Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Bảo đảm chính sách hỗ trợ của Nhà nước có hiệu quả

- Thứ Năm, 15/09/2022, 06:29 - Chia sẻ

Một trong những hạn chế, tồn tại của Luật Hợp tác xã năm 2012 là chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước chưa hiệu quả, thiếu trọng tâm, trong khi đa số hợp tác xã ở nước ta có quy mô nhỏ, thành viên phần nhiều là đối tượng dễ bị tổn thương. Do vậy, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần quy định chi tiết hơn, ưu tiên nhiều nguồn lực hơn cho các tổ chức này.

Cân nhắc tiêu chí hỗ trợ

Điều 6, Luật Hợp tác xã năm 2012 chỉ quy định nội dung về hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, chưa đưa ra nguyên tắc, tiêu chí hỗ trợ cụ thể dẫn tới việc triển khai thực hiện trong thời gian qua còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ cho các hoạt động thể hiện đặc trưng, phát huy bản chất tốt đẹp của các mô hình kinh tế hợp tác.

Luật cũng chưa quy định các chính sách, phương thức hỗ trợ cụ thể, đặc thù cho hợp tác xã (như miễn, giảm thuế đối với giao dịch nội bộ trong hợp tác xã, hỗ trợ theo hình thức phi dự án...), thiếu cơ chế đánh giá, kiểm tra trước khi hỗ trợ.

Vì vậy, nhiều ý kiến đồng tình với việc Dự thảo bổ sung một chương riêng về chính sách của Nhà nước trên cơ sở 8 nhóm chính sách được xác định tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Theo đó, 8 chính sách bao gồm: chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; chính sách tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; chính sách thuế, phí và lệ phí; chính sách tín dụng, bảo hiểm; chính sách ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và đầu tư; chính sách xây dựng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị và chính sách về kiểm toán. Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất đổi tên luật thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác để điều chỉnh đầy đủ các hình thức kinh tế tập thể.

Về chính sách kiểm toán, Dự thảo quy định một trong các tiêu chí để tổ chức kinh tế hợp tác được nhận các chính sách của Nhà nước là có báo cáo kiểm toán có hiệu lực trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm đề xuất hỗ trợ và một số tiêu chí còn mang tính định tính như thường xuyên giáo dục đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động. Theo đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tiêu chí này chỉ phù hợp với các hợp tác xã quy mô lớn, còn các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhỏ, siêu nhỏ sẽ rất khó có khả năng tiếp cận chính sách. Hơn nữa, do phạm vi và tần suất kiểm toán độc lập đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khác nhau nên sẽ không bảo đảm nguyên tắc bình đẳng tiếp cận.

Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp Ngô Sỹ Đạt cũng đề nghị cân nhắc việc quy định tiêu chí này, nếu không trong quá trình thực thi sẽ loại bỏ những đối tượng là tổ chức kinh tế tập thể mới thành lập, chưa kiểm toán hoặc tổ chức kinh tế tập thể có quy mô nhỏ, không thuộc đối tượng kiểm toán.

Bảo đảm các chính sách hỗ trợ đến được với hợp tác xã
Bảo đảm các chính sách hỗ trợ đến được với hợp tác xã

Thành lập ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp

Cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết số 20-NQ/TW về chính sách đất đai đối với các tổ chức kinh tế tập thể (tích tụ đất đai cho sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể thuê; ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất, bảo đảm sử dụng đất đai có hiệu quả), dự thảo luật đã thiết kế một khoản về chính sách tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh.

Nhất trí với quy định này song một số ý kiến cho rằng, cần làm rõ hơn cơ chế khuyến khích các thành viên tổ chức kinh tế hợp tác tự nguyện và được bảo hộ pháp luật khi góp quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong đó nhấn mạnh, Nhà nước không can thiệp việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà do thành viên tự quyết định, song Nhà nước cần cam kết và định rõ cơ chế bảo vệ quyền của người sử dụng đất khi góp quyền sử dụng đất vào các tổ chức kinh tế hợp tác không gắn với chuyển dịch sở hữu quyền này. Nếu không có quy định bảo hộ quyền sử dụng đất từ phía Nhà nước đối với các hành vi gian dối, vi phạm các cam kết dân sự trong giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất thì sẽ không tạo an tâm về cơ sở pháp lý và do đó không khuyến khích được người dân mạnh dạn cho thuê, góp quyền sử dụng đất.

Đồng thời, Dự thảo cần cập nhật nội dung thành lập và khuyến khích phát triển Ngân hàng đất nông nghiệp cho thuê theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, với tính chất và chức năng là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp và cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp.

Cùng quan điểm, theo Ths. Trịnh Quang Hân, Ban Kinh tế Trung ương, hiện nay Trung tâm phát triển quỹ đất ở các địa phương đã và đang hoạt động, tuy nhiên chưa có cơ chế tạo quỹ đất sạch để các hợp tác xã nông nghiệp mở rộng mô hình sản xuất, liên kết các thành viên và cho thuê lại đất. Do đó cần bổ sung quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung phân loại chỉ tiêu đất dành cho các tổ chức kinh tế hợp tác trong hệ thống các chỉ tiêu thống kê, kiểm kê đất đai cũng như luật hóa cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuê đất, thuê mặt nước cho tổ chức kinh tế hợp tác tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Anh Dũng