Chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt áp lực lớn

- Thứ Tư, 13/04/2022, 06:50 - Chia sẻ
Với quyết tâm theo đuổi chiến lược “Zero Covid” (không Covid), Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa nhiều thành phố lớn, mới đây nhất là tâm dịch tại Thượng Hải. Điều này ảnh hưởng lớn đến giao thông, nhiều trung tâm sản xuất và xuất khẩu quy mô lớn tại quốc gia này phải trì hoãn; đặt ra những thách thức chưa từng có, cũng như áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị tổn thương trong hai năm qua.

Áp lực vận chuyển 

Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn là một trong những quốc gia đứng đầu trong việc sản xuất và xuất khẩu, nhưng khi quốc gia này kiên trì theo đuổi chiến lược Zero Covid đã khiến cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, và khả năng phục hồi kinh tế sau dịch cũng chậm hơn. Đặc biệt, với đợt bùng phát dịch mới tại Thượng Hải - điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là nơi xử lý khoảng 17% tổng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của Trung Quốc không chỉ đe dọa đến nguồn cung trong nước, mà còn làm trầm trọng thêm chuỗi cung ứng toàn cầu. Tới nay, lượng hàng hóa lưu thông qua các cảng của thành phố 26 triệu dân này đã suy giảm 40%. Công ty Vận tải DSV - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hàng đầu thế giới - cho biết, các chuyến bay vận chuyển hàng hóa đến sân bay Phố Đông (Thượng Hải) hiện chỉ bằng 3% so với tháng trước.

Tình hình các tuyến vận tải đường bộ cũng không khả quan hơn khi ngày càng có nhiều thành phố tại Trung Quốc yêu cầu lái xe tải phải xét nghiệm PCR, và cách ly những người nhiễm Covid-19, Hệ quả của vận tải chậm chạp là sản xuất ngưng trệ. Mặc dù các nhà máy ở Thượng Hải, Thâm Quyến, Côn Sơn đã rất cố gắng duy trì hoạt động bằng cách cho công nhân ở lại, chủ động tích trữ hàng hóa phục vụ sản xuất, linh hoạt điều chuyển các tuyến và hình thức vận tải, song vẫn không thể bảo đảm sản lượng. 

Trong bối cảnh Trung Quốc dừng gần như mọi hoạt động, nền kinh tế toàn cầu không tránh khỏi ảnh hưởng, mà trước hết là nguồn cung sản phẩm cho hàng loạt lĩnh vực kinh doanh bị bóp nghẹt. Các thị trường chứng khoán châu Á, châu Âu với chỉ số Nikkei đã giảm 1,5%, chỉ số Hang Seng giảm hơn 2%. Theo Hãng nghiên cứu Natixis Asia Research, sự đình trệ trong giao thương với Trung Quốc còn ảnh hưởng đặc biệt tiêu cực tới các nền kinh tế mới nổi và có nhu cầu tài chính lớn. Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo về nguy cơ “hậu ùn tắc” khi dòng chảy hàng hóa được khơi thông dẫn tới sự bùng nổ về giá cước giao ngay do lượng hàng hóa vận chuyển tăng đột biến.

Nguồn: Reuters

 Giá cả tăng vọt

Lệnh phong tỏa đã khiến cho chuỗi vận chuyển bị bế tắc, từ việc vận tải nội địa Trung Quốc bị gián đoạn, chi phí hàng hóa sản phẩm cuối đến tay người tiêu dùng sẽ gia tăng. Theo Phó Chủ tịch Công ty Vận tải DSV Mads Ravn, vận tải đang là vấn đề chính, nó đang ảnh hưởng đến mọi mặt hàng mà bạn có thể nghĩ đến, và có tác động toàn cầu đến mọi hoạt động thương mại. Các nhà phân tích cảnh báo rằng việc tắc nghẽn hậu cần trong nước sẽ kéo theo việc vận tải đường biển bị chậm trễ do lượng hàng hóa tích tụ. Chi phí lưu kho và nhiều phí liên quan sẽ khiến giá hàng hóa tăng lên khi các lệnh hạn chế được nới lỏng. Giám đốc điều hành của công ty tư vấn dịch vụ hàng hải Vespucci Maritime Lars Jensen cho biết, công ty đã lường trước kịch bản về giá cả leo thang, khi Thượng Hải mở cửa, lượng hàng hóa cần vận chuyển sẽ tăng vọt, gây áp lực về chi phí tỷ giá niêm yết khi bên bán muốn giao hàng ngay lập tức.

Trước đó, đầu tháng 4, dữ liệu kinh tế cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của các lệnh hạn chế. Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI), một thước đo chính của hoạt động trong các nhà máy của Caixin đã giảm xuống 48,1 trong tháng 3, dưới ngưỡng 50, ranh giới phân định tăng trưởng và suy giảm. Khảo sát của Caixin bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho thấy cả đơn đặt hàng trong nước và xuất khẩu trong tháng 3 đều giảm xuống mức tồi tệ nhất kể từ tháng 2.2020. Lượng hàng hóa vận chuyển đến Thượng Hải bằng đường biển ngày càng tăng khi các lệnh phong tỏa đã chặn hoạt động vận tải trên bộ. Dù vậy, lưu lượng hàng hóa đi qua cảng biển lớn nhất thế giới Thượng Hải, đã giảm khoảng một phần ba từ hôm 12.3, khi các đơn vị xuất nhập khẩu thay đổi hải trình.

Giải pháp tạm thời

Hồi cuối tháng 3, Công ty Vận chuyển Maersk, có trụ sở tại Đan Mạch cảnh báo rằng, với các biện pháp phong tỏa từng phần tại Thượng Hải sẽ giảm lưu lượng dịch vụ vận tải ở thành phố 30%, song con số này có thể gia tăng khi giới chức quyết định phong tỏa toàn bộ thành phố. Hiện nay, việc đặt các dịch vụ vận tải đường bộ tại Thượng Hải lúc này gần như không thể. Các công ty chuyển phát nhanh ở tỉnh An Huy và Giang Tô cho biết, các chuyến hàng không thể chuyển đến những khu vực ghi nhận các ca mắc Covid-19, bao gồm Thượng Hải.

Các đơn hàng đặt trên sàn thương mại điện tử lớn như Taobao cũng bị gián đoạn do các lệnh phong tỏa. Công ty Vận chuyển Maersk đã đưa ra biện pháp thay thế tạm thời như hoạt động vận tải có thể được thực hiện bằng sà lan hoặc đường sắt nhưng giới chuyên gia cho rằng đây chỉ là những giải pháp tạm thời, và nếu dịch bệnh vẫn còn bùng phát, các tuyến vận tải thay thế cũng sẽ bị chặn bởi lệnh phong tỏa. 

Thế giới đang phải đối mặt với chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn do diễn biến dịch phức tạp tại Trung Quốc, cùng với chiến sự phức tạp tại Ukraine. Vì vậy, với tình hình thực tế như hiện nay, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp nói riêng và các nền kinh tế nói chung cần chủ động tính các giải pháp ứng phó phù hợp, trong đó đặc biệt quan trọng là thiết lập được các chuỗi cung ứng linh hoạt hơn.

Như Ý