào sáng 25.5 (giờ Việt Nam). Đáng thương tâm là đa số các nạn nhân đều là học sinh nhỏ tuổi, khiến nhiều người phải đau xót thốt lên đặt câu hỏi “khi nào điều này mới chấm dứt”? Thảm kịch gióng lên tiếng chuông báo động về sự cần thiết phải kiểm soát súng đạn ở đất nước cờ hoa.

Ngày kinh hoàng và những con số đáng lo ngại

Nghi phạm xả súng được xác định là Salvador Ramos, 18 tuổi. Tên này đã bắn bà của mình trước khi ra tay thảm sát tại trường Robb, làm ít nhất 21 người thiệt mạng, trong đó có 18 học sinh và 3 người lớn. Ramos sau đó đã bị tiêu diệt. Đây là vụ xả súng gây thương vong lớn nhất tại một trường tiểu học ở Mỹ kể từ vụ việc cách đây gần 10 năm khi một tay súng sát hại 20 trẻ em và 6 người lớn tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut. 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ trong tháng này công bố, số người tử vong do súng ở Mỹ đạt con số cao nhất được ghi nhận vào năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch Covid-19. Hơn 45.000 người Mỹ đã chết trong các vụ việc liên quan đến súng trong năm này, một nửa trong số đó là tự sát. Tỷ lệ giết người bằng súng tăng lên 6,1 trên 100.000 người vào năm 2020 so với 4,6 trên 100.000 trong năm 2019, cao nhất trong 25 năm qua. Còn theo tổ chức Everytown for Gun Safety có trụ sở tại Mỹ, năm 2021, trung bình cứ 17 giờ lại có một người bị bắn trên đường phố, tăng hơn 200% so mức năm 2016…

Trong khi đó, tờ Le Figaro dẫn một báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 17.5 cho biết, các công ty sản xuất súng tại Mỹ tung ra thị trường hơn 139 triệu khẩu súng thương mại trong 20 năm qua, trong đó bao gồm 11,3 triệu khẩu vào năm 2020. 71 triệu khẩu súng được nhập khẩu trong cùng kỳ. Giai đoạn năm 2000 cả nước Mỹ chỉ có 2.222 công ty sản xuất vũ khí đang hoạt động, thì năm 2020, đã có 16.963 công ty.

Năm ngoái, một nghiên cứu của Giáo sư tội phạm học của Đại học Alabama, Tiến sĩ Adam Lankford cho thấy, Mỹ dẫn đầu về các vụ xả súng hàng loạt nơi công cộng. Ông là người nghiên cứu các vụ xả súng hàng loạt trên toàn thế giới trong nhiều năm và kết luận trên được đưa ra khi xem xét dữ liệu trong vòng 40 năm từ 171 quốc gia. Ông cũng tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa số lượng súng ở một quốc gia và các vụ xả súng hàng loạt.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

“Đã đến lúc biến đau thương thành hành động”

Bạo lực súng đạn luôn là vấn đề nhức nhối tại Mỹ, nơi xem quyền sở hữu súng là quyền cơ bản được ghi trong Hiến pháp. Thực tế, đây là thách thức lớn cho nhiều đời tổng thống, và chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Joe Biden không phải ngoại lệ.

Thực tế, kiểm soát súng đạn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối nội của ông. Kể từ khi nhậm chức, vị tổng thống thứ 46 đã thúc đẩy nhiều bước đi mạnh mẽ nhằm siết chặt quản lý súng đạn, nhất là nạn súng ma. Súng ma là loại vũ khí có thể được sản xuất tại nhà với giá vài trăm USD và nhiều bộ phận của nó có thể dễ dàng mua trực tuyến. Không giống như súng do nhà máy sản xuất, chúng không có số series và vì không được coi là súng, nên không yêu cầu giấy phép sử dụng súng hoặc lý lịch hình sự và sức khỏe tâm thần của người mua.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden và các nghị sĩ đảng Dân chủ đã không giành được đủ phiếu tại Quốc hội để thông qua luật yêu cầu kiểm tra lý lịch trước khi mua súng cũng như các đề xuất khác liên quan. Vì vậy, vụ trường Robb buộc ông một lần nữa khẩn thiết kêu gọi người dân Mỹ cùng hành động mạnh mẽ hơn chống bạo lực súng đạn. Ông cũng đề nghị tái khôi phục lệnh cấm mua bán vũ khí tấn công và các luật khác liên quan đến quyền sở hữu súng.

