
Theo kết quả sơ bộ, Đảng cầm quyền UMP của tân Tổng thống Nicolas Sarkozy và đồng minh đã giành được 46% số phiếu. Đảng Xã hội đứng thứ hai với khoảng cách khá lớn, 29% số phiếu. Phong trào Dân chủ (MoDem) của ông Francois Bayrou chỉ giành được 7%, sụt giảm thê thảm so với tỷ lệ 18% phiếu ủng hộ trong kỳ bầu cử tổng thống. Những đảng nhỏ khác như Mặt trận Dân tộc giành được 4-5% và Đảng Cộng sản phải tạm hài lòng với 3,5%. Như vậy, UMP có thể giành được từ 400-450 ghế trên tổng số 577 ghế tại cơ quan lập pháp, con số lớn nhất mà một đảng giành được trong kỳ bầu cử lập pháp kể từ năm 1958 tới nay. Còn cánh tả sẽ có khoảng 120-160 ghế. Đảng MoDem của ông Bayrou chỉ giành được từ 1-4 ghế. Chiến thắng với tỷ số áp đảo này của UMP chính là nhờ chiến lược mà Tổng thống Nicolas Sarkozy áp dụng ngay từ khi ông nhậm chức hôm 16.5. Mời một số nhân vật cánh tả và cánh hữu vào Chính phủ, nhanh chóng công bố tỉ mỉ kế hoạch cải cách, tân Tổng thống không chỉ chứng minh cho cử tri thấy họ đã lựa chọn đúng mà còn khiến hàng ngũ phe đối lập trở nên chia rẽ và rối loạn. Đối với Francois Bayrou, ông là nạn nhân trong cuộc phiêu lưu chính trị của chính mình. Thành lập cách đây 1 tháng từ hai đảng cánh hữu là UMP và UDF, Đảng MoDem của ông đã không có đủ thời gian để tổ chức quy củ hơn. Ông Bayrou từng hy vọng MoDem sẽ trở thành lực lượng trung dung, tranh thủ được những cử tri không hài lòng với cánh hữu nhưng cũng mệt mỏi với cánh tả. Nhưng kết quả, những ứng cử viên được chọn lựa một cách vội vã của đảng này đã chìm nghỉm trước những ứng cử viên tên tuổi khác.
Cuộc bầu cử lập pháp hôm 10.6 đã cho ra đời một nước Pháp mới. Một nước Pháp chưa bao giờ có sự phân hóa tả-hữu rõ nét đến như vậy. Một phần nhỏ ở phía Tây thuộc về những người cánh tả, còn phần lớn còn lại ở phía Đông ủng hộ lực lượng cánh hữu. Nước Pháp giờ đây gần như không còn chỗ cho những đảng nhỏ như Mặt trận Dân tộc cực hữu, Đảng Phong trào dân chủ trung dung của Francois Bayrou hay những đảng đứng ở vị trí thứ ba như Đảng Cộng sản cực tả, Đảng Xanh... Sự phân cực mạnh của hệ thống đảng phái sau bầu cử lập pháp đã mang đến cho nền chính trị Pháp một diện mạo mới. Diện mạo này không những không làm ảnh hưởng đến dân chủ, mà còn tạo tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đưa ra quyết sách chính trị.
Cuộc bầu cử lần này cũng ghi dấu một sự kiện chưa từng có trong nền cộng hòa thứ V: Tỷ lệ cử tri đi không bỏ phiếu cao kỷ lục với gần 40%. Tuy nhiên, sẽ thật sai lầm khi nghĩ rằng tỷ lệ tham gia bầu cử thấp là dấu hiệu cho thấy cử tri thờ ơ đối với chính trị. Kết quả bầu cử đã chứng minh điều đó. Những người đi bỏ phiếu, họ muốn khẳng định lại một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn sự lựa chọn của họ trong kỳ bầu cử Tổng thống: Chính là Nicolas Sarkozy và Đảng UMP của ông. Vậy con số không bỏ phiếu này xuất phát từ đâu? Chính là tình trạng rã đám của những cử tri ủng hộ cánh tả và những đảng nhỏ, những đảng cực tả hoặc cực hữu.
Qua hai cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp năm nay, người ta thấy cái logic của việc giảm nhiệm kỳ tổng thống từ 7 xuống 5 năm và việc tiến hành bầu cử lập pháp cùng năm với bầu cử tổng thống. Diễn ra ngay sau bầu cử Tổng thống, kỳ bầu cử Quốc hội chính là phép thử cho thấy người Pháp trung thành với quyết định của mình trong cuộc chọn lựa người đứng đầu nhà nước đến mức nào. Không ít chuyên gia đã nhận xét rằng việc chọn ông Nicolas Sarkozy làm Tổng thống đã chấm dứt truyền thống kéo dài 25 năm qua, thời kỳ mà nền chính trị Pháp chỉ trung thành với hai trạng thái "chung sống" hoặc "thay thế". Trong thời gian đó, nước Pháp đã chứng kiến 3 cuộc chung sống chính trị: Lần đầu tiên là giữa Tổng thống cánh tả Francois Mitterrand và Thủ tướng Jacques Chirac thuộc cánh hữu (1986-1988). Lần thứ hai là giữa ông Mitterrand và Thủ tướng Edouard Balladur (1993-1995) và lần gần đây nhất là giữa Tổng thống cánh hữu Jacques Chirac với Thủ tướng cánh tả Lionel Jospin (1997-2002). Cũng trong 25 năm đó, lần lượt cánh tả rồi cánh hữu thay thế nhau nắm quyền. Chính vì vậy, với sự chọn lựa lần này, người ta nhìn thấy sự nung nấu của cử tri: Cải cách. Người Pháp không còn muốn chứng kiến những cuộc "hôn nhân chính trị" gượng ép giữa cánh tả và cánh hữu, càng không hứng thú với những bài phát biểu hùng hồn nhưng lại né tránh vấn đề của cánh tả. Kết quả bầu cử tổng thống và phiên bản của nó- cuộc bầu cử lập pháp- là bằng chứng cho thấy người Pháp đã quyết tâm chối bỏ những rủi ro mà việc cánh tả và cánh hữu cùng chung sống có thể đem lại, muốn đoạn tuyệt với một chính quyền bị tê liệt thông qua việc bầu ra một Chính quyền mới năng động hơn. Trên thực tế, hiếm khi người Pháp được chứng kiến một chương trình cải cách được chuẩn bị công phu như thế. Hiếm khi, có một Chính quyền nào công bố một cách rõ ràng, nhanh chóng những biện pháp cải cách mà họ sẽ áp dụng như thế. Những điều chưa từng thấy của nền Cộng hòa thứ V đã xảy ra. Và chính cử tri là người tạo ra thay đổi.
Quốc Đạt