Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo vệ người gửi tiền tốt hơn

- Chủ Nhật, 04/09/2022, 06:06 - Chia sẻ

Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được Quốc hội thông qua ngày 18.6.2012 và chính thức có hiệu lực từ 1.1.2013. Luật BHTG là văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động BHTG tại Việt Nam và là cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần ổn định hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thực tiễn sau 10 năm triển khai Luật đã cho thấy, một số tồn tại và bất cập cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm đồng bộ các quy định pháp luật liên quan, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền.

Gần 7 triệu tỷ đồng tiền gửi đang được bảo vệ

Hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đang bảo vệ cho hơn 89 triệu lượt người gửi tiền với số tiền gửi được bảo hiểm là gần 7 triệu tỷ đồng, tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.

Tính đến hết quý II.2022, kết quả thu phí và đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi góp phần nâng tổng tài sản của BHTGVN đạt hơn 88 nghìn tỷ đồng, trong đó, Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt trên 82 nghìn tỷ đồng, tạo tiềm lực vững chắc cho BHTGVN trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng.

Ông Phạm Bảo Lâm, Chủ tịch HĐQT BHTGVN khẳng định, thời gian qua, BHTGVN chủ động khắc phục những hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực để triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra tại chỗ và công tác giám sát từ xa một cách thường xuyên, liên tục. Theo đó, kịp thời đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công tác kiểm tra, thực hiện kiểm tra định kỳ đối với 153/280 tổ chức tham gia BHTG, đạt 54,6% so với kế hoạch; hoàn thành kiểm tra đối với 21/53 quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước năm 2022. Đồng thời, tăng cường thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% các tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn quản lý; kết nối, cung cấp, trao đổi thông tin với hoạt động kiểm tra, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị với NHNN các vấn đề phát sinh khả năng gây rủi ro, mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Trải qua 10 năm Luật BHTG đi vào cuộc sống đã nâng cao hiệu quả của chính sách BHTG, đưa chủ trương bảo vệ người gửi tiền và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng lên một tầm cao mới. Luật BHTG đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về BHTG, tổ chức BHTG, tổ chức tham gia BHTG cũng như quy định về quyền lợi của người gửi tiền được BHTG, qua đó tạo ra hành lang rõ ràng cho hoạt động BHTG.

Những tồn tại cần tháo gỡ

Những bất cập, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật BHTG tập trung ở việc Luật chưa quy định, quy định chưa rõ hoặc có quy định nhưng không thống nhất với luật khác.

Một số quy định tại Luật BHTG chưa cụ thể, dẫn tới quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, Luật BHTG quy định, tiền gửi được bảo hiểm gồm tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa có quy định rõ về “các hình thức tiền gửi khác”, do vậy, còn có các quan điểm khác nhau trong việc xác định tiền gửi được bảo hiểm đối với hình thức như tiền gửi ký quỹ, thẻ trả trước...

Việc áp dụng mức phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt giữa các tổ chức tín dụng còn khó khăn. Hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại, gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. Việc áp dụng phí BHTG phân biệt sẽ làm tăng gánh nặng tài chính đối với các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là những tổ chức tín dụng có độ rủi ro cao, gia tăng khó khăn cho quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức này.

Ngoài ra, Luật BHTG quy định tổ chức BHTG được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước nhưng chưa quy định BHTGVN được bán trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng nhà nước khi cần thiết.

Mỗi người dân gửi tiền đều có quyền được bảo vệ tiền gửi tốt nhất... Ảnh: K. Phi
Mỗi người dân gửi tiền đều có quyền được bảo vệ tiền gửi tốt nhất
Ảnh: K. Phi

Đi kèm với quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các cơ chế, chính sách đã được sửa đổi, tiêu biểu là Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng đã trao thêm chức năng, nhiệm vụ mới cho BHTGVN nhằm tham gia tích cực vào quá trình này. BHTGVN được giao nhiệm vụ cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ; tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính; tham gia xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, tham gia Ban kiểm soát đặc biệt... Đây đều là những chức năng, nhiệm vụ chưa được quy định tại Luật BHTG.

Để phù hợp và đồng bộ với hệ thống pháp luật

Việc nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG tại Việt Nam vào thời điểm này là cần thiết, đồng bộ với khuôn khổ pháp lý hiện hành, phù hợp với thực tiễn và hướng tới thông lệ quốc tế. Trong thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lan rộng trên toàn cầu cũng như tình hình chính trị - kinh tế thế giới có nhiều biến động, thực tế ghi nhận nhiều quốc gia như Canada, Hàn Quốc, Malaysia... đã có động thái sửa đổi, bổ sung chính sách BHTG theo hướng nâng cao vị thế, tăng cường về nghiệp vụ và năng lực tài chính cũng như quyền hạn cho tổ chức BHTG nhằm bảo đảm khả năng ứng phó hiệu quả với những khó khăn có thể xảy ra đối với hệ thống tài chính - ngân hàng quốc gia.

Việc tạo dựng hành lang pháp lý thông thoáng, rõ ràng cho hoạt động BHTG, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế và vai trò giúp BHTGVN có thể tham gia hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Chủ tịch HĐQT BHTGVN cho biết, BHTGVN hiện đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nhằm đưa ra kiến nghị, đề xuất tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Theo đó, BHTGVN có ý kiến cụ thể đối với 5 nội dung chính sách dự kiến trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHTG như: (i) Hoàn thiện quy định về phí BHTG; (ii) Nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức BHTG; (iii) Bổ sung quyền, nghĩa vụ của BHTGVN; (iv) Hoàn thiện quy định pháp luật để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém tại Việt Nam; (v) Hoàn thiện quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân nhận định: Việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG vẫn phải quan tâm và đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu, xem xét, đánh giá những bất cập ảnh hưởng tới quyền lợi của họ để đưa ra giải pháp khắc phục một cách tốt nhất. Luật BHTG cần được sửa đổi, bổ sung thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan, cần cụ thể hóa các quy định về thẩm quyền, biện pháp trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, theo đúng nguyên tắc thị trường, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống.

Cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân, cần nghiên cứu để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém nhằm sử dụng chính sách BHTG như một công cụ hiệu quả để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền; bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới để BHTGVN có vai trò lớn hơn trong việc thực hiện các chính sách xã hội; bảo đảm tăng cường năng lực tài chính, sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có thực hiện các mục tiêu được giao.

Kiều Phi