“Tại sao chúng ta sẵn sàng sống chung với cuộc tàn sát này? Tại sao chúng ta cứ để chuyện này xảy ra?”. “Đã đến lúc chuyển nỗi đau này thành hành động”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.

Thực tế, siết chặt quản lý súng là một trong những chủ đề gây chia rẽ sâu sắc tại chính trường Mỹ nhiều năm qua. Do có quan điểm trái ngược, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không thể tìm được tiếng nói chung trong việc thúc đẩy các chính sách về vấn đề đó. Hơn nữa, các nhóm vận động cho ngành công nghiệp sản xuất và kinh doanh súng đạn thường không chịu ngồi yên khi các biện pháp quản lý súng ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của họ, vốn mang lại lợi nhuận khổng lồ mỗi năm. Chính vì vậy, nhiều nhiệm kỳ tổng thống qua đi nhưng các dự luật kiểm soát súng đạn vẫn chưa thể thông qua. 

Tuy nhiên, tình hình dường như có vẻ đang thay đổi khi có nhiều tiếng nói từ các quan chức kêu gọi nước Mỹ phải thay đổi mạnh mẽ hơn việc kiểm soát súng đạn. Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu trong xúc động sau vụ thảm sát Texas: “Đã quá đủ rồi. Với tư cách là một quốc gia, chúng ta phải có can đảm để hành động và hiểu những gì sẽ tạo nên chính sách hợp lý bảo đảm những điều như thế này không bao giờ xảy ra nữa”.

Các cựu tổng thống và cựu quan chức cũng lần lượt lên tiếng. Theo CNN, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, nước Mỹ “đã bị tê liệt, không phải vì sợ hãi, mà bởi những người ủng hộ sở hữu súng và đảng phái chính trị chưa sẵn sàng hành động theo bất kỳ cách nào có thể giúp ngăn chặn những thảm kịch này”. Trên Twitter, cựu Tổng thống Bill Clinton bày tỏ sự đau xót đối với các gia đình nạn nhân, đồng thời kêu gọi “giờ là lúc phải hành động”. Vợ ông, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng lên tiếng mạnh mẽ, “chúng ta cần các nhà lập pháp sẵn sàng ngăn chặn thảm họa bạo lực súng đạn, điều đang giết hại con em chúng ta” vì “suy nghĩ và cầu nguyện là không đủ”.

Tại Texas, Thị trưởng thành phố Houston, ông Sylvester Turner kêu gọi các nhà lập pháp tiểu bang và liên bang thông qua “luật kiểm soát súng hợp lý”. "Còn bao nhiêu trẻ em nữa phải mất mạng vì bạo lực súng đạn vô nghĩa?”, ông đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland gọi vụ xả súng ở Texas là “hành động bạo lực tồi tệ”, đồng thời cũng khẳng định nước Mỹ sẽ “quyết tâm chấm dứt bạo lực vô nghĩa này”. Trong khi đó, ông Derrick Johnson, Chủ tịch của Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ hành động: “Đừng đăng tweet, hãy thông qua luật. Trẻ em đang chết”.

Thượng nghị sĩ Chris Murphy thì đặt ra một câu hỏi đầy nhức nhối chỉ vài giờ sau vụ xả súng “Chúng ta đang làm gì vậy?”, thể hiện sự phẫn nộ dồn nén suốt 10 năm của ông về việc các đồng nghiệp tại Quốc hội đã thiếu hành động bất chấp những cái chết do bạo lực súng đạn gây ra…

Linh Anh