Châu Á vẫn tăng trưởng bất chấp nhiều rủi ro

- Thứ Năm, 07/04/2022, 07:06 - Chia sẻ
Đó là nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào hôm 6.4. Theo ADB, các nền kinh tế đang phát triển của khu vực sẽ tăng trưởng 5,2% vào năm 2022 và 5,3% vào năm 2023 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bất chấp những căng thẳng địa chính trị như cuộc chiến giữa Nga và Ukraine hay đại dịch Covid-19…

Tín hiệu lạc quan

Thực tế, sự phục hồi của lực cầu trong nước, việc nới lỏng hạn chế đi lại nhờ tiến độ tiêm chủng, xuất khẩu ngày càng tăng đã thúc đẩy sự phục hồi của khu vực đang phát triển châu Á vào năm ngoái. Lượng kiều hối đổ về khu vực cũng vẫn duy trì ổn định, đặc biệt là ở các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các khoản tiền chuyển về nước như Bangladesh, Cộng hòa Kyrgyz, Pakistan và Tajikistan. Du lịch quốc tế đã bắt đầu gia tăng ở các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại.

Theo tiểu vùng, các nước Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á đều được kỳ vọng sẽ trở lại tốc độ tăng trưởng kinh tế trước đại dịch.

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2022 do ADB công bố cho thấy, Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất của châu Á, được dự báo sẽ tăng trưởng 5,0% trong năm nay và 4,8% trong năm tới, trong bối cảnh xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh. Đông Á đang trên đà mở rộng quy mô lần lượt là 4,7% và 4,5% vào năm 2022 và 2023. Trong khi đó, Đông Nam Á dự kiến ​​sẽ đạt mức tăng trưởng 4,9% trong năm nay và 5,2% vào năm sau. Tại đây, Việt Nam đang có kết quả hoạt động mạnh mẽ nhất, với tốc độ tăng trưởng dự kiến ​​là 6,5% và 6,7%, tiếp theo là Philippines, Malaysia và Campuchia.

Ở Nam Á, các nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 7,0% và 7,4% so với cùng thời gian như các nước trên, trong đó Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất của tiểu vùng - dự kiến sẽ tăng 7,5% trong năm tài khóa này và 8,0% trong năm tài khóa tiếp theo. Các nền kinh tế ở Caucasus và Trung Á được dự báo tăng trưởng trung bình 3,6% trong năm nay và 4,0% trong năm tới. Ngoài ra, các nền kinh tế ở các quốc đảo Thái Bình Dương, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ của ngành du lịch trong đại dịch, được dự báo tăng trưởng 3,9% trong năm 2022 và 5,4% vào năm 2023, sau khi giảm 0,6% vào năm 2021.

Trước đó, hôm 28.3, ông Jose Vinals, Chủ tịch Standard Chartered nhận định, ngoài những bất ổn trong ngắn hạn, châu Á sẽ vẫn là “khu vực kinh tế năng động nhất trên thế giới trong trung và dài hạn”.

Vẫn cần cẩn trọng

Tuy nhiên, theo báo cáo của ADB, triển vọng kinh tế mạnh mẽ của khu vực phải đối mặt với nhiều rủi ro, bao gồm tác động tiêu cực của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, các ổ dịch Covid-19 bùng phát trở lại, hay việc tăng lãi suất ở Mỹ.

Nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB cho biết: “Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đang bắt đầu tìm được chỗ đứng của mình khi dần trỗi dậy sau đợt đại dịch Covid-19 tồi tệ nhất”. “Tuy nhiên, sự không chắc chắn về địa chính trị và các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới và các biến thể của virus có thể làm chệch hướng đà này. Các Chính phủ trong khu vực sẽ cần phải cảnh giác và chuẩn bị thực hiện các bước để đối phó với những rủi ro này, bao gồm việc bảo đảm rằng càng nhiều người càng tốt được tiêm chủng đầy đủ. Các cơ quan quản lý tiền tệ cũng nên tiếp tục theo dõi tình hình lạm phát một cách chặt chẽ và có những giải pháp kịp thời”. Ngân hàng cho biết lạm phát trong khu vực, mặc dù “có thể kiểm soát được”, dự báo sẽ tăng lên 3,7% trong năm nay trước khi giảm xuống 3,1% vào năm 2023.

ADB đồng thời nhấn mạnh, cuộc chiến ở Ukraine là nguy cơ nghiêm trọng nhất đối với khu vực, mặc dù nó cho biết hậu quả trực tiếp của cuộc xung đột sẽ chỉ giới hạn bên ngoài Trung Á và Mông Cổ. Thực tế, chiến tranh và các lệnh trừng phạt có khả năng làm tăng giá thực phẩm và nhiên liệu quốc tế, làm tổn thương người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh địa chính trị và đại dịch, châu Á còn phải đối mặt với rủi ro đi xuống từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Mỹ, điều mà ADB cho rằng có thể gây ra biến động thị trường tài chính, dòng vốn chảy ra nhanh chóng và đồng tiền mất giá mạnh. Tương tự, Ngân hàng Thế giới gần đây cũng nhận định, Mỹ tăng lãi suất có khả năng kích hoạt dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển, tạo áp lực lên đồng tiền của họ, từ đó gây ra thắt chặt tài chính “sớm”, làm tổn hại đến tăng trưởng.

Khi được hỏi mức độ bất ổn cao hiện nay có thể có ý nghĩa gì đối với các dự báo của ngân hàng và khả năng điều chỉnh giảm, Kinh tế trưởng Albert Park của ADB cho biết, có một yếu tố cần theo dõi là các lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Nga.

“Các dự báo hiện tại của chúng tôi cho rằng chiến tranh sẽ không tiếp diễn trong năm nay, vì vậy giá dầu cuối cùng sẽ ở mức vừa phải”. Tuy nhiên, “nếu các biện pháp trừng phạt được gia tăng và có hiệu quả trong việc ngăn chặn Nga bán dầu và khí đốt thì điều đó rõ ràng sẽ dẫn đến giá dầu thậm chí còn tăng vọt. Trong tình huống này, điều đó sẽ gây thêm áp lực lên tất cả các nước nhập khẩu dầu trong khu vực”.

Ngọc Minh