Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, Hội thảo là diễn đàn chia sẻ bài học kinh nghiệm giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các chuyên gia đến từ Mỹ và EU, các hiệp hội, doanh nghiệp ngành gỗ, các cơ quan nghiên cứu và các tổ chức dân sự xã hội trong nước nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng và triển khai Hệ thống VNTLAS theo các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định VPA FLEGT được ký kết với Liên minh Châu Âu (EU) vào năm 2018 và có hiệu lực từ 1.6.2019. Sau khi được ban hành (dự kiến vào cuối năm 2019), Nghị định VNTLAS sẽ hướng dẫn thực thi một số điều của Hiệp định VPA FLEGT và Luật Lâm nghiệp 2017.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Đức Sebartian Paust cho biết: Trọng tâm của thực hiện Hiệp định VPA FLEGT là xây dựng và vận hành Hệ thống VNTLAS nhằm bảo đảm tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Hiêp định được triển khai đầy đủ khi cơ chế cấp phép FLEGT của Hệ thống VNTLAS bắt đầu hoạt động. Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được cấp phép FLEGT sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn khi xuất khẩu sang Châu Âu. Ngoài ra, uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam cũng được nâng cao không chỉ tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác - các thị trường đang này ngày càng có nhu cầu cao về gỗ hợp pháp.
Được biết, từ đầu năm 2018 đến nay ngành Hải quan đã bắt giữ được 48 vụ vi phạm về xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ, với tang vật thu được gồm: 12,7 tấn gỗ giáng hương, 9,2 tấn gỗ trắc, 6,8 tấn gỗ cẩm lai, 42,3 tấn gỗ xà cừ Châu Phi, 3,9 tấn gỗ hương, 11,8 tấn gỗ mun… Trong đó, đã xử lý hành chính 30 vụ, khởi tố hình sự 1 vụ, chuyển cơ quan khác xử lý 5 vụ và đang tiếp tục điều tra làm rõ 12 vụ vận chuyển trái phép. Những vụ việc vi phạm hành chính chủ yếu là thiếu hồ sơ, chứng từ, thiếu giấy phép theo quy định, chậm làm thủ tục hải quan…