Gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ
Tư tưởng “Lấy dân làm gốc” luôn là kim chỉ nam xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước lấy dân làm gốc… Gốc có vững cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”, “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Kế thừa truyền thống lịch sử của dân tộc, thấm nhuần lời dạy của Bác, trong mọi thời kỳ, giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn xác định “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; chú trọng phát huy vai trò của quần chúng nhân dân và xem đây là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.
Thực tiễn cách cách mạng Việt Nam là minh chứng vững chắc nhất về những đóng góp to lớn của nhân dân trong đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), nhân dân vừa là trung tâm vừa là chủ thể bảo vệ. Lực lượng Công an nhân dân (CAND) luôn luôn khắc ghi lời dạy của Bác, sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, coi trọng và phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, không ngừng phấn đấu “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, là lẽ sống của mình.
Là cấp gần dân, sát dân, gắn với địa bàn cơ sở, những năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của Uỷ ban nhân dân cùng cấp và sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Công an cấp trên, lực lượng Công an xã đã phát huy vai trò là lực lượng chủ công và trực tiếp thực hiện chức năng phòng chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền cấp xã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chủ chương, biện pháp, kế hoạch xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn; tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm. Qua đó, góp phần giữ vững ANTT tại địa phương.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, đã có nhiều tấm gương cứu giúp nhân dân trong lúc họa nạn, kiên quyết, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân, như: Đồng chí Hoàng Minh Tú (sinh năm 1969), Công an viên thôn Tân Thịnh, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng hi sinh khi giúp dân vượt lũ ngày 8.8.2019; đồng chí Thao Văn Súa (sinh năm 1986), Trưởng Công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa hi sinh trong khi giúp dân chống lũ ngày 4.8.2019; đồng chí Quàng Văn Xôm (sinh năm 1992), Công an viên bản Lĩnh Luông, xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La hi sinh khi truy bắt đối tượng tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy ngày 14.9.2020…
Xây dựng Công an xã chính quy là yêu cầu cấp thiết
Qua thí điểm bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT tại một số địa phương đã đạt được những kết quả tích cực.
Tình hình ANTT tại các địa bàn có Công an xã chính quy đã có chuyển biến rõ rệt. Số vụ việc có liên quan đến ANTT giảm, được cấp ủy, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Thực tiễn bảo vệ ANTT cho thấy, tình hình ANTT khu vực nông thôn tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn, nhất là các mâu thuẫn, tranh chấp khiếu kiện liên quan đến đất đai; hoạt động của tội phạm ma túy, hình sự diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có xu hướng gia tăng như: buôn bán, vận chuyển ma túy, hiếp dâm, dâm ô trẻ em, trộm cắp tài sản; tội phạm sử dụng vũ khí vật liệu nổ gây án, chống người thi hành công vụ, coi thường pháp luật có tính chất manh động, nguy hiểm xảy ra ở nhiều địa phương.
Nếu không chủ động phòng ngừa, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn ngay từ cơ sở sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, cản trở quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, tại một vùng, liên vùng và toàn quốc.
Theo các quy định mới tại Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, lực lượng Công an xã được bổ sung thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn mới nặng nề hơn, đòi hỏi cao hơn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, với tính chuyên nghiệp cao.
Trong khi đó, Công an xã được tổ chức hoạt động theo Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 7.9.2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã bộc lộ một số tồn tại như: Trình độ, năng lực, nhận thức của một bộ phận cán bộ còn hạn chế; cơ cấu, tổ chức thiếu đồng bộ; lực lượng Công an xã luôn biến động, một số đồng chí sau khi được đào tạo bị điều chuyển sang công việc khác; cơ sở vật chất, trụ sở làm việc chưa bảo đảm… Các tiêu chuẩn về trình độ học vấn để tuyển chọn Công an xã theo các quy định cũ chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Tăng cường lực lượng cho cơ sở để chủ động nắm tình hình, phòng ngừa các nguy cơ mất ANTT từ sớm, từ xa, từ cơ sở, giải quyết các nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân, bảo đảm phương châm “lấy dân làm gốc”, “giữ vững bên trong là chính” là chủ trương sát với thực tiễn, là yêu cầu cấp thiết.
Với việc tham mưu quyết liệt thực hiện công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, Bộ Công an đã cắt giảm 6 tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục, gần 800 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội, sáp nhập 20 đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, tinh gọn tổ chức Công an cấp tỉnh, cấp huyện.
Đây là quyết tâm lớn, tạo cơ sở cho việc điều chỉnh, bố trí lại lực lượng, sắp xếp cán bộ, cơ cấu biên chế trong nội bộ Bộ Công an một cách hợp lý theo hướng tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở, nhất là đẩy mạnh xây dựng Công an xã chính quy trên phạm vi toàn quốc.
“Số vụ án và vi phạm pháp luật ở địa phương giảm 50% từ khi triển khai lực lượng Công an xã chính quy, thậm chí có địa bàn trong ngày không xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật”.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an
phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